Không còn là đồn đoán, ông Đặng Phước Thành và 10.000 tài xế Vinasun sẽ kiện Uber và Grab. Đơn kiện đã có, chỉ chờ nộp, như cách nói của ông chủ tịch HĐQT Vinasun.
2017 là một năm lao đao với các Vinasun và các hãng taxi khác.
Ông Đặng Phước Thành, Chủ tịch HĐQT Vinasun tuyên bố sẽ kiện Uber và Grab.
Nhưng cái mà nhờ đó Uber và Grab lật đổ ngoạn mục taxi “truyền thống” là sự minh bạch, nền tảng kết nối và giá rẻ, đó không phải là nội dung để kiện mà vấn đề là phải thay đổi ở Vinasun và các hãng taxi “truyền thống”.
Tôi cảm thấy thương cho hai chữ “truyền thống” khi bây giờ nó gắn liền với sự trì trệ như taxi và xe ôm.
Nhà doanh nghiệp Nguyễn Văn Đực cho rằng vụ kiện là buồn cười và không thể, vì:
-Các loại taxi và xe ôm “truyền thống” không thể kiện Uber và Grab hiện đại, minh bạch, tiện ích, an toàn và rẻ hơn
-Chợ truyền thống không thể kiện siêu thị và siêu thị không thể kiện chợ online.
-Điện thoại bàn không thể kiện IPhone. Báo giấy không thể kiện báo mạng. Loa phường không thể kiện loa hè phố và VTV không thể kiện Facebook.
Thay vì đổi mới, cạnh tranh lành mạnh thì một số nhà doanh nghiệp VN lại muốn dùng tác động của Nhà nước và sự quen biết để triệt hạ đối thủ.
Đặng Phước Thành trước đây là phó chủ tịch phường Bến Thành, loại giỏi. Đột nhiên anh xin nghỉ và mở chuỗi nhà hàng, quán ăn. Nhờ mát tay và mối quan hệ ở quận 1 mà hệ thống nhà hàng của anh phát triển mạnh, các đối thủ khác tuy ngang bằng phải vế nhưng thua cái “quan hệ” nên đành ngậm ngùi tránh xa những nơi Đặng Phước Thành đặt quán ăn, nhà hàng. Sức mạnh của sự quen biết của Đặng Phước Thành rõ nét ở việc chiếm 1 diện tích khá lớn ngay trong vườn Tao Đàn để làm nhà hàng.
Nhưng phải công nhận Đặng Phước Thành là người làm ăn giỏi và mát tay, anh đã thay đổi phong cách phục vụ và chế biến món ăn cũng như là người đầu tiên tạo ra hệ thống chuỗi trong kinh doanh. Không chỉ lĩnh vực ẩm thực, Đặng Phước Thành chạm tay vào lĩnh vực nào, nơi nào là tiền sẽ đẻ ra như mơ ước.
Tôi không hiểu Đặng Phước Thành có quyết tâm kiện tới cùng hay không nhưng sự xuất hiện của Uber và Grab cũng là cơ hội để Ban quản trị và 10.000 lái xe ở Vinasun phải thay đổi.
Vinasun cũng đã phải tự thay đổi và thay đổi ngay từ nền tảng công nghệ, Đặng Phước Thành – Chủ tịch HĐQT Vinasun đã đưa ra những ý kiến sau một năm đầy sóng gió của Vinasun:
“Vấn đề là chúng ta đương mặt đối mặt và dám nhìn thẳng đối thủ, khó khăn là gì, nhận diện đối thủ và đưa ra đấu pháp để làm sao để chiến thắng. Làm thế nào và làm phải quyết liệt như thế nào?”
Mặc dù Grab, Uber có phần mềm đi trước và chuyên nghiệp hơn Vinasun nhưng Vinasun từng bước có thể làm phong phú, đa dạng hơn về phần mềm. Tôi lấy thí dụ, ngoài chuyện xài card, Vinasun còn có đồng hồ. Trong khi đó Grab, Uber chỉ có cái card và nạp vào đó một số tiền thì mới sử dụng được dịch vụ của họ. Vậy là đối tượng khách hàng của Grab và Uber hẹp hơn Vinasun.
Uber và Grab mới chỉ là bóng dáng thấp thoáng của Cách mạng Công nghiệp 4.0 nhưng đã chứng tỏ sức mạnh cạnh tranh dựa trên nền tảng công nghệ tức thì và ngang bằng, nó phá bỏ nền tảng cực kỳ vô lý của nhiều loại hình kinh doanh ở VN dựa trên mối quan hệ, sự chèn ép, bảo hộ và cạnh tranh không lành mạnh.
Công nghiệp 4.0 sẽ tiếp tục tác động đến toàn thể nền kinh tế, các nhà doanh nghiệp VN cần tự thay đổi thya vì than trách.
Vấn đề là bộ GTVT phải tạo sân chơi bình đẳng cho cả taxi “truyền thống” đang kêu là bị ràng buộc bởi nhiều quy định, không được thoáng như cách mà Bộ GTVT quản lý Uber và Grab.
Ông Nguyễn Hồng Trường, thứ trưởng Bộ GTVT nói thẳng taxi truyền thống phải tự thay đổi mới tồn tại được: “Tôi cho rằng Uber và Grab đang gián tiếp tạo ra một sân chơi mới, sân chơi của những nhà kinh doanh vận tải biết ứng dụng công nghệ để nâng cao hiệu quả kinh doanh, năng suất lao động, từ đó giảm chi phí, mang lại lợi ích và sự thuận tiện cho khách hàng. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp taxi truyền thống đã thấy rõ lợi ích của sân chơi mới này, nên họ đã chủ động xây dựng ứng dụng của riêng mình hoặc kết nối với các nhà cung cấp phần mềm ứng dụng công nghệ kết nối sẽ thúc đẩy quá trình cạnh tranh lành mạnh trong ngành vận tải, do đó, người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi.”
Về ý kiến cho rằng với lợi thế về công nghệ và vốn, Uber và Grab với chiến thuật giá rẻ kéo dài sẽ thôn tính taxi truyền thống rồi sau đó mới nâng giá còn cao hơn giá taxi truyền thống hiện nay, tôi đồng ý với cách phân tích của ông Thứ trưởng: “Tôi không đồng tình với nhận định này bởi xe taxi có những đặc thù riêng và đối tượng hành khách riêng, ví dụ như những người không sử dụng công nghệ, đặc biệt là dạng hành khách vẫy gọi trên đường. Mặt khác, việc sử dụng chính sách giá rẻ dưới mức giá thành để thôn tính taxi là không bền vững và không khả thi bởi chắc chắn sẽ có ngay doanh nghiệp khác đăng ký hoạt động kinh doanh nếu không tiếp tục áp dụng giá rẻ dưới mức giá thành”.
Còn nhiều vấn đề về mặt giải pháp nữa mà những nhà quản trị taxi Việt Nam nên xem lại như giải pháp công nghệ, Vinasun đã đầu tư nhưng “chưa tới” lắm (cái app của Vinasun có mỗi chức năng đặt xe là khá, còn lại gần như chỉ để trang trí mà tốn kém thêm nào tin nhắn sms, màn hình quá to), nhưng quan trọng nhất là các quản lý cấp cao của taxi “truyền thống” dù rất nhiều kinh nghiệm nội địa nhưng đã quá già cỗi so với cơn lũ 4.0 không chừa một ai.
Cần giải phóng cái đầu trước rồi mới nói chuyện cạnh tranh, biện pháp dọa kiện chứng tỏ các nhà quản trị taxi VN vẫn chưa biết mình đang đối đầu với một cuộc cách mạng công nghệ, những cái đầu mang tính toàn cầu.
Tôi hy vọng với sự năng động, nhạy bén và máu làm ăn chuyên nghiệp, ông Đặng Phước Thành và Vinasun sẽ thành công trong việc đổi mới và duy trì Vinasun phát triển.
Hoàng Linh