Ông Đào Trung Hiếu, chuyên gia tội phạm học, Bộ Công an cho rằng nạn nhân trong các vụ việc trước đây cần cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng để mở rộng điều tra vụ án. Mục tiêu không chỉ làm rõ từng sai phạm của ổ nhóm này, mà phải “chỉ mặt, đặt tên” những người dù đương chức hay đã nghỉ hưu từng chia chác lợi ích, cấu kết, chống lưng, bảo kê…cho chúng.
Cần làm rõ có hay không hoạt động xã hội đen
Cơ quan điều tra Công an tỉnh Thái Bình vừa ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam đối với vợ chồng “đại gia” Nguyễn Xuân Đường - Nguyễn Thị Dương tại Thái Bình để điều tra hành vi có dấu hiệu phạm tội “Cố ý gây thương tích”.
Theo ông Đào Trung Hiếu, chuyên gia tội phạm học, Bộ Công an, việc khởi tố, bắt giam các đối tượng về tội danh nói trên là có căn cứ, đúng pháp luật, kịp thời, đáp ứng yêu cầu của tình hình chính trị địa phương và mong mỏi của người dân từ bấy lâu nay.
“Vụ án “Nguyễn Xuân Đường cùng đồng bọn” có thể không dừng lại ở phạm vi một vụ án cố ý gây thương tích đơn thuần, vì ngay sau khi nhóm này bị bắt giữ, đã có rất nhiều thông tin trên mạng xã hội và báo chí phản ánh những hành vi vi phạm pháp luật của họ xảy ra trong những năm vừa qua tại Thái Bình, nhưng chưa được phát hiện, điều tra làm rõ. Qua những thông tin đó, có thể hình dung đây là một ổ nhóm hoạt động kiểu xã hội đen, lộng hành, công khai”, ông Hiếu nói.
Chuyên gia này cho hay, dư luận và báo chí phản ánh ổ nhóm này đã thực hiện nhiều hành vi nguy hiểm, như hoạt động tín dụng đen cho vay lãi nặng, đòi nợ thuê, cưỡng đoạt tài sản, cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng… Đặc biệt là những hành vi sai phạm về đấu giá đất đai.
“Một số người “hiểu chuyện” tại Thái Bình đã kể với tôi về những thủ đoạn mua đấu giá đất “bách phát, bách trúng” của bất động sản Đường Dương. Chẳng hạn như việc sử dụng lực lượng côn đồ, giang hồ xã hội đen để chèn ép, hăm doạ buộc các nhà thầu khác phải “bán sới” khỏi các cuộc đấu giá đất. Nhân sự việc lần này, vụ hành hung gây thương tích đối với bà Đinh Thị Lý xảy ra ngay tại trụ sở Công an phường Trần Lãm, TP Thái Bình vào sáng 18.11.2014, đã quyết định tạm đình chỉ điều tra vào năm 2015, cũng đã được báo chí “xới xáo” lại…”, ông Hiếu nêu.
Theo chuyên gia này, người dân địa phương, nạn nhân trong các vụ việc trước đây, cần cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng để mở rộng điều tra vụ án. Mục tiêu không chỉ làm rõ từng sai phạm của ổ nhóm này, mà lớn hơn là phải “chỉ mặt, đặt tên” những người dù đương chức hay đã nghỉ hưu có liên quan, như từng chia chác lợi ích, cấu kết, chống lưng, bảo kê…cho chúng hoạt động ngang nhiên trong những năm qua. Pháp luật là không có vùng cấm, những hành vi tiếp tay cho tội phạm (nếu có), cần phải bị nghiêm trị.
Liên quan đến việc vợ chồng doanh nhân này thường xuyên quảng bá hình ảnh làm từ thiện rất rầm rộ, ông Hiếu cho rằng đối với một người lương thiện, “hằng sản, hằng tâm”, thực sự sống có trách nhiệm với xã hội, mong muốn đóng góp sức mình vì một xã hội tốt đẹp hơn…chắc chắn họ sẽ không kiếm ăn dựa trên sự cướp đoạt trắng trợn tài sản, hay dùng bạo lực uy hiếp, gây thiệt hại đến đồng bào mình.
“Vì lẽ đó, tôi nhận định rằng, những thứ mà ổ nhóm tội phạm tại Thái Bình đã làm nhân danh vì cộng đồng, là hoạt động tạo bình phong, vỏ bọc, nhằm che chắn cho hành vi phạm tội trong thế giới ngầm”, ông Hiếu nói và chia sẻ, tình trạng này tương đối phổ biến vì tội phạm cần cho mình một bộ mặt sạch sẽ.
Nếu có đơn tố cáo sẽ khởi tố thêm tội danh
Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội) cho biết, cho đến nay thì vợ chồng nữ đại gia Thái Bình đang bị khởi tố về tội cố ý gây thương tích theo quy định tại khoản 2, điều 134 Bộ luật hình sự.
Trong quá trình điều tra vụ án, cơ quan điều tra cũng có thể làm rõ các sai phạm khác như cho vay nặng lãi… nếu có. Theo quy định của pháp luật thì khi có đơn thư tố cáo, tố giác tội phạm, hoặc trong quá trình thanh tra, kiểm tra, hoạt động tố tụng mà cơ quan tiến hành tố tụng phát hiện ra có dấu hiệu vi phạm pháp luật đến mức phải xử lý hình sự, thì cũng sẽ xử lý hình sự đối với người có hành vi vi phạm theo quy định pháp luật.
Theo luật sư Cường, Bộ luật dân sự năm 2015 quy định lãi suất vay do hai bên thỏa thuận nhưng không quá 20% một năm. Bởi vậy nếu trong các quan hệ dân sự mà lãi suất quá 20% một năm đối với mỗi khoản vay thì pháp luật không thừa nhận, không cho phép.
Trong trường hợp cho vay lặng lãi cao gấp 5 lần mức cao nhất mà nhà nước quy định (100%/1 năm) hoặc thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng trở lên hoặc đã bị xử phạt hành chính mà còn vi phạm thì người cho vay sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.
Về nguyên tắc mỗi hành vi vi phạm pháp luật bị xử lý một lần. Trường hợp nhiều hành vi vi phạm pháp luật đều đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì sẽ bị xử lý về nhiều tội danh. Khi xét xử vụ án tòa án sẽ tổng hợp hình phạt theo nguyên tắc chung của pháp luật. Việc này là rất phức tạp, có nhiều tình tiết liên quan bởi vậy cơ quan điều tra sẽ từng bước làm rõ tất cả các tình tiết, chứng cứ có liên quan để giải quyết vụ án một cách công bằng, triệt để, đúng pháp luật.
Luật sư này cho rằng, trường hợp cơ quan điều tra đã tiếp nhận đơn thư, tin báo mà sau đó kết luận không có căn cứ giải quyết. Tuy nhiên, đến nay người tố cáo có thêm thông tin tài liệu khác chứng minh hành vi vi phạm pháp luật thì vẫn có thể tiếp tục làm đơn trình báo tố giác tội phạm và cơ quan điều tra cũng sẽ tiếp tục tiếp nhận để xem xét xử lý.
Hoặc trong quá trình điều tra, cơ quan điều tra thu thập thêm được tài liệu chứng cứ chứng minh vi phạm khác. Vi phạm đó đòi hỏi phải có ý kiến của người bị hại, Trường hợp khởi tố vụ án theo yêu cầu của người bị hại quy định tại điều 155 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 thì cơ quan điều tra sẽ hỏi người bị hại xem có yêu cầu khởi tố hay không.
Nếu phát hiện vi phạm không thuộc trường hợp khởi tố vụ án theo yêu cầu của người bị hại mà thấy có đủ căn cứ thì cơ quan điều tra vẫn xử lý mà không cần người bị hại phải có đơn.
Lam Thanh