Sáng 4.6, BSCK2 Phạm Thanh Phong - Phó giám đốc chuyên môn Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ (BVĐKTƯCT) cho biết các bác sĩ Khoa Ngoại Thận - Tiết niệu đã phẫu thuật thành công lấy vòng tránh thai lạc chỗ xuyên thủng thành bàng quang bệnh nhân.

Vòng tránh thai ‘đi lạc’ xuyên vào bàng quang

04/06/2020, 11:51

Sáng 4.6, BSCK2 Phạm Thanh Phong - Phó giám đốc chuyên môn Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ (BVĐKTƯCT) cho biết các bác sĩ Khoa Ngoại Thận - Tiết niệu đã phẫu thuật thành công lấy vòng tránh thai lạc chỗ xuyên thủng thành bàng quang bệnh nhân.

Bác sĩ khám lại cho bệnh nhân sau phẫu thuật - Ảnh: Phong Phạm

Bệnh nhân là chị Đỗ Thanh Nh. (SN 1981, ngụ xã Trường Long A, H.Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang) đặt vòng tránh thai khoảng 10 năm tại “bà mụ vườn”. Cách đây khoảng 4 năm, bệnh nhân đã đến y tế địa phương để lấy vòng ra và được thông báo không thấy vòng tránh thai trong tử cung. Nghĩ là vòng đã bị tụt ra ngoài nên bệnh nhân cũng không đi khám.

Gần đây, bệnh nhân hay đau âm ỉ hạ vị kèm tiểu gắt, tiểu ngưng giữa dòng nên đến khám và nhập viện tại BVĐKTƯCT vào sáng 25.5. Kết quả siêu âm sỏi bàng quang kích thước 9 x 17mm, các bác sĩ hội chẩn quyết định nội soi bàng quang lấy 2 viên sỏi kích thước 1,2cm và 1,8cm. Bất ngờ nhất là các bác sĩ phát hiện có dị vật xuyên thành bàng quang tạo thành 1 khối đường kính khoảng 5mm. Do dị vật bám chắc vào thành bàng quang nên không thể lấy qua nội soi.

Sau đó, các bác sĩ tiến hành chụp cắt lớp vi tính, kết quả ghi nhận: dụng cụ tránh thai lạc chỗ vùng ngoài tử cung cạnh thành trên, xuyên thành bàng quang, kích thước 3cm. Các bác sĩ hội chẩn và quyết định phẫu thuật lấy vòng tránh thai bị lạc chỗ. Ê kíp mổ đã xác định vị trí dị vật, xẻ mô bàng quang bóc tách đến vị trí chữ T, lấy ra vòng tránh thai dài khoảng 4cm được bao chặt bởi các cơ xung quanh. Đây cũng là lý do vòng tránh thai không được phát hiện qua siêu âm vì bị bao bọc bởi các tổ chức cơ bàng quang...

Vòng tránh thai sau khi lấy ra - Ảnh: Phong Phạm

Sáng 4.6, sinh tồn bệnh nhân ổn định, không sốt, vết mổ khô. BSCK2 Nguyễn Phước Lộc, Trưởng khoa Ngoại Thận - Tiết niệu cho biết: “Đặt dụng cụ tử cung hay còn gọi là vòng tránh thai là biện pháp tránh thai được nhiều chị em phụ nữ lựa chọn vì có nhiều ưu điểm như khả năng tránh thai lên đến 99%, dễ sử dụng, có hiệu quả lập tức và lâu dài, ít tác dụng phụ, chi phí khá rẻ…

Nhưng chị em cần tuân thủ thăm khám định kỳ để kiểm tra vị trí chiếc vòng tránh thai. Tuy nhiên, tất cả những ưu điểm trên chỉ phát huy tác dụng với điều kiện vòng tránh thai được thực hiện đặt tại cơ sở y tế có uy tín và được cố định ở đúng vị trí trong tử cung. Khi vòng tránh thai vô tình "lạc trôi" đến vị trí khác sẽ gây ra không ít rắc rối cho chị em.

Trường hợp lạc vòng tránh thai trong ổ bụng, nếu không được phát hiện kịp thời sẽ gây ra những hậu quả xấu như: gây thủng ruột, thủng bàng quang… dẫn đến viêm phúc mạc, dễ nhiễm trùng huyết, có thể nguy hiểm cho sức khỏe”.

Vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo, dù vòng tránh thai có hiệu quả ngừa thai cao và an toàn nhưng chị em vẫn nên tuân thủ việc thăm khám sau đặt vòng, bởi biện pháp nào cũng có một tỷ lệ thất bại nhất định (do tuột, lạc chỗ hoặc đặt quá lâu trong cơ thể). Thông thường, thời gian đầu sau khi đặt vòng, chị em thường được hẹn quay lại khám sau 1 tháng, rồi 3 tháng, 6 tháng… Sau khi đã ổn định thì chỉ cần khám thường niên.

Phong Phạm

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vòng tránh thai ‘đi lạc’ xuyên vào bàng quang