Trong phần tranh luận, nhiều luật sư mong HĐXX xem xét lại vai trò của một số bị cáo vì họ chỉ là người làm công ăn lương, làm theo chỉ đạo của cấp trên.
Sự kiện

Vụ Vạn Thịnh Phát: Nhiều bị cáo chỉ làm theo chỉ đạo, không trực tiếp gây thiệt hại cho SCB

Nhã Thanh (tổng hợp) 17:37 26/03/2024

Trong phần tranh luận, nhiều luật sư mong HĐXX xem xét lại vai trò của một số bị cáo vì họ chỉ là người làm công ăn lương, làm theo chỉ đạo của cấp trên.

Ngày 26.3, phiên tòa sơ thẩm vụ án xảy ra tại Công ty CP Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng Thương mại CP Sài Gòn (SCB) và các công ty, đơn vị, tổ chức liên quan tiếp tục diễn ra phần bào chữa cho các bị cáo.

Áp lực từ cấp trên

Bào chữa cho bị cáo Lê Anh Phương (cựu Giám đốc Ngân hàng SCB chi nhánh Sài Gòn), luật sư mong HĐXX xem xét lại vai trò của bị cáo trong vụ án vì Phương chỉ là người làm công ăn lương, không được trao đổi, bàn bạc về công việc, chỉ làm theo chỉ đạo của cấp trên, không phải là người trực tiếp gây thiệt hại cho SCB.

Luật sư cũng nêu lên một tình tiết đáng chú ý là vào năm 2020, bị cáo Phương đang làm Giám đốc Ngân hàng SCB chi nhánh Sài Gòn, có một số khoản vay được các bị cáo Trần Thị Mỹ Dung (cựu Phó tổng giám đốc SCB), Trương Khánh Hoàng (cựu quyền Tổng giám đốc SCB) chỉ đạo chi nhánh lập hồ sơ cho vay.

Tuy nhiên, bị cáo Phương phát hiện có sai phạm trong khoản vay nên đã không đồng ý đối với các khoản vay này và có ý kiến. Ngay sau đó, Phương bị buộc làm theo chỉ đạo nếu không sẽ bị chuyển sang làm việc tại đơn vị khác. Bị cáo không đồng ý nên nghỉ việc tại SCB vào tháng 10.2020.

Theo luật sư, tình tiết trên thể hiện áp lực từ cấp trên mà bị cáo Phương phải đối mặt khi làm việc tại Ngân hàng SCB.

Theo cáo trạng, Lê Anh Phương làm việc tại Ngân hàng SCB cũ (trước khi hợp nhất 3 ngân hàng) từ tháng 7.2007; sau đó tiếp tục công tác tại SCB đến ngày 14.12.2020. Từ ngày 24.8.2017 đến ngày 9.10.2020, Lê Anh Phương đã ký 99 tờ trình thẩm định cho vay 91 khách hàng thuộc Công ty CP Tập đoàn Vạn Thịnh Phát để vay 119 khoản tại Ngân hàng SCB, với tổng dư nợ đến ngày 17.10.2022 là 77.934 tỉ đồng.

Ngoài việc tham gia lập hồ sơ vay vốn “khống”, Lê Anh Phương còn theo chỉ đạo của Nguyễn Phương Hồng (cựu Phó tổng giám đốc SCB, đã chết) nâng khống giá trị tài sản và lùi ngày phát hành chứng thư để hợp thức cho 4 khoản vay của 4 công ty “ma” thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

Hành vi của Lê Anh Phương đã giúp sức cho Trương Mỹ Lan (cựu Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) rút tiền của Ngân hàng SCB, gây thiệt hại cho ngân hàng số tiền 72.374 tỉ đồng.

anh-4-phong-xu-an-2484.jpg
Một góc phiên tòa vụ án Vạn Thịnh Phát - Ảnh: Tiền Phong

Mong HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt

Bào chữa cho bị cáo Đặng Phương Hoài Tâm (cựu Trưởng văn phòng HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát), luật sư không đồng tình với mức án từ 19 - 20 năm tù giam do Viện KSND TP.HCM đề nghị cho bị cáo vì tội “Tham ô tài sản”.

Theo luật sư, bị cáo Tâm làm việc xuất phát từ sự tin tưởng vào bị cáo Trương Mỹ Lan, làm việc vô tư với cương vị là một người làm công ăn lương. Bị cáo Tâm chỉ được giao quản lý các tài sản nhỏ lẻ tại Vạn Thịnh Phát, vai trò trong vụ án là mờ nhạt.

Tự bào chữa, Đặng Phương Hoài Tâm cho biết công việc của bị cáo là cập nhật danh sách các công ty. Công ty nào được cấp trên đem đi thế chấp ngân hàng thì bị cáo gạch bỏ, công ty nào mới được thành lập và được cấp trên đưa thông báo xuống thì cập nhật thêm vào file.

Bị cáo Tâm cũng khẳng định không tham gia “giải quỹ” và không hiểu cụm từ này nghĩa là gì vì trong suốt thời gian làm việc bị cáo chưa từng tham dự bất kỳ một cuộc họp nào, chưa từng nhận ý kiến chỉ đạo nào từ Trương Mỹ Lan hay các cấp quản lý khác tại Vạn Thịnh Phát…

Ngoài ra, bị cáo Tâm cũng cho biết thêm bản thân chỉ có trình độ trung cấp kế toán, không được đào tạo thêm về nghiệp vụ ngân hàng hay quản trị kinh tế, vì thế nghiệp vụ quản lý hạn chế. Bị cáo mong nhận được một mức án khoan hồng.

Bào chữa cho bị cáo Nguyễn Phương Anh (cựu Phó tổng giám đốc Công ty Sài Gòn Peninsula) luật sư cho rằng bản thân bị cáo Phương Anh chỉ thực hiện theo công việc được giao để có được tiền lương trang trải cuộc sống.

Bản thân bị cáo Nguyễn Phương Anh là người làm công ăn lương, không hưởng cổ phần, cổ phiếu hay làm vì mục đích cá nhân. Bị cáo chỉ thực hiện theo chức trách nhiệm vụ cá nhân để kiếm đồng lương nuôi gia đình.

Cũng theo luật sư, bị cáo Phương Anh do thiếu hiểu biết pháp luật, chỉ vì suy nghĩ chủ quan muốn làm tốt công việc được giao. Bên cạnh đó, bị cáo còn mù quáng tin tưởng vào Trương Mỹ Lan nên đã có những hành vi sai phạm gây nên hậu quả nặng nề.

Khi vụ án xảy ra, bị cáo đã tích cực hợp tác với CQĐT, ăn năn hối lỗi. Vì vậy, luật sư mong HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.

Bài liên quan
Đại án Vạn Thịnh Phát: Nguyễn Cao Trí xin vắng mặt trong ngày xử tiếp theo vì lý do sức khỏe
Trong phần khai báo tại phiên tòa, Nguyễn Cao Trí xin được vắng mặt những ngày tiếp theo vì lý do sức khỏe.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
4 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vụ Vạn Thịnh Phát: Nhiều bị cáo chỉ làm theo chỉ đạo, không trực tiếp gây thiệt hại cho SCB