Liên quan đến tiến trình xét xử vụ án Vạn Thịnh Phát (giai đoạn 2), đại diện VKS đề nghị HĐXX xử phạt bị cáo Trương Mỹ Lan tù chung thân, tổng hợp cả 3 tội danh.
Sự kiện

Vụ án Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2: Bị cáo Trương Mỹ Lan bị đề nghị mức án chung thân

Nhật Anh (tổng hợp) 04/10/2024 13:20

Liên quan đến tiến trình xét xử vụ án Vạn Thịnh Phát (giai đoạn 2), đại diện VKS đề nghị HĐXX xử phạt bị cáo Trương Mỹ Lan tù chung thân, tổng hợp cả 3 tội danh.

Ngày 4.10, TAND TP.HCM tiếp tục xét xử Trương Mỹ Lan cùng các bị cáo khác liên quan đến Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB (giai đoạn 2).

Trong phiên xử sáng 4.10, đại diện Viện KSND TP.HCM đã có phần luận tội và đề nghị mức án đối với các bị cáo.

Cụ thể, đại diện VKS đã đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Trương Mỹ Lan mức án chung thân về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, 12 - 13 năm tù về tội “Rửa tiền” và 8 - 9 năm tù về tội “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”. Tổng hợp mức hình phạt đề nghị của VKS đối với bị cáo Trương Mỹ Lan là chung thân.

Theo VKS, hành vi của Trương Mỹ Lan và các đồng phạm gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư, gây hoang mang trong cộng đồng, làm suy giảm niềm tin của người dân, nhà đầu tư trong và ngoài nước. VKS nhấn mạnh các hành vi này không chỉ gây thiệt hại về kinh tế mà còn làm xáo trộn hệ thống tài chính.

ttxvn-2-.jpeg
Bị cáo Trương Mỹ Lan tại phiên tòa xét xử vụ án Vạn Thịnh Phát (giai đoạn 2) - Ảnh: TTXVN

Trong tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, bà Trương Mỹ Lan bị xác định là người chủ mưu. Bị cáo đã thành lập Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, thông qua quyền lực tại Vạn Thịnh Phát, Trương Mỹ Lan đã thao túng Ngân hàng SCB và Công ty Chứng khoán Tân Việt (TVSI) bằng cách sử dụng người thân và cá nhân khác đứng tên hộ, từ đó điều hành, chi phối mọi hoạt động của các pháp nhân này.

Từ năm 2018 - 2020, Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo các bị cáo khác thành lập các công ty An Đông, Sunny World, Quang Thuận và Setra để phát hành 25 mã trái phiếu khống, với tổng khối lượng lên tới hơn 308 triệu trái phiếu, huy động hơn 30.000 tỉ đồng từ hơn 35.000 nhà đầu tư.

Số tiền này được sử dụng sai mục đích, dẫn đến không có khả năng thanh toán nợ trái phiếu, gây thiệt hại nghiêm trọng cho các nhà đầu tư.

Ngoài ra, Trương Mỹ Lan và đồng phạm đã chiếm đoạt hơn 445.000 tỉ đồng thông qua tham ô tài sản và phát hành trái phiếu. Trong quá trình chiếm đoạt số tiền trên, bà Lan đã chỉ đạo đồng phạm thực hiện các hành vi rút tiền, chuyển tiền ra khỏi hệ thống Ngân hàng SCB nhằm che giấu nguồn gốc, hợp thức sử dụng số tiền do phạm tội mà có.

Số tiền này chủ yếu để chi trả các khoản vay của các công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát tại Ngân hàng SCB; chuyển tiền ra nước ngoài thanh toán các hợp đồng khống...

Bị cáo Lan đã thông qua các hợp đồng khống để chuyển tổng cộng 4,5 tỉ USD (tương đương 106.730 tỉ đồng) từ Việt Nam ra nước ngoài và ngược lại.

Theo VKS, hành vi này kéo dài từ năm 2012 - 2022, nhằm che giấu nguồn gốc của tài sản chiếm đoạt và hợp thức hóa việc sử dụng số tiền phạm pháp.

Tuy nhiên, VKS cũng đề nghị HĐXX xem xét một số tình tiết giảm nhẹ cho Trương Mỹ Lan và một số bị cáo khác. Trong đó có việc bà Lan đã có nhiều đóng góp cho xã hội thông qua các hoạt động từ thiện, như tích cực tham gia phòng chống dịch COVID-19. Đây được xem là yếu tố giảm nhẹ hình phạt trong quá trình xét xử.

Bài liên quan
Xét xử vụ Vạn Thịnh Phát (giai đoạn 2): Bà Trương Mỹ Lan nói về 2 chiếc túi Hermès bạch tạng
Tại tòa, bị cáo Trương Mỹ Lan mong muốn nhận lại 2 chiếc túi này.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có cơ sở pháp lý điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo
2 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ủy ban Khoa học -Công nghệ - Môi trường (KH-CN-MT) thấy rằng Việt Nam cần phải có cơ sở pháp lý nhằm điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo (AI) để phát triển thế mạnh, hạn chế tác động bất lợi trong nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ AI.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vụ án Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2: Bị cáo Trương Mỹ Lan bị đề nghị mức án chung thân