VKS đề nghị Tòa xử phạt từ 10 - 11 năm tù đối Cựu Bộ trưởng Bộ Công thương.

Vụ Sabeco: VKS đề nghị xử phạt cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng 10 – 11 năm tù

Nhã Thanh | 24/04/2021, 09:00

VKS đề nghị Tòa xử phạt từ 10 - 11 năm tù đối Cựu Bộ trưởng Bộ Công thương.

Sáng 24.4, đại diện VKS đã nêu quan điểm giải quyết vụ án cũng như đề nghị mức án đối với 10 bị cáo trong vụ “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” và “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai” xảy ra tại Sabeco, Bộ Công Thương và những đơn vị liên quan.

VKS đề nghị HĐXX cấp sơ thẩm xử phạt bị cáo Vũ Huy Hoàng (cựu Bộ trưởng Bộ Công thương) từ 10 – 11 năm tù về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Cùng tội danh, VKS đề nghị xử phạt bị cáo Phan Chí Dũng (cựu Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ, Bộ Công thương) từ 7 – 8 năm tù.

Với nhóm các bị cáo là cựu lãnh đạo UBND TP.HCM, cựu lãnh đạo các Sở Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường bị truy tố và đưa ra xét xử về tội “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai”, VKS đề nghị xử phạt mức án tương xứng với hành vi phạm tội. Trong đó, bị cáo Nguyễn Hữu Tín (cựu Phó chủ tịch UBND TP.HCM) bị VKS đề nghị xử phạt từ 5 – 6 năm tù.

vks.jpg
VKS nêu quan điểm luận tội - Ảnh: N.A

VKS: Truy tố đúng người, đúng tội, đúng pháp luật

Theo đại diện VKS, qua các tài liệu chứng cứ trong hồ sơ vụ án, qua các tài liệu chứng cứ được thẩm định tại phiên tòa cùng lời khai của các bị cáo, người liên quan đã đủ điều kiện cho thấy Tổng Công ty cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, thuộc Bộ Công Thương quản lý) được giao cho khu đất tại số 2-4-6 Hai Bà Trưng (phường Bến Nghế, quận 1, TP.HCM) có tổng diện tích 6.080 m2 dùng để sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp và nộp tiền thuê đất hàng năm.

Quá trình thực hiện quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu đối với Sabeco, bị cáo Vũ Huy Hoàng, bị can Hồ Thị Kim Thoa (cựu Thứ trưởng Bộ Công thương) và bị cáo Phan Chí Dũng đã có ý kiến chỉ đạo đối với các cán bộ cấp dưới thuộc Bộ Công thương và Sabeco trong quá trình Sabeco thực hiện các thủ tục góp vốn bằng quyền sử dụng khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng và tiền của Sabeco để thành lập Công ty liên doanh Sabeco Pearl cùng với các doanh nghiệp tư nhân đầu tư thực hiện Dự án “Xây dựng khách sạn 6 sao, trung tâm thương mại, trung tâm hội nghị, hội thảo và văn phòng cho thuê” trên khu đất 6.080 m2 tại số 2-4-6 Hai Bà Trưng.

Khi Sabeco thực hiện xong các thủ tục pháp lý đầu tư dự án cho liên doanh Sabeco Pearl và đề nghị được UBND TP.HCM chấp thuận bổ sung chức năng officetel (mô hình kết hợp văn phòng cho thuê với khách sạn) và căn hộ ở cho dự án, ngay sau đó Bộ Công thương đã chỉ đạo Sabeco thoái toàn bộ vốn góp (chuyển nhượng vốn) của Sabeco trong dự án này cho doanh nghiệp tư nhân tham gia liên doanh.

Từ đó, hoàn tất việc chuyển quyền quản lý, sử dụng khu đất 6.080 m2 tại số 2-4-6 Hai Bà Trưng có giá trị hơn 3.816 tỉ đồng là tài sản của Nhà nước sang tư nhân trái pháp luật, gây thất thoát, thiệt hại đặc biệt lớn cho Nhà nước với số tiền hơn 2.713 tỉ đồng.

Bên cạnh đó, VKS nhận định bị cáo Nguyễn Hữu Tín (nguyên Phó Chủ tịch UBND TP.HCM) ký các văn bản cho Sabeco Pearl, không phải là doanh nghiệp Nhà nước, được thực hiện nghĩa vụ tài chính, được làm chủ đầu tư và được thuê đất thực hiện dự án tại số 2 – 4 – 6 Hai Bà Trưng trái quy định của pháp luật, không đúng đối tượng, không thông qua đấu giá.

Sau khi Sabeco có Công văn gửi UBND TP.HCM, bị cáo Nguyễn Hữu Tín ký Quyết định duyệt giá trị quyền sử dụng đất 2 – 4 – 6 Hai Bà Trưng là hơn 997 tỉ đồng). Sau đó, bị cáo Tín chỉ đạo giao Sở Kế hoạch và Đầu tư (Tổ công tác liên ngành) chủ trì, cùng Sở Tài chính, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND Quận 1 nghiên cứu, đề xuất UBND TP.HCM xem xét, quyết định đối với đề nghị của Sabeco…

Qua quá trình xét hỏi công khai tại phiên tòa, VKS khẳng định các việc truy tố đối với các bị cáo là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, các bị cáo đều giữ vị trí chủ chốt trong các cơ quan Nhà nước, nhưng vì động cơ khác nhau đã thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Hành vi của các bị cáo là nguy hiểm, gây thiệt hại lớn cho Nhà nước, gây nên dư luận xấu trong xã hội.

Xét vai trò, vị trí của từng bị cáo, VKS nhận định bị cáo Vũ Huy Hoàng có trình độ, chuyên môn, lãnh đạo toàn diện những công việc của Bộ Công thương, chịu trách nhiệm trước Chính phủ về các lĩnh vực thuộc ngành công thương nhưng đã thực hiện những hành vi trái pháp luật. Trong vụ án này, VKS xác định bị cáo Hoàng có vai trò trực tiếp; bị cáo Phan Chí Dũng thực hiện hành vi phạm tội với vai trò đồng phạm.

Đối với nhóm bị cáo phạm tội “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai”, theo VKS, các bị cáo đã thực hiện các hành vi vi phạm các quy định về quản lý đất đai khi đã dự thảo, tham mưu, đề xuất để bị cáo Nguyễn Hữu Tín ký các văn bản cho Sabeco Pearl thuê đất trái pháp luật, không đúng đối tượng.

Về các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ của các bị cáo, VKS nhận định các bị cáo trong vụ án đều có nhân thân tốt, thành tích xuất sắc trong công tác. Bị cáo Vũ Huy Hoàng có nhiều tình tiết giảm nhẹ nhưng bị cáo phạm tội với vai trò chính, có tính quyết định đến các khâu tiếp theo nên VKS cho rằng bị cáo Hoàng chỉ có thể được hưởng một phần giảm nhẹ.

Bài liên quan
Bị cáo Vũ Huy Hoàng khai không tư lợi gì trong vụ Sabeco
Theo lời khai của cựu bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, sau khi bị miễn nhiệm, bị cáo không tham gia vào bất kỳ khâu nào trong quá trình thoái vốn của Sabeco.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
7 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vụ Sabeco: VKS đề nghị xử phạt cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng 10 – 11 năm tù