Chị Phấn bày tỏ: “Sống trên đời này của cải không biết bao nhiêu là vừa thì phước đức cũng khó đủ trong việc hồi hướng (bù đắp lại thứ mà cuộc đời đã cho mình) cho người khác.
Giữ được mạng sống nhờ cây thuốc rừng
Kể về người con trai “khó nuôi” của mình, ông Đào Văn Hoàng (68 tuổi), ngụ ấp 15, xã Nguyễn Phích (H.U Minh, tỉnh Cà Mau) thở phào, nói: “Thằng Nhân nó từng mắc bệnh ngặt nghèo, bác sĩ khám không ra đó là thứ bệnh gì. Chạy thuốc ròng rã 5 - 6 năm trời, tán gia bại sản mà không trị được”. Có người thân mách nhỏ với vợ chồng ông Hoàng là gia đình sống nơi rừng thiêng nước độc, đã đến non nước này thì nên dùng cây thuốc rừng để hy vọng may mắn cứu được con.
Của vơi, tiền cạn bệnh tình của con vẫn không có dấu hiệu giảm, ông Hoàng dù xót xa cũng buộc phải đưa Nhân về hốt thuốc nam ở chùa gần nhà uống hằng ngày cầu may. “Sức trai mà thân hình nó tong teo như cây sậy khô, vợ chồng tui chỉ còn biết cầu mong vào sự may mắn”, ông Hoàng nói. Theo chị Trương Thị Phấn (SN 1980) vợ anh Nhân, mẹ chồng chị có kể lại tình trạng bệnh của anh Nhân rằng thân mình anh lúc bệnh cứng đờ như tấm ván. Anh rất đau đớn khi ai đó đụng vào cơ thể mình…
Anh Đào Văn Nhân - Ảnh: Ngọc Nhẫn
Chạy chữa cho con hết các loại thuốc tây, thuốc bắc, vợ chồng ông Hoàng đã đi qua hành trình “xuyên Việt” trong nhiều năm. Đi khắp các bệnh viện Cà Mau đến TP.HCM, thậm chí tận một số thầy thuốc có tiếng tăm các tỉnh phía bắc, ai chỉ ở đâu thuốc hay cũng chạy đến gõ cửa xin cứu giúp, nhưng bệnh thì vẫn vậy.
Nhưng rồi điều “kỳ diệu” ẩn ngay tại quê nhà, anh Đào Văn Nhân (sinh 1978) đã “chịu” thuốc, giảm dần và trút được bệnh tật sau 1 thời gian khá dài quay về điều trị bằng những thang thuốc nam từ thiện của nhà chùa.
Cảm nghiệm được khả năng phi thường và sự “mầu nhiệm” từ những cây thuốc nam, anh Nhân đã đền đáp ơn cứu mạng mình bằng việc theo học nghề thuốc ở chùa và nguyện sẽ theo con đường phục vụ người bệnh trên tinh thần nhân đạo. Chị Phấn vợ anh cũng là người theo nghề thuốc nam và cùng có đam mê làm việc thiện. Đây là điểm chung nổi bật nhất để 2 người đến với nhau và nên nghĩa vợ chồng.
Dốc sức làm việc thiện
Gia đình nhỏ Nhân - Phấn được cha mẹ ruột anh Nhân giao cho 1 héc ta đất trồng lúa nơi bìa rừng (ở ấp 15, xã Nguyễn Phích) làm cơ nghiệp đầu tay. Theo chủ trương chung, đất ven rừng nằm trong hệ thống thủy lợi tích nước, giữ ẩm độ trên toàn lâm phần,phòng chống cháy trong mùa khô. Tuy nhiên với 1 héc ta đất này, nếu canh tác giỏi mỗi năm cũng có thể thu được gần 100 giạ (2 tấn) lúa.
Theo nghiệp thuốc càng lâu, đôi vợ chồng trẻ càng ghi nhận sự quý giá của cây thuốc, trong đó có những loài ngày càng hiếm trong tự nhiên mà khả năng đáp ứng của các vườn thuốc hiện có chỉ trong giới hạn. Trong khi đó, các loại thuốc núi có thể khai thác trong tự nhiên ở Phú Quốc, Kiên Hải… (Kiên Giang), ở vùng Bảy Núi (An Giang) được bảo vệ nghiêm ngặt vì nguy cơ tuyệt chủng!
Chị Trương Thị Phấn - Ảnh: Ngọc Nhẫn
Vì vậy, góp 1 cành thảo dược vào tủ thuốc dân gian đáng quý hơn nhiều so với việc chọn cây lúa để làm kinh tế cho riêng mình là điều đôi vợ chồng trẻ này thường bàn bạc với nhau. Hơn nữa, là người từng tập tễnh theo học nghề thuốc, chị Phấn biết: “Thông thường khi các vị thuốc ra tới phòng thuốc thì đã là thuốc thành phẩm hoặc đã qua các công đoạn bào chế nên các y sĩ, y sinh không có điều kiện nhìn thấy, phân biệt để nhận dạng cây thuốc tươi. Vườn thuốc nếu đầu tư bài bản là nơi có thể đáp ứng phần nào yêu cầu nhận diện cây thuốc”.
Tuy nhiên, đất lâm phần phèn nặng, những loại cây thuốc núi, cây vùng sinh thái ngọt sẽ không thích nghi kịp, nên quá trình lên liếp phải tạo rãnh trên mặt liếp để làm hốc chứa phân hữu cơ làm nơi cung cấp dinh dưỡng cho cây con phát triển, thích nghi dần. Năm 2014, những thớt đất đầu tiên ở nền ruộng lúa được bắt lên thành liếp.
Trước đó, chị Phấn đã nhờ 1 thầy thuốc bạn, đang làm việc ở Bình Dương sưu tầm giúp chị các giống cây thuốc núi. Chị Phấn cho biết: “Loại nào có thể xin được ở vườn thuốc các chùa thì không phải trả tiền cây giống, nhưng những loại quý hiếm thì phải mua thêm ở các vườn ươm”.
Nhiều cây thuốc đã bén rễ sâu ở vùng đất phèn chua này sau hơn 3 năm. “Rất mừng là vườn đã trồng được các cây: đỗ trọng, quế, hậu phác, long não, bạch đàn hương, bá bệnh, thiên niên kiện, cù đèn núi… là những cây thuốc hiếm khó tìm thấy trong tự nhiên”, chị Phấn khoe.
Cây quế mà vợ chồng anh Nhân trồng - Ảnh: Ngọc Nhẫn
Được thiết kế theo cấu trúc bờ mương kế tiếp bờ mương, đến nay 70% diện tích đất bờ liếp đã được phủ kín màu xanh của nhiều loại cây thuốc quý. Lợi ích thu về cho chủ vườn là: “Cảm giác vô cùng thích thú, tinh thần hứng khởi khi nhìn từng cây, bụi thuốc sinh sôi, phát triển mạnh mẽ trên vùng đất chưa thật sự thuận lợi cho chuyên canh cây nông nghiệp, cây dược liệu này”, chị Phấn chia sẻ.
Để có được niềm vui đó, chị Phấn cho biết: “Hơn 100 triệu đồng đã gieo xuống mảnh vườn này, gồm chi phí thuê xe cuốc đào đất đắp bờ, chi phí mua cây giống, phân bón… Trong đó có khoảng phân nửa là của những người trong thân tộc đã ủng hộ để khích lệ tinh thần”.
Ba năm qua, những đợt thuốc đầu tiên thu hoạch từ vườn thuốc này cũng đã được giao cho các phòng thuốc từ thiện. Điều hết sức đặc biệt là chủ vườn thuốc này dù có giao vài tấn cây thuốc khô thì cũng chỉ nhận lại những nụ cười mà từ chối tất cả những gợi ý nhận lại chi phí.
Nghèo tiền nhưng giàu lòng nhân ái
Gợi giá trị kinh tế của vườn thuốc, nhằm đảm bảo phát triển bền vững, lan tỏa mô hình, Chủ tịch Hội Đông y tỉnh Cà Mau - ông Hồng Bình Đẳng, bày tỏ sự ủng hộ bằng việc động viên, khuyến khích và tạo điều kiện cho chủ vườn có thu nhập tái đầu tư, tích lũy.
Những cây thuốc này được biếu không - Ảnh: Ngọc Nhẫn
Theo ông Đẳng, ngoài nguyên liệu làm thuốc, chủ vườn có thể sản xuất ra cây thuốc giống, Tỉnh hội sẽ lo đầu ra. Nguồn lợi thu về nếu chủ vườn không nhận tiền mặt thì có thể quy đổi thành giống cây mới hay phân bón… Nhưng, ông Đẳng cho biết: “Chủ vườn này cứ mãi khư khư là chỉ thích làm phước như hiện tại”.
Ông Đẳng cho rằng giá trị của vườn thuốc tính tới lúc này là không nhỏ. Dù vậy vợ chồng anh Nhân - chị Phấn không cho đó là khối tài sản của riêng mình mà là của chung những người bệnh nghèo, người có niềm đam mê trồng cây thuốc. “Là người quản lý, đầu tư và khai thác, vợ chồng tui có mong muốn lớn nhất là cây thuốc do chính tay mình trồng sẽ góp vị cho những thang thuốc cứu được những người không may mắn mắc bệnh”, chị Phấn chia sẻ.
Có ý kiến cho rằng, mải mê việc thiện mà quên lo cho mình thì vẫn có nguy cơ trở thành gánh nặng xã hội, chị Phấn bày tỏ: “Sống trên đời này của cải không biết bao nhiêu là vừa thì phước đức cũng khó đủ trong việc hồi hướng (bù đắp lại thứ mà cuộc đời đã cho mình - PV) cho người khác.
Cũng vậy, tích lũy cho gia đình về sau là chuyện phải lo, nhưng sống ngày nào phải làm phước ngày ấy là rất ít cơ hội. Thời gian “tầm sư học thuốc” thầy tui luôn nhắc nhở rằng mình đã sống dựa vào cuộc sống này quá nhiều, dù uống 1 ca nước, ăn 1 chén cơm cũng nhớ phải hồi hướng lại như vậy. Tui sống tôn trọng và tin tưởng tuyệt đối vào quy luật nhân quả”, chị Phấn nói.
Cây bá bệnh trong vườn của đôi vợ chồng trẻ - Ảnh: Ngọc Nhẫn
Dù vậy, tương lai xa hơn trong một xã hội năng động vẫn còn phải lo nhiều. “Đứa con gái đang lớp 11 phải được học đến nơi đến chốn, để hy vọng có điều kiện làm việc thiện tốt hơn ba mẹ nó bây giờ”, chị Phấn trăn trở.
Chủ tịch Hội Đông y xã Nguyễn Phích - ông Võ Thanh Pha, cũng bày tỏ băn khoăn về tương lai của hộ nghèo Đào Văn Nhân. Ông Pha cho biết: “Gia đình này dù nghèo tiền của nhưng rất giàu lòng nhân ái. Đó là điều đáng được trân trọng. Tuy nhiên, mô hình trồng xen cây ăn quả trong vườn thuốc, kết hợp nuôi thủy sản dưới “bóng” cây thuốc…tạo nguồn thu, cũng cần phải được vận dụng tốt”.
Ngọc Nhẫn