Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng việc xử lý nghiêm minh đối với nhóm cán bộ chiến sĩ công an đánh người là cần thiết, trong đó nên áp dụng hình thức kỷ luật cao nhất là tước danh hiệu công an nhân dân.

Vụ công an đánh 2 thiếu niên: Ngoài tước danh hiệu CAND, có thể khởi tố tội cố ý gây thương tích

Hoài Lam | 30/09/2022, 15:48

Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng việc xử lý nghiêm minh đối với nhóm cán bộ chiến sĩ công an đánh người là cần thiết, trong đó nên áp dụng hình thức kỷ luật cao nhất là tước danh hiệu công an nhân dân.

Liên quan clip CSGT Công an TX.Vĩnh Châu (Sóc Trăng) hành hung 2 thiếu niên, gia đình 2 cháu đã có đơn tố cáo gửi cơ quan chức năng.

Thông tin với báo chí, đại tá Lâm Thành Sol, Giám đốc Công an tỉnh Sóc Trăng cho biết lực lượng chức năng phát hiện 2 thanh niên chở nhau trên xe máy đi ngược chiều, nghi vấn sử dụng rượu bia và chưa đủ tuổi điều khiển. Khi đó, tổ tuần tra ra tín hiệu dừng phương tiện nhưng các thanh niên tăng ga bỏ chạy. Sau hàng chục cây số, đến địa bàn thuộc ấp Âu Thọ B, xã Vĩnh Hải thì mới dừng được xe. Khi đó, 2 chiến sĩ đã xông vào đánh 2 cháu tới tấp.

Công an được dùng vũ lực khi nào?

Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp cho rằng việc tuần tra, kiểm soát, phát hiện xử lý vi phạm giao thông phải được thực hiện theo quy định của pháp luật.

Các văn bản quy phạm pháp luật đều quy định lực lượng chức năng khi thực hiện nhiệm vụ chỉ được sử dụng vũ lực khi có hành vi tấn công phải chống trả, đe dọa đến tính mạng sức khỏe của người thi hành công vụ hoặc người khác mà không còn cách nào khác thì mới được phép sử dụng vũ lực; đồng thời chỉ sử dụng với mục đích để đảm bảo an ninh trật tự phải bảo vệ tính mạng sức khỏe của người dân.

“Không văn bản quy phạm pháp luật nào cho phép cán bộ chiến sĩ công an nhân dân đánh người vi phạm hành chính khi họ không có, không còn hành vi chống trả”, ông Cường nói.

cong-an-3.jpg
Hai thiếu niên bị 2 công an đánh liên tiếp

Luật sư Đặng Văn Cường cho hay, hành vi đánh người như nội dung diễn ra trong clip rõ ràng là không phù hợp với quy định của pháp luật. Đây không phải là trường hợp sử dụng vũ lực gây thương tích cho người khác trong quá trình thực hiện nhiệm vụ mà đây là hành vi đánh do thù tức, cố ý gây thương tích và hành vi có tính chất côn đồ, xâm phạm đến sức khỏe, thậm chí có thể tước đoạt tính mạng của trẻ em.

“Những gì diễn ra trong clip rất rõ ràng, hai người thiếu niên này hoàn toàn không có bất kỳ hành động nào có tính chất khiêu khích, chống đối, thậm chí còn không có hành động tự vệ khi hai người mặc sắc phục cảnh sát liên tục đánh vào người, sử dụng mũ bảo hiểm đập vào đầu hai thiếu niên.

Nhiệm vụ thiêng liêng của cảnh sát giao thông là phục vụ nhân dân, vì nhân dân phục vụ. Hành động cảnh sát đánh người là rất phản cảm, vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức, tác phong của người chiến sĩ công an nhân dân. Do đó, nếu trường hợp hai người mặc sắc phục trong clip là cảnh sát thì có thể sẽ phải chịu hình thức kỷ luật cao nhất là tước danh hiệu công an nhân dân. Nếu so sánh hành vi của hai người này với hành vi của đại úy Lê Thị Hiền "đại náo sân bay" trước đây thì hành vi này nghiêm trọng hơn nhiều và đại úy Lê Thị Hiền đã chịu mức hình thức kỷ luật cao nhất là tước danh hiệu công an nhân dân và ít lâu sau tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, bị cơ quan điều tra bắt giữ...”, ông Cường nhấn mạnh.

Nên tước danh hiệu công an nhân dân

Do đó, ông Cường cho rằng còn những hành vi như thế này, còn những suy nghĩ như thế này thì tính mạng, sức khỏe của nhân dân còn bị đe dọa. Đây là chuyện con sâu làm rầu nồi canh, cần phải loại bỏ những người không đủ năng lực phẩm chất, không xứng đáng với danh hiệu công an nhân dân ra khỏi lực lượng vũ trang để làm trong sạch lực lượng này, để giữ gìn uy tín của người chiến sĩ công an nhân dân

Còn đối với cha mẹ các cháu bé, ông Cường cũng cho hay các cháu bé chưa đủ tuổi để tham gia giao thông, chưa có giấy phép lái xe mà đã mua xe, giao xe cho các cháu điều khiển thì cũng là hành vi rất đáng trách.

“Rất may là tai nạn giao thông không xảy ra, nếu tai nạn giao thông xảy ra gây hậu quả nghiêm trọng thì người giao xe cho các cháu có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi giao phương tiện giao thông cho người không đủ điều kiện điều khiển”, ông Cường nói và cho biết đối với cháu đã đủ 16 tuổi thì cũng có thể sẽ bị phạt tiền về hành vi hành chính vi phạm giao thông với mức phạt bằng một phần hai mức phạt của người lớn. Nếu cháu không có điều kiện thực hiện nộp phạt thì cha mẹ phải nộp thay.

Ông Cường nhấn mạnh, về nguyên tắc pháp chế thì mọi hành vi vi phạm pháp luật đều phải bị xử lý trước pháp luật, ai sai đến đâu phải chịu trách nhiệm pháp luật đến đó.

“Không thể sử dụng một hành vi vi phạm pháp luật để giải quyết đối với một hành vi vi phạm pháp luật. Với các thiếu niên trong vụ việc này thì đều còn rất trẻ tuổi, thậm chí là trẻ em, đang ở độ tuổi trưởng thành, chưa nhận thức đầy đủ về xã hội nên có thể mắc những sai lầm. Những sai lầm đó cần phải được cảm thông, chia sẻ, động viên, giúp đỡ, giáo dục bằng những hình thức nhân văn, hướng thiện thì mới đạt hiệu quả”, ông Cường nêu.

cuong.png
Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp

Theo đó, cách thức giáo dục bằng biện pháp xử dụng bạo lực, xúc phạm danh dự nhân phẩm của người chưa thành niên thì rất dễ dẫn đến những hành vi chống đối, phản ứng tiêu cực như tự tử gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Bởi vậy việc sử dụng bạo lực để giáo dục đối với người chưa thành niên là một sai lầm "chết người".

Ông Cường cho rằng vụ việc này là bài học rút kinh nghiệm cho các bậc phụ huynh trong việc quản lý giáo dục con cái. Tuy nhiên, qua việc này cũng đã bộc lộ có những chiến sĩ, cán bộ công an nhân dân không đủ tiêu chuẩn đạo đức tác phong, không xứng đáng đứng trong hàng ngũ công an nhân dân.

Ông Cường nhấn mạnh, theo quy định của pháp luật thì cán bộ, công chức, công an nhân dân vi phạm kỷ luật thì sẽ bị xem xét xử lý kỷ luật về mặt chính quyền và kỷ luật đảng. Tuy nhiên hành vi vi phạm bị xử lý kỷ luật sẽ không thay thế những chế tài của pháp luật.

Do đó, trong vụ việc này, nếu hai thanh niên có đơn đề nghị xử lý và cơ quan điều tra vào cuộc giám định thương tích, có tỷ lệ thương tích thì hai người đánh hai người tham gia giao thông trên sẽ bị xử lý hình sự về tội cố ý gây thương tích theo quy định tại điều 134 Bộ luật Hình sự.

“Để những người này còn tồn tại, còn lối suy nghĩ như vậy, hành động như vậy thì còn nguy hiểm cho nhân dân. Bởi vậy, việc xử lý nghiêm minh đối với nhóm cán bộ chiến sĩ công an đánh người là cần thiết, trong đó nên áp dụng hình thức kỷ luật cao nhất là tước danh hiệu công an nhân dân. Đồng thời cần xem xét trách nhiệm hình sự nếu như gia đình các cháu bé có đơn thư yêu cầu xem xét”, ông Cường nêu.

Cụ thể, nếu những người đánh các thiếu niên là những người đang thi hành công vụ và việc sử dụng vũ lực ngoài trường hợp pháp luật thì sẽ xử lý theo điều 137 Bộ luật Hình sự với mức án có thể tới 7 năm tù.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
6 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vụ công an đánh 2 thiếu niên: Ngoài tước danh hiệu CAND, có thể khởi tố tội cố ý gây thương tích