Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2017, Vinasun đã cắt giảm hợp đồng chính thức với gần 8.000 người, giảm lượng nhân sự từ 17.160 người hồi đầu năm xuống chỉ còn 9.179 người tính đến cuối quý 2/2017.

Vinasun chuyển đổi cho thuê 8000 đầu xe thay cho hợp đồng lao động với tài xế

Phan Diệu | 22/07/2017, 15:52

Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2017, Vinasun đã cắt giảm hợp đồng chính thức với gần 8.000 người, giảm lượng nhân sự từ 17.160 người hồi đầu năm xuống chỉ còn 9.179 người tính đến cuối quý 2/2017.

Vinasun kinh doanh thua lỗ

Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam - doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ taxi lớn nhất Việt Nam vừa công bố kết quả kinh doanh quý 2 và 6 tháng đầu năm 2017.

Theo đó, trong 6 tháng đầu năm, hoạt động kinh doanh taxi của doanh nghiệp này sụt giảm nghiêm trọng do sự cạnh tranh mạnh mẽ từ những đối thủ dựa trên nền tảng công nghệ như Uber và Grab.

Cụ thể, trong quý 2/2017, doanh thu của Vinasun đã giảm 28% so với cùng kỳ năm trước, xuống 810 tỉ đồng kéo theo lãi gộp trong kỳ giảm 27% xuống còn 116 tỉ đồng. Đây là mức giảm lớn nhất của Vinasun trong vòng nhiều năm qua.

Lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp này cũng chỉ đạt 11,6 tỉ đồng, giảm gần 80% so với mức 55,8 tỉ đồng của cùng kỳ năm trước. Cộng với lợi nhuận từ thanh lý xe, Vinasun đạt 58,7 tỉ đồng lợi nhuận trước thuế, giảm 42% so với cùng kỳ.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, Vinasun đạt 1.903 tỉ đồng doanh thu, giảm 16% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận trước thuế đạt 127,6 tỉ đồng, giảm 32%. Đóng góp chính vào lợi nhuận trong 6 tháng đầu năm vẫn là thanh lý xe cũ với xấp xỉ 75 tỉ đồng.

Đáng chú ý, Vinasun đã cắt giảm hợp đồng chính thức với gần 8.000 người, giảm lượng nhân sự từ 17.160 người hồi đầu năm xuống chỉ còn 9.179 người tính đến cuối quý 2. Việc cắt giảm lái xe xuất phát từ quyết định chuyển sang mô hình cho thuê xe thay vì phân chia phí taxi.

Được biết, với mô hình cho thuê lái xe mà Vinasun đang áp dụng, lái xe sẽ nhận toàn bộ doanh thu và trả cho Vinasun một khoản phí thuê cố định từ 600.000-800.000 đồng. Lái xe sẽ chi trả toàn bộ chi phí liên quan đến xe bao gồm chi phí xăng xe, chi phí bảo dưỡng, chi phí sửa xe, chi phí bến đỗ. Trong mô hình này, Vinasun sẽ không chịu trách nhiệm nộp bảo hiểm xã hội cho lái xe.

Taxi truyền thống tố Uber, Grab cạnh tranh không lành mạnh

Trước việc kinh doanh ngày càng thua lỗ, Vinasun đã nhiều lần gửi công văn đến Thủ tướng, phản ánh việc hàng nghìn người lao động tại doanh nghiệp này xin nghỉ việc và hàng trăm đầu xe phải nằm bãi.

Theo đó, nguyên nhân chính là do sự cạnh tranh không lành mạnh của Uber và Grab. Cùng với đó, đã có 10.000 tài xế Vinasun ký tên xin công đoàn cho phép tuần hành phản đối Uber, Grab.

Theo Vinasun, Uber và Grab đã núp dưới danh nghĩa hợp đồng điện tử để né tránh các nghĩa vụ về thuế, không chịu bất kỳ chi phí phát sinh nào, khiến sự cạnh tranh thị phần ngày càng khốc liệt. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp vận tải taxi truyền thống đứng trước nguy cơ phá sản.

Theo ông Tạ Long Hỷ - Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP.HCM, các hãng taxi truyền thống ngoài việc phải đầu tư phương tiện còn phải chịu nhiều loại thuế phí, riêng VAT là 10%, phải lo trả lãi vay ngân hàng, tham gia đóng bảo hiểm xe, bảo hiểm khách hàng, bảo hiểm xã hội… trong khi Uber, Grab không phải tốn kém các khoản chi phí này.

Phản hồi những cáo buộc của Vinasun và các Hiệp hội taxi về việc liên tục “tung chiêu” giảm giá, cạnh tranh không lành mạnh; đại diện truyền thông Grab Việt Nam khẳng định công ty này tuân thủ nghiêm túc các quy định pháp luật của Việt Nam hiện hành.

Grab cho rằng có được giá cước thấp và những đợt khuyến mại, giảm giá cho người dùng là nhờ Grab tận dụng công nghệ để nâng cao hiệu suất quản lý và kinh doanh. Đây cũng là một trong những mục tiêu cơ bản của đề án thí điểm xe hợp đồng điện tử theo quyết định 24 của Bộ Giao thông vận tải.

Theo đại diện truyền thông Grab, sự xuất hiện của Grab tuy tác động lớn đến thị trường taxi truyền thống nhưng không làm thay đổi bản chất của từng loại hình vận tải. Taxi truyền thống vẫn có những lợi thế riêng cũng như nắm giữ những phân khúc khách hàng riêng.

Trong khi đó, đại diện Uber Việt Nam cũng khẳng định Uber không bao giờ nghĩ taxi truyền thống là đối thủ của mình. Do đó, các hãng taxi truyền thống hoàn toàn có thể đầu tư phần mềm như Uber hay Grab. Nếu họ áp dụng công nghệ tốt thì hiệu quả cũng sẽ tương đương.

Cũng liên quan đến cáo buộc này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhận định giá cả của Uber và Grab đều rất cạnh tranh. Về chất lượng, người tiêu dùng phản ánh khá tích cực. Do đó, việc Uber và Grab liên tục khuyến mại không có nghĩa họ không cạnh tranh lành mạnh.

Phan Diệu

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
4 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vinasun chuyển đổi cho thuê 8000 đầu xe thay cho hợp đồng lao động với tài xế