“Chúng tôi kiến nghị cơ quan chức năng chỉ đạo dừng ngay việc phá dỡ công trình giai đoạn 2, bồi thường thiệt hại cho người mua nhà và chủ đầu tư do những quyết định hành chính ban hành sai quy định trong thời gian qua”, Công ty cổ phần may Lê Trực nêu.
Chiều 29.8, Công ty cổ phần may Lê Trực đã tổ chức họp báo cung cấp nhiều thông tin xoay quanh công trình số 8B Lê Trực.
Công ty này nêu rõ, đến nay đã hơn 11 năm kể từ khi làm thủ tục đầu tư, dự án 8B Lê Trực vẫn không thể đưa vào khai thác do cơ quan chức năng của TP Hà Nội phong tỏa.
“Việc này đã xâm phạm tới quyền lợi chính đángvề tiền bạc và cuộc sống của người mua nhà vì không được nhận nhà. Phía chủ đầu tư cũng thiệt hại lớn về vật chất và tinh thần, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hàng trăm cán bộ, nhân viên, người lao động”, công ty nêu.
Đặc biệt, công ty này cho rằng cách xử lý của cơ quan chức năng trong vấn đề cấp phép, phá dỡ là không đúng quy định của pháp luật.
“Chúng tôi kiến nghị cơ quan chức năng chỉ đạo dừng ngay việc phá dỡ công trình giai đoạn 2, bồi thường thiệt hại cho người mua nhà và chủ đầu tư do những quyết định hành chính ban hành sai quy định trong thời gian qua”, công ty nêu.
Theo công ty này, công trình 8B Lê Trực được xây dựng theo đúng quy hoạch chi tiết 1/500 do UBND TP. Hà Nội phê duyệt và Sở Quy hoạch – Kiến trúc chấp thuận quy hoạch tổng thể mặt bằng 1/500 và phương án thiết kế. Đồng thời, thi công theo thiết kế cơ sở đã được Sở Xây dựng thẩm định với chiều cao công trình là 69,1m và 20 tầng nổi.
“Năm 2010, Công ty may Lê Trực và nhà thầu thi công các hạng mục như khoan nhồi thí nghiệm và đại trà, tường vây, 4 tầng hầm…thì bất ngờ bị hồi tố, buộc phải điều chỉnh xuống còn 18 tầng, chiều cao 53m. Việc hồi tố này là trái quy định”, công ty nêu.
Công ty này cũng cho biết, việc cưỡng chế không căn cứ vào quy hoạch chi tiết mà lại căn cứ vào giấy phép xây dựng là không đúng quy định của pháp luật. Hơn nữa, công trình này thuộc đối tượng không phải đề nghị xin giấy phép xây dựng.
Công ty dẫn ra, theo quy định tại Nghị định 12/2010/NĐ-CP ngày 12.2.2010; Quyết định số 04/22010/QĐ-UBND ngày 20.1.2010 của UBND TP Hà Nội; Nghị định 64 của Chính phủ thì công trình này đều thuộc diện được miễn cấp phép xây dựng, nếu công trình đã khởi công xây dựng thì không phải đề nghị cấp giấy phép xây dựng. Công trình đã khởi công ngày 15.2.2010 theo kết cấu và quy mô 20 tầng sau khi Sở Xây dựng thẩm định thiết kế cơ sở, trước thời gian Nghị định 64 của Chính phủ có hiệu lực.
Bên cạnh đó, công ty này cũng cho biết TP Hà Nội đã phá vỡ cam kết với doanh nghiệp trong việc chủ đầu tư đã bàn giao 1.942m2 đất mở đường Trần Phú và được phê duyệt quy hoạch chi tiết với chiều cao công trình là 70m và 20 tầng.
Đồng thời, công ty này cho rằng việc giật cấp ảnh hưởng nghiêm trọng tới kết cấuchịu lực và tuổi thọ của công trình.
Theo các chuyên gia, hệ kết cấu chịu lực chính của công trình là kết cấu bê tông cốt thép toàn khối, liên kết chặt chẽ tạo thành một hệ thống khung không gian ổn định đối xứng. Việc phá dỡ công trình sẽ khiến công trình không đảm bảo an toàn trước tác động của các loại tải trọng.
Trước đó, trả lời chất vấn trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nhà số 8B Lê Trực, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết sẽ xử lý nghiêm sai phạm này. “Hiện nay đã hạ được tầng 19 nhưng để hạ được các tầng tiếp theo thì đang trình Bộ Xây dựng, mời các nhà khoa học thẩm định việc cắt tầng tòa nhà có đảm bảo hay không. Thời gian qua việc này chậm là do nguyên nhân này”.
“Tôi sẽ kiên quyết thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng và sẽ xử lý nghiêm vấn đề này”, ông Chung nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cũng cho biết, đối với tòa nhà 8B Lê Trựchiện nay đang xử lý giai đoạn giật cấp, các tầng phải phá dỡ. Điều này liên quan đến kết cấu, an toàn của công trình và là vấn đề lớn. Bộ Xây dựng đang phối hợp với Hà Nội và mời các chuyên gia cũng các cơ quan chuyên môn và trong tháng 8 sẽ có ý kiến chính thức.
Hoài Phong