Trước thông tin việc lập cảng lậu ở khu vực phòng thủ tuyến biển Hòn La dưới chân Đèo Ngang (xã Quảng Đông, H.Quảng Trạch, Quảng Bình), Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình đã lên tiếng chỉ đạo xử lý nghiêm minh, tuy nhiên Chủ tịch huyện thì rề rà không biết phải cưỡng chế thế nào, còn Bộ đội biên phòng phủ nhận có sự bảo kê để cảng lậu tồn tại.

Vụ cảng lậu trong khu vực phòng thủ: Bộ đội biên phòng bác tin bảo kê

Nguyễn Sơn Anh | 23/03/2017, 05:55

Trước thông tin việc lập cảng lậu ở khu vực phòng thủ tuyến biển Hòn La dưới chân Đèo Ngang (xã Quảng Đông, H.Quảng Trạch, Quảng Bình), Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình đã lên tiếng chỉ đạo xử lý nghiêm minh, tuy nhiên Chủ tịch huyện thì rề rà không biết phải cưỡng chế thế nào, còn Bộ đội biên phòng phủ nhận có sự bảo kê để cảng lậu tồn tại.

          

Bác tin bảo kê, cảng vẫn ngang nhiên hoạt động

Ngày 21 và 22.3, cảng cá lậu của ông Tưởng Văn Thịnh (SN 1984) vẫn ngang nhiên hoạt động, các tàu cá vào cảng này phải đóng phí, nhập hậu cần nghề cá không được kiểm soát chất lượng từ nước ngọt, xăng dầu, thực phẩm, đá lạnh. Dọn dẹp vệ sinh xong thì tàu xả thẳng chất thải xuống cảng nước sâu Hòn La gây ô nhiễm môi trường cũng không bị xử lý.

Đại úy Phan Văn Chung, Trạm trưởng Trạm kiểm soát cửa khẩu Hòn La, thuộc Đồn biên phòng Roòn phủ nhận việc bảo kê cho cảng cá lậu tồn tại. Theo đại úy Chung, “đây là tin thất thiệt, chúng tôi sẽ kiểm tra và chấn chỉnh”. Tại đây, theo Trạm trưởng Phan Văn Chung, việc tàu cá cập cảng của Tưởng Văn Thịnh, trạm có kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ. Dù đây không phải là điểm bán xăng dầu được cấp phép nhưng trạm của đại úy Chung cũng kiểm tra trước khi cảng xuất bán cho các tàu cá và theo ông Chung, không có dấu hiệu buôn bán xăng dầu lậu.

Cảng lậu là điểm không được phép cung cấp xăng dầu bởi không có hệ thống phòng cháy chữa cháy nhưng Trạm biên phòng Hòn La vẫn kiểm tra cho bán

Một cảng lậu xuất hiện trong khu vực phòng thủ, ảnh hưởng an ninh hàng hải quốc gia, đáng lý ra trạm biên phòng phải kiên quyết đuổi ra khỏi khu vực. Địa điểm này không được phép xuất bán xăng dầu vì nguy cơ cháy nổ, không có hệ thống phòng cháy chữa cháy nhưng ông Chung vẫn cho cấp dầu, vô tình hay hữu ý tiếp tay cho cảng lậu hoạt động.

Ngày 21 và 22.3, khi một số phóng viên được đại úy Chung dẫn đến hiện trường chụp hình thì ngay lập tức có người mặc cảnh phục biên phòng đến dò hỏi. Khi ông Chung xuất hiện giải thích thì người mặc cảnh phục mới chịu rời khỏi cảng lậu của Tưởng Văn Thịnh. Nói thế để biết, bất cứ di biến động nào trong khu vực cảng Hòn La thuộc khu kinh tế Hòn La, tại vị trí quản lý của Trạm biên phòng cửa khẩu Hòn La, thuộc Đồn biên phòng Roòn thì lực lượng chủ chốt này đều biết. Vậy nhưng cái cảng to đùng trong khu vực phòng thủ với lượng người đông đúc phức tạp thì vẫn tồn tại như không có gì xảy ra.

Cùng đó, tại khu vực xã Quảng Đông, dư luận cho rằng sở dĩ cảng lậu hoạt động trái phép được trong khu vực biên phòng, quân sự, đồn công an, khu kinh tế... một cách ngang nhiên; lấp biển, bồi lấp luồng hàng hải quốc gia là do được ông Phan Ngọc Duy, Chủ tịch UBND huyện bảo kê. Trước thông tin ấy, ông Duy khẳng định ông không có hành vi bảo kê nào cho cảng lậu sai trái này, hai người (ông và Tưởng Văn Thịnh) ở hai xã khác nhau, gia đình vợ con, người thân không có mối quan hệ gì.           

Hoạt động tấp nập tại “căn cứ” của Tưởng Văn Thịnh

Bí thư Tỉnh ủy chỉ đạo xử lý nghiêm

Trước sự lộng hành này, ngày 22.3 Văn phòng Tỉnh ủy Quảng Bình cho biết ông Nguyễn Xuân Tuyến, Chánh văn phòng đã ký công văn số 619 gửi UBND tỉnh thông báo chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Đăng Quang về cảng lậu, với nội dung: “Yêu cầu UBND tỉnh chỉ đạo UBND huyện Quảng Trạch và các cơ quan chức năng khẩn trương kiểm tra, làm rõ vấn đề báo nêu và xử lý theo đúng quy định của pháp luật, báo cáo Thường trực Tỉnh ủy trước ngày 10.4.2017”.

Cùng ngày, Phó chánh văn phòng Huyện ủy Quảng Trạch Đặng Xuân Thạnh đã thừa lệnh Ban Thường vụ Huyện ủy ký văn bản 217 truyền đạt chỉ thị của Bí thư Huyện ủy, ông Đậu Minh Ngọc, yêu cầu khẩn trương đình chỉ ngay hoạt động và buộc tháo dỡ cảng trái phép. Phải tổ chức làm việc với Ban Quản lý khu kinh tế Hòn La, Công an huyện, Đồn biên phòng Roòn, UBND xã Quảng Đông, các ngành có liên quan để thống nhất phương án và tổ chức cưỡng chế tháo dỡ cảng hoạt động trái phép, giải quyết dứt điểm vụ việc nói trên nhằm ổn định tình hình; Chỉ đạo tổ chức kiểm điểm làm rõ trách nhiệm quản lý nhà nước của các tập thể, cá nhân có liên quan để xảy ra việc xây dựng và hoạt động cảng trái phép tại khu vực Cảng Hòn La. Huyện ủy yêu cầu Ủy ban nhân dân huyện thực hiện nghiêm túc các nội dung nêu trên và báo cáo trước ngày 28.3.2017.

Trong khi đó, làm việc với chúng tôi, ông Phan Ngọc Duy, Chủ tịch UBND huyện Quảng Trạch đưa ra những khó khăn, rằng không biết cưỡng chế như thế nào, kinh phí cưỡng chế ai lo, cưỡng chế xúc đất đá, bê tông rồi đổ đi đâu. Dù vậy, sau một hồi băn khoăn, ông Duy lại nói việc cưỡng chế sẽ được tiến hành.

Dù có sự chỉ đạo ráo riết của Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Huyện ủy, cơ quan chức năng huyện Quảng Trạch mà đứng đầu là ông Phan Ngọc Duy, Chủ tịch UBND huyện dường như đang “thất thủ” khiến cảng lậu vẫn ngang nhiên hoạt động nhộn nhịp, cách cầu cảng nước sâu Hòn La chỉ vài chục mét, khiến tàu lớn vào ra ăn hàng xoay trở khó khăn.

Nguyễn Sơn Anh

Cảng cá lậu ở tuyến phòng thủ Hòn La: Chính quyền thất thủ trước thế lực giang hồ?

   
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vụ cảng lậu trong khu vực phòng thủ: Bộ đội biên phòng bác tin bảo kê