Trước thông tin số tiết kiệm gần 6 tỉ đồng của khách hàng bị "bốc hơi", OCB cho biết theo giám định PC02, tất cả sổ tiết kiệm, hợp đồng tiền gửi khách hàng cung cấp đều là giả mạo. Việc này liên quan đến vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản của cựu nhân viên ngân hàng, đang được cơ quan điều tra làm rõ.

Vụ ‘bốc hơi’ 6 tỉ đồng ở OCB: Ngân hàng nói sổ, con dấu đều là giả

13/07/2020, 19:34

Trước thông tin số tiết kiệm gần 6 tỉ đồng của khách hàng bị "bốc hơi", OCB cho biết theo giám định PC02, tất cả sổ tiết kiệm, hợp đồng tiền gửi khách hàng cung cấp đều là giả mạo. Việc này liên quan đến vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản của cựu nhân viên ngân hàng, đang được cơ quan điều tra làm rõ.

Vụ sổ tiết kiệm bị bốc hơi ở OCB đang được công an điều tra, làm rõ - Ảnh: Internet

Gần 6 tỉ đồng tiền gửi tiết kiệm bị biến mất

Mới đây, thông tin về việc một khách hàng gửi tiết kiệm tại Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB), sau đó toàn bộ số tiền bị "bốc hơi" đang thu hút sự quan tâm của dư luận.

Cụ thể, tháng 9.2011, bà Huỳnh Tuyết Hằng đã đến hội sở ngân hàng này để mở sổ tiết kiệm thông qua nhân viên Vũ Phương Thảo với số tiền gửi là 300 triệu đồng, lãi suất 13%. Do việc nhận tiền lãi hàng tháng đều đặn và liên tục đúng thời hạn nên ngày 8.6.2016, bà Hằng đã đến hội sở OCB nộp thêm số tiền 700 triệu đồng. Tiếp đó, ngày 21.6.2016, bà Hằng nộp thêm 4,9 tỉ đồng. Những lần này, bà Hằng đều giao dịch thông qua nhân viên Vũ Phương Thảo.

Hiện tại, bà Hằng đang có 3 hợp đồng tiền gửi do OCB phát hành. Tất cả đều do ông Đinh Đức Quang, Phó tổng giám đốc OCB ký. Ba hợp hồng này được gộp lại thành 2 sổ tiết kiệm. Một sổ do bà Huỳnh Tuyết Hằng đứng tên với giá trị 4,7 tỉ đồng. Sổ còn lại do chồng bà Hằng đứng tên với giá trị 1 tỉ đồng (bao gồm 100 triệu đồng tiền lãi).

Tuy nhiên, từ tháng 1 đến tháng 8.2019, bà Hằng không nhận được tiền lãi của ngân hàng do khi đến kỳ rút lãi, rút tiền thì bà Hằng không liên lạc được với nhân viên Vũ Phương Thảo. Sau đó, bà liên hệ đại diện OCB thì được thông báo là nhân viên Vũ Phương Thảo đã nghỉ việc và tất cả sổ tiết kiệm bà Hằng cung cấp đều là giả.

Sổ tiết kiệm, con dấu đều bị giả mạo

Liên quan đến sự việc này, trao đổi với Một Thế Giới, đại diện OCB cho biết nội dung phản ánh của bà Hằng có liên quan đến vụ án hình sự đã được khởi tố theo quy định. Theo đó, nhân viên Vũ Phương Thảo bị cơ quan điều tra Công an TP.HCM (PC02) khởi tố về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “làm giả con dấu, tài liệu cơ quan, tổ chức”. Khi khám xét tại nơi ở của bà Thảo, cơ quan điều tra đã phát hiện và thu giữ nhiều phôi sổ tiết kiệm giả và con dấu giả do bà Thảo tự in. Trong suốt quá trình điều tra, bà Thảo đã khai nhận hành vi phạm tội của mình và xác định các hành vi lừa đảo của mình đối với các cá nhân liên quan.

Sau khi bà Thảo bị công an bắt để điều tra, OCB nhận được yêu cầu, khiếu nại của bà Hằng đề nghị ngân hàng này tất toán sổ tiết kiệm, hợp đồng tiền gửi. Vì vậy, OCB đã tiến hành tra soát trên hệ thống và xác minh tính pháp lý của sổ tiết kiệm, hợp đồng tiền gửi do cá nhân này cung cấp và phát hiện toàn bộ sổ tiết kiệm, hợp đồng tiền gửi là giả mạo. Cụ thể, phôi sổ tiết kiệm được làm giả, chữ ký đại diện hợp pháp của OCB không đúng, dấu đóng trên các sổ tiết kiệm, hợp đồng tiền gửi không đúng với con dấu của các đơn vị OCB.

Đáng chú ý, OCB còn cho biết chức danh chính xác của bà Vũ Phương Thảo là trưởng bộ phận giải ngân tín dụng. Đây là công việc của nhân viên thuộc khối hỗ trợ tại hội sở nên bà Thảo không được giao quyền huy động vốn từ khách hàng.

Thông tin thêm về các giao dịch của bà Hằng tại OCB, nhà băng này nói rằng tháng 9.2011, khách hàng có thực hiện thủ tục mở tài khoản thanh toán và sử dụng tài khoản này để giao dịch rút, chuyển tiền cho đến nay. Đến tháng 3.2019, OCB nhận được đơn yêu cầu hoàn trả tiền trong tài khoản của bà Hằng. Sau khi kiểm tra, khoản tiền của bà Hằng yêu cầu hoàn trả không được hệ thống OCB ghi nhận.

“Sổ tiết kiệm, hợp đồng tiền gửi theo hồ sơ cung cấp làm cơ sở yêu cầu hoàn tiền là giả, không do OCB phát hành nên không có giá trị pháp lý. Tháng 12.2019, OCB đã thông báo và cung cấp thông tin của và Hằng cho PC02 để xác minh, điều tra bổ sung theo quy định.

Tháng 2.2020, PC02 thông báo đã làm việc với bà Hằng, đồng thời yêu cầu OCB sao kê tài khoản và các giao dịch có liên quan thông qua tài khoản của bà Hằng tại OCB. OCB đã thực hiện cung cấp theo yêu cầu của cơ quan điều tra để làm rõ vụ việc.

Việc bà Hằng phản ánh có nhận lãi đều đặn từ tháng 9.2011 được ngân hàng chuyển trả vào tài khoản, OCB thông tin là do tài khoản thanh toán của khách hàng có số dư thì theo quy định của Thông tư 23/2014/TT-NHNN ngày 19.8.2014, số dư trên tài khoản thanh toán được hưởng lãi theo lãi suất tiền gửi không kỳ hạn. Mức lãi suất do tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán ấn định và niêm yết công khai theo quy định của pháp luật”, OCB thông tin thêm.

Ngoài ra, về tin nhắn thu phí mỗi tháng mà bà Hằng cung cấp, OCB cho biết TKTM là chữ viết tắt của cụm từ “Tài khoản thông minh”, không phải thu phí “Tiết kiệm tiền mặt”. Đây được xem như một khoản phí thường niên thu của khách hàng khi mở tài khoản tại OCB.

Được biết, hiện nay, vụ việc đang được các cơ quan chức năng điều tra nên chưa có bản kết luận cuối cùng.

Phan Diệu

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vụ ‘bốc hơi’ 6 tỉ đồng ở OCB: Ngân hàng nói sổ, con dấu đều là giả