Cựu Chủ tịch Ngân hàng Xây dựng Phạm Công Danh - người vừa bị kết án 30 năm tù giam trong một đại án kinh tế khác cũng xuất hiện tại phiên tòa xét xử vụ án OceanBank với tư cách là người có liên quan, nhất là liên quan đến ông Hà Văn Thắm.

Vụ OceanBank: Mối quan hệ ziczac giữa Hà Văn Thắm và Phạm Công Danh

PLO | 27/02/2017, 12:55

Cựu Chủ tịch Ngân hàng Xây dựng Phạm Công Danh - người vừa bị kết án 30 năm tù giam trong một đại án kinh tế khác cũng xuất hiện tại phiên tòa xét xử vụ án OceanBank với tư cách là người có liên quan, nhất là liên quan đến ông Hà Văn Thắm.

Phạm Công Danh và Hà Văn Thắm - 2 cựu chủ tịch của 2 ngân hàng thương mại không những chỉ có liên quan đến những hợp đồng vay mượn tại OceanBank, mà thương vụ mua bán Ngân hàng Trustbank (sau được chuyển tên thành Ngân hàng Xây dựng) cũng khá... ly kỳ.

Sáng nay (27.2), TAND TP Hà Nội mở phiên tòa sơ thẩm xét xử đại án xảy ra tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần (TMCP) Đại Dương - OceanBank.

Bị cáo Hà Văn Thắm xuất hiện trong chiếc áo khoác màu đen với vẻ bề ngoài trông gầy hơn lúc mới bị bắt giam. Đáng chú ý, Cựu Chủ tịch Ngân hàng Xây dựng Phạm Công Danh - người vừa bị kết án 30 năm tù giam trong một "đại án" kinh tế khác cũng xuất hiện tại phiên tòa này với tư cách là người có liên quan.

Theo cáo trạng, cựu Chủ tịch HĐQT OceanBank Hà Văn Thắm và 47 đồng phạm đã gây thiệt hại cho OceanBank gần 2.000 tỉ đồng.

Đầu năm 2012, Ngân hàng Nhà nước có chủ trương tái cơ cấu và sáp nhập các ngân hàng TMCP yếu kém. Do muốn thâu tóm một số ngân hàng TMCP về OceanBank, Hà Văn Thắm đến gặp bà Hứa Thị Phấn là cổ đông lớn, đại diện nhóm cổ đông của Ngân hàng TMCP Đại Tín (Trustbank) đặt vấn đề chuyển giao Trustbank lại cho Thắm.

Sau khi cho người vào điều hành, tiếp quản Trustbank, phát hiện có một số khoản vay lớn, dư nợ xấu không có khả năng thu hồi, cũng như nhiều mối quan hệ phức tạp giữa bà Phấn và các nhóm khách hàng này nên Hà Văn Thắm nảy sinh ý định chuyển nhượng lại Trustbank.

Hà Văn Thắm quen biết Phạm Công Danh (chủ tịch HĐQT Công ty TNHH MTV Tập đoàn Thiên Thanh) qua giới thiệu của Nguyễn Xuân Sơn, nguyên tổng giám đốc OceanBank.

Khi Thắm không muốn tiếp nhận Trustbank, Thắm đã gặp Danh để đặt vấn đề và Danh đồng ý mua lại Trustbank từ Thắm. Sau khi tiếp quản Trustbank, Phạm Công Danh làm thủ tục đổi tên thành Ngân hàng Xây dựng.

Giữa tháng 12.2012, Hà Văn Thắm, Phạm Công Danh và bà Hứa Thị Phấn bàn bạc và thống nhất việc Thắm sẽ cho Danh vay 500 tỉ đồng từ OceanBank và thế chấp bằng tài sản của bà Hứa Thị Phấn. Số tiền này Danh sẽ chuyển lại để tất toán năm hợp đồng vay của nhóm bà Phấn tại Trustbank, đồng thời được ghi nhận vào việc Danh trả tiền mua cổ phần Trustbank của nhóm bà Phấn.

Số tiền 500 tỉ đồng OceanBank cho Phạm Công Danh vay được thống nhất sử dụng pháp nhân để vay tiền là Công ty TNHH MTV Thương mại và Dịch vụ Trung Dung. Hà Văn Thắm đồng ý cho Trung Dung vay (mà bản chất là cho Phạm Công Danh vay) 500 tỉ đồng với các tài sản đảm bảo không đủ điều kiện.

Nguyên nhân dẫn đến việc OceanBank không thu hồi được số tiền vay xuất phát từ các hành vi vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động tín dụng. Số tài sản đảm bảo cho khoản vay 500 tỉ đồng gồm: 250 tỉ đồng vốn điều lệ của Công ty Trung Dung là không có thật, không có tính pháp lý; số tài sản đảm bảo không đảm bảo giá trị cho khoản vay nhưng Hà Văn Thắm, Nguyễn Văn Hoàn (nguyên phó tổng giám đốc OceanBank) vẫn phê duyệt cho vay và cho vay vượt quá giới hạn quy định...

Cáo trạng kết luận Thắm đã chỉ đạo và cùng với Nguyễn Văn Hoàn, phó tổng giám đốc OceanBank, giải quyết cho Phạm Công Danh vay thông qua Công ty Trung Dung không đảm bảo điều kiện vay vốn, không có tài sản đảm bảo, khách hàng sử dụng vốn vay không đúng mục đích, trái với quy định của Ngân hàng Nhà nước về quy chế cho vay và quy trình, thủ tục gây thiệt hại cho OceanBank gần 350 tỉ đồng tiền gốc, chưa tính hơn 200 tỉ đồng tiền lãi quá hạn tính đến thời điểm 21.10.2014.

Đ.Minh/PLO
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vụ OceanBank: Mối quan hệ ziczac giữa Hà Văn Thắm và Phạm Công Danh