Nhà báo Trương Vũ Quỳnh (VTV8 - đài truyền hình Việt Nam) vừa gửi đến cho chúng tôi bài viết về phim Vĩnh Cửu (Éternité), một phim mới của đạo diễn trần anh hùng đang gây chú ý ở Pháp và châu Âu. Khán giả Việt sẽ có dịp thưởng thức bộ phim này theo kế hoạch, phim sẽ theo phái đoàn của tổng thống pháp về viếng thăm Việt Nam. “Vĩnh Cửu” sẽ được chiếu tại Hà Nội vào ngày 5.9.2016 và tại Tp.HCM vào ngày 7.9.2016. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Vĩnh cửu (Éternité) là bộ phim mới nhất của đạo diễn Trần Anh Hùng. Khác với Mùi đu đủ xanh,Mùa hè chiều thẳng đứng… - những phim đã từng làm nên tên tuổi và tạo ra dấu sâu đậm của đạo diễn này trong lòng công chúng Việt Nam - đây là một bộ phim hoàn toàn Pháp với các diễn viên nổi tiếng của Pháp như: Audrey Tatou, Benérice Bejo, Mèlanie Laurent, Jèrèmie Renier, Pierre Deladonchamps...
Phim là câu chuyện xoay quanh một gia đình với nhiều thế hệ đi qua những thăng trầm, biến thiên với đủ các cung bậc cảm xúc: có nụ cười và nước mắt, hạnh phúc lẫn đau thương, có sum họp và ly biệt, có đầm ấm, vui vầy và cả những tang tóc, muộn phiền… Một gia đình, nhiều thế hệ, cuộc sống của những vòng đời chu chuyển, lặp đi lặp lại, mặc cho bên ngoài cánh cửa ngôi nhà, lịch sử hai cuộc chiến và những cơn lốc khốc liệt liên quan đến nhân loại nói chung đang diễn ra một cách lạnh lùng. Rốt cuộc cái gì sẽ còn lại trên thế gian này: Tình yêu. Đấy là nền tảng lớn nhất, cũng là lý do lớn nhất để cuộc sống gia đình tồn tại, giữ gìn các giá trị nhân văn và là cội nguồn để vẻ đẹp tái sinh sau những biến cố, sau những đổi thay, mất còn…
Dường như đó là sự quan tâm lớn nhất của người làm phim, là chủ đề mà bộ phim hướng đến. Trở lại với thế kỷ XIX đầy biến động, khi mà xã hội Pháp vẫn đang đề cao hình mẫu về những người phụ nữ lặng lẽ sau những nếp nhà, quanh quẩn với việc làm tròn bổn phận làm vợ làm mẹ, gìn giữ sự bền vững cho kết cấu hạt nhân xã hội là các gia đình… ta sẽ thấy ý đồ nghệ thuật rất rõ ràng trong lựa chọn này của tác giả bộ phim. Đấy là sự tôn vinh, ca ngợi cuộc đời bình dị của những người phụ nữ khiêm nhường, an phận với công việc “tề gia”, lo lắng cho chồng, nuôi nấng, dạy dỗ con cái, bảo vệ nền tảng gia đình, mà cũng là một quốc gia, làm nên cái gọi là nhân loại rộng lớn… Vì thế, tuy chuyện phim xảy ra cách đây hơn 100 năm nhưng nó vẫn còn nguyên tính thời sự khi chuyên chở những giá trị bất biến không bao giờ cũ: giá trị của tình yêu và của sự tương trợ lẫn nhau, giá trị đạo lý và những tư tưởng đẹp đẽ mà thế hệ nào cũng cần tôn trọng, giữ gìn…
Tính thời sự của bộ phim càng được đánh giá cao, khi rõ ràng, trong giai đoạn hiện tại, khi cùng với kinh tế thị trường là sự thoái hóa về nhân cách, sự rạn nứt các quan hệ gia đình và xã hội, sự vô cảm giữa con người và đồng loại…, giai đoạn mà chúng ta đang rất lo ngại về sự lung lay các giá trị nền tảng đẹp đẽ này. Khác với các phim được xây dựng theo công thức Hollywood thường dựa trên nền tảng cốt truyện rõ ràng, các xung đột, cao trào và bạo lực, “Vĩnh cửu” là một phim kinh điển kiểu Pháp. Trong đó, sự tinh tế, những chi tiết nhỏ nhưng nhiều giá trị biểu cảm, sự chăm chút cho cảm xúc được chú ý đến mức tối đa. Nhịp phim do đề tài chi phối, rất chậm rãi nhưng choáng ngợp, một cảm giác bé nhỏ và bất lực của con người trước thời gian được diễn tả một cách rất thành công… Không câu nệ cốt truyện, ưu tiên tuyệt đối cho tiếng nói của cảm xúc, giống như các truyện của Hồ Dzếnh ở Việt Nam mà giới lý luận văn học hay gọi là loại “truyện không có chuyện”, các diễn viên tham gia “Vĩnh cửu” đôi lúc ngỡ ngàng vì đây là lần đầu tiên họ thủ vai những nhân vật không hành động.
Các nhân vật di chuyển trong không gian nội tâm của mình, tham gia vào các tình huống nhỏ, trong phạm vi hẹp, đơn lẻ… nhưng họ biết, bằng ứng xử nghệ thuật của Trần Anh Hùng - một đạo diễn rất sở trường của loại phim này - các chi tiết đó khi đứng bên nhau để tạo thành một chỉnh thể nghệ thuật sẽ có sức mạnh bùng nổ nhờ sự tác động tương hỗ, hài hòa và có sức thuyết phục mạnh đối với người thưởng lãm… Để khoảng không lấp đầy những ám ảnh, “Vĩnh cửu” gần như không có lời thoại. Âm nhạc và tiếng ngoại hình (voice off) là hai yếu tố quan trọng nhất của bộ phim. Cả hai làm thành một tổng thể quyện vào nhau, hỗ trợ nhau, đưa người xem trở lại không gian của một thời đã cũ, như trong một giấc mơ hoài niệm, xa xưa… Một chi tiết thú vị: Phu nhân Trần Anh Hùng, diễn viên thường có mặt trong các phim trước đây của anh, Trần Nữ Yên Khê, giờ đã đứng bên cạnh anh trong “Vĩnh cửu” với vai trò chỉ đạo nghệ thuật của phim (Direction Artistique) và tiếng ngoại hình (voice off). Thạch Khê (Elise LUGUERN), em gái Yên Khê, phụ trách chỉ đạo âm nhạc (supervision musicale) cho phim.
Trương Vũ Quỳnh / Duyên dáng Việt Nam