Vụ án vi phạm quy định cho vay xảy ra tại Ngân hàng NN-PTNT Việt Nam (Agribank) chi nhánh Cần Thơ có diễn biến mới.

Vụ cho vay tại Agribank Cần Thơ: VKS vẫn 'giữ nguyên quan điểm' sau nhiều lần tòa trả hồ sơ

Nhóm PV | 20/03/2021, 08:10

Vụ án vi phạm quy định cho vay xảy ra tại Ngân hàng NN-PTNT Việt Nam (Agribank) chi nhánh Cần Thơ có diễn biến mới.

Năm 2018, sau nhiều lần trả hồ sơ điều tra bổ sung, TAND TP.Cần Thơ đưa vụ án “Vi phạm quy định cho vay trong hoạt động các tổ chức tín dụng xảy ra tại Agribank Cần Thơ” ra xét xử.

Nhưng, sau 7 ngày xét xử, tòa lại tiếp tục trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung.

a1-toa-nha-citimart.png
Tòa nhà Citimart ở số 51 Nguyễn Trãi (Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ) là tài sản thế chấp trong vụ án trên - Ảnh: CTV

Sau gần 4 năm, ngày 19.2.2021, cơ quan điều tra đã có kết quả điều tra bổ sung vụ việc. Tuy nhiên, gần như cùng lúc này, phía bị hại - được cho rằng là Agribank - cũng có công văn khẳng định chưa có thiệt hại trong vụ án này.

Khi bị hại không đồng ý bị thiệt hại

Sáu bị cáo trong vụ án này là Lê Thanh Hải, Trần Huy Liệu, Bùi Tuấn Anh (đều là cán bộ Agribank Cần Thơ); Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân (Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Nông, Thủy sản Tây Nam, gọi tắt là Công ty Tây Nam); Phạm Tường Thi (Giám đốc Công ty Tân Tiến); Nguyễn Văn Đạt (nhân viên Công ty Tân Tiến). Các bị cáo bị cáo buộc gây thiệt hại cho Agribank hơn 300 tỉ đồng. Sau phiên sơ thẩm vào năm 2018, họ đang tại ngoại cho đến nay.

Mới đây, sau khi cơ quan điều tra có kết luận điều tra bổ sung theo yêu cầu của tòa án, Agribank cũng có công văn liên quan đến vụ án này. Công văn của Agribank ký gửi Agribank Cần Thơ vào ngày 12.3.2021, khẳng định khoản vay của Công ty Tây Nam và các công ty khác liên quan đến vụ án là các khoản vay có bảo đảm bằng tài sản.

Các tài sản bảo đảm này hiện đang được kê biên theo các lệnh kê biên tài sản số 01/LKBTS và 02/LKBTS cùng ngày 27.7.2016; lệnh kê biên tài sản số 03/LKBTS, 04/LKBTS, 05/LKBTS cùng ngày 7.9.2016. Và phía Agribank đã nhiều lần gửi văn bản đề nghị cơ quan tiến hành tố tụng giải tỏa kê biên để xử lý tài sản bảo đảm theo quy định nhằm thu hồi khoản vay.

Tuy nhiên đến nay các tài sản bảo đảm trên chưa được giải tỏa, ngân hàng chưa xử lý và thu hồi được khoản nợ. Agribank được biết Công ty Tây Nam và một số công ty khác, kể cả cá nhân vay vốn, thành viên góp vốn của công ty vẫn tồn tại. Do vậy Agribank chưa có căn cứ xác định thiệt hại từ khoản vay trên, bởi tài sản thế chấp vẫn còn và có thể xử lý để thu hồi nợ. Nhưng 6 bị cáo trên vẫn bị truy tố!

Trong phiên xét xử sơ thẩm vụ án này hồi tháng 4.2018, đại diện Agribank cũng được cơ quan tố tụng xem là bị hại trong vụ án này. Nhưng tại tòa, họ cũng cho mình chưa là bị hại vì chưa biết Agribank có thiệt hại hay không. Người đại diện cho Agribank trong phiên tòa này cũng cho biết việc cấp tín dụng ưu đãi lãi suất đối với Công ty Tây Nam thời điểm đó là hoàn toàn đúng đối tượng.

Nhiều lần trả hồ sơ điều tra bổ sung

Theo diễn biến vụ án, năm 2006, sau khi đi học tập ở nước ngoài về nước, ông Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân (41 tuổi, ngụ P.An Cư, Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ) thành lập Công ty Tây Nam. Công ty này khởi nghiệp với dự án đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp và xây dựng nhà máy chế biến nông thuỷ sản đặt tại tỉnh Hậu Giang.

Trong quá trình thực hiện dự án, công ty này có ký kết hợp đồng vay vốn với Agribank Cần Thơ với hạn mức vay 289 tỉ đồng. Khoản vay này áp dụng theo gói tín dụng hỗ trợ lãi suất theo Quyết định 63/2010/QĐ-TT của Thủ tướng Chính phủ (Quyết định 63) dành cho những dự án góp phần giảm tổn thất sau thu hoạch trong lĩnh vực nông, thủy sản. Tài sản thế chấp là tòa nhà Citimart số 51 Nguyễn Trãi (Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ).

Để được cấp tín dụng hỗ trợ lãi suất theo Quyết định 63 thì ngoài các điều kiện về ngành nghề, lĩnh vực, tài sản đảm bảo… còn phải thực hiện giải ngân tối đa không quá 24 tháng. Do những khó khăn về nguồn vốn và địa chất yếu tại công trình, dự án có tiến độ rất chậm, không còn đáp ứng được gói vay hỗ trợ lãi suất theo Quyết định 63.

Do đó vào tháng 8.2014, Agribank Cần Thơ đã chuyển khoản vay trên thành khoản vay thông thường với dư nợ gốc đã giải ngân 258 tỉ đồng, lãi suất 19,5%/năm. Đồng thời cho chuyển toàn bộ khoản lãi suất được tạm ghi sẽ cấp bù trong 2 năm đầu với số tiền hơn 61 tỉ đồng thành khoản nợ lãi.

a2-cong-van-cua-agribank.jpg
Công văn của Agribank gửi Agribank Cần Thơ khẳng định chưa có thiệt hại trong vụ án trên - Ảnh: Nguyên Việt

Và do gặp khó khăn với gói vay có mức lãi suất 19,5%/năm và bị phạt quá hạn gần 30%/năm, nên cuối năm 2015, ông Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân có văn bản đề nghị Agribank thanh lý hợp đồng tín dụng. Do 2 bên chưa thỏa thuận được số lãi phát sinh nên Agribank đã khởi kiện dân sự ra TAND Q.Ninh Kiều. Trong lúc tòa đang thụ lý giải quyết thì Cơ quan An ninh điều tra Công an TP.Cần Thơ đã có công văn ngăn chặn và khởi tố vụ án, khởi tố bị can bắt tạm giam ông Nhân gần 27 tháng (từ 16.6.2016-6.9.2018), sau đó thay đổi biện pháp ngăn chặn.

Xét xử nhiều lần, chưa định tội

Sau 3 lần Viện KSND, TAND cùng cấp trả hồ sơ điều tra bổ sung, tháng 4.2018, TAND TP.Cần Thơ đã đưa ra xét xử sơ thẩm. Sau 7 ngày xét xử, tòa đã ra quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung. Tháng 8.2018, TAND TP.Cần Thơ đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm lần thứ 2 và đã tiếp tục ra quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung.

Sau nhiều năm kéo dài, mới đây ngày 19.2, cơ quan điều tra đã tống đạt kết luận điều tra bổ sung đến bị can Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân. Ngày 13.3, Viện KSND TP.Cần Thơ có công văn gởi TAND TP.Cần Thơ với nội dung kết quả điều tra bổ sung không làm thay đổi nội dung truy tố của cáo trạng từng ban hành tháng 7.2018.

Do đó Viện KSND TP.Cần Thơ giữ nguyên quan điểm đề nghị truy tố đối với Lê Thanh Hải, Trần Huy Liệu, Bùi Tuấn Anh, Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân, Phạm Tường Thi, Nguyễn Văn Đạt trong vụ án: “Vi phạm quy định cho vay trong hoạt động các tổ chức tín dụng xảy ra tại Agribank Cần Thơ” đồng thời chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án sang TAND cùng cấp để đưa vụ án ra xét xử.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
một giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vụ cho vay tại Agribank Cần Thơ: VKS vẫn 'giữ nguyên quan điểm' sau nhiều lần tòa trả hồ sơ