Theo số liệu thống kê của Bộ Công an, nước ta mỗi năm có hơn 1.000 vụ xâm hại tình dục trẻ em. Trong thời gian gần đây, số vụ xâm hại trẻ em liên tiếp xảy ra tại nhiều khu vực. Riêng trong quý 1/2017, có 33 vụ xâm hại tình dục trẻ em bị phát hiện.
Thông tin này được đưa ra tại diễn đàn "Các tổ chức xã hội góp phần ngăn chặn xâm hại tình dục và bạo lực trẻ em," được Nhóm làm việc vì quyền trẻ em (CRWG), Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, Mạng Quyền trẻ em (CRnet) phối hợp tổ chức tại Hà Nội chiều 14.4.
Diễn đàn nhằm tập hợp ý kiến của các tổ chức, cá nhân trong tham gia phòng ngừa và hỗ trợ can thiệp trẻ em bị xâm hại tình dục và bạo hành.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hòa, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cho biết: Cùng với các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội đã có những hoạt động kịp thời góp phần phòng ngừa và hỗ trợ giải quyết các vụ việc như nắm bắt thông tin, đề xuất các giải pháp, đưa ra khuyến nghị với các cơ quan chức năng, tư vấn pháp lý cho gia đình và trẻ em bị xâm hại, tổ chức phiên tòa giả định... Ngoài ra, các tổ chức xã hội thường xuyên tuyên truyền, tổ chức tư vấn và giáo dục kỹ năng sống cho trẻ nhằm phòng ngừa trẻ bị xâm hại.
Tại diễn đàn, nhiều chuyên gia, tổ chức xã hội hoạt động trong lĩnh vực chăm sóc, bảo vệ trẻ em đã chia sẻ ý kiến, thông tin về những hoạt động đơn vị thực hiện để bảo vệ trẻ em bị xâm hại. Bên cạnh đó, nhiều sáng kiến trong việc tổ chức các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc ngăn chặn xâm hại trẻ em cũng được đưa ra.
Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động -Thương binh -Xã hội) chia sẻ: để bảo vệ trẻ em hiệu quả, pháp luật cần cập nhật, điều chỉnh bởi nhiều điều luật không thể áp dụng chung các đối tượng khác với trẻ em. Cần nâng cao công tác tuyên truyền cho các bậc phụ huynh và các em nhỏ về trách nhiệm lên tiếng trong việc tố cáo các hành vi xâm hại trẻ em.
Ông Nam cũng cho biết hiện nay đang rất thiếu hụt hệ thống dịch vụ bảo vệ trẻ em, đặc biệt là dịch vụ trị liệu tâm lý (tâm lý học lâm sàng), bởi trẻ em bị xâm hại và bạo hành tổn hại về tâm lý rất nặng nề và dai dẳng. Chính vì vậy, việc can thiệp về mặt tâm lý cho trẻ rất cần thiết và càng sớm càng tốt.
Diễn đàn cũng đưa ra 8 khuyến nghị gửi tới Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan hữu quan với mục đích đề xuất hoàn thiện chính sách, pháp luật, đẩy mạnh giám sát việc thi hành pháp luật, tăng cường hơn nữa vai trò của các tổ chức xã hội và sự tham gia của luật sư nhằm nâng cao hiệu quả phòng ngừa, đấu tranh xử lý nghiêm minh mọi hành vi xâm hại tình dục trẻ em và bảo vệ trẻ em là nạn nhân bị xâm hại tình dục.
Theo Vietnam+