Trong số 38 tập đoàn, tổng công ty nhà nước thì Tổng công ty Hàng hải (Vinalines) là doanh nghiệp thua lỗ nhiều nhất, với hơn 3.400 tỉ đồng trong năm 2014.
Đây là thông tin được đề cập đến trong báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2015 của Kiểm toán Nhà nước (KTNN)
Nhiều doanh nghiệp nhà nước làm mất trắng hàng nghìn tỉ đồng
Năm 2015, KTNN đã kiểm toán báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước năm 2014 của 234 doanh nghiệp thuộc 38 tập đoàn, tổng công ty, công ty.
Theo đó, KTNN cho biết, hiệu quả hoạt động của nhiều doanh nghiệp trong năm 2014 giảm sút, điển hình như: tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu năm 2014 của Tổng công ty Lâm nghiệp là 8,6% (giảm 3,48% so với năm 2013); Vinaconex 8,5% (giảm 3,33%); PVN 15,56% (giảm 10,45%); Hfic 22,64% (giảm 2,64%); IDICO 9,8% (giảm 1,42%)…
Bên cạnh đó, có 5/38 tập đoàn, tổng công ty, công ty kinh doanh thua lỗ. Trong đó, Vinalines là doanh nghiệp thua lỗ nhiều nhất với 3.478,48 tỉ đồng. Đặc biệt, có đến 51/63 đơn vị có vốn đầu tư của Vinalines thua lỗ hoặc hiệu quả thấp, cổ tức thu được năm 2014 bằng 0,46% vốn đầu tư.
Đứng thứ hai trong danh sách kinh doanh thua lỗ là Vinaincon với khoản lỗ 131,96 tỉ đồng. Tổng công ty 15 lỗ 471,1 tỉ đồng); Tổng công ty Mía đường II lỗ 15,18 tỉ đồng; và Công ty TNHH MTV In Đắk Lắk lỗ 2,95 tỉ đồng.
Ngoài ra, nhiều tập đoàn, tổng công ty quản lý nợ chưa chặt chẽ, dẫn đến nợ phải thu quá hạn. Trong số đó, phải kể đến Tập đoàn Dầu khí quốc gia (PVN) có khản nợ phải thu quá hạn 452,82 tỉ đồng.
Hay một số công ty con của Tập đoàn Điện lực (EVN) như Tổng công ty Điện lực miền Trung; Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội cũng chưa quản lý nợ chặt chẽ.
Cùng với đó, vẫn còn nhiều doanh nghiệp có khoản nợ khó đòi lớn. Điển hình là Mobifone với 312,8 tỉ đồng, chiếm 30,4% nợ phải thu. Công ty Hapro cũng có khoản nợ 376,65 tỉ đồng, chiếm 25,7% nợ phải thu.
Báo cáo của KTNN cũng cho thấy, một số tập đoàn, tổng công ty sử dụng tài sản sau đầu tư không hiệu quả gây lãng phí vốn, thua lỗ và mua sắm, thanh lý tài sản không đúng quy định.
Ví dụ như Công ty Cổ phần Mía đường La Ngà đầu tư công trình bể chứa mật rỉ 5.000 tấn, với tổng vốn 2,67 tỉ đồng, nhưng từ năm 2011 bị sự cố trước khi bàn giao, đến nay chưa quyết toán, khắc phục sự cố để đưa vào sử dụng và đầu tư dây chuyền sản xuất ván dăm sử dụng từ năm 2004 nhưng không hiệu quả, thua lỗ, phải thanh lý.
Hàng loạt doanh nghiệp lỗ lũy kế lớn, nguy cơ ngừng hoạt động
Trong năm 2014, nhiều doanh nghiệp nhà nước ghi nhận lỗ lớn như Công ty Hóa dầu và Xơ sợi Dầu khí (lỗ 1.473 tỉ đồng), Công ty TCT Miền Trung (lỗ 725 tỉỷ đồng), Công ty Phát triển Phú Mỹ (421 tỉ đồng)...
Tại Tổng công ty Lâm nghiệp, 5 công ty con lỗ lũy kế 19 tỉ đồng, 6 công ty liên doanh, liên kết lỗ lũy kế 54,7 tỉ đồng và 657.218 USD. Tại Hapro có 7 công ty con lỗ lũy kế 26,9 tỉ đồng, 15 công ty liên doanh, liên kết lỗ lũy kế 94,5 tỉ đồng, 3 khoản đầu tư dài hạn khác lỗ lũy kế 69 tỷ đồng...
Tình trạng lỗ lũy kế lớn hơn vốn đầu tư của chủ sở hữu cũng xảy ra tại hàng loạt đơn vị như Công ty Bệnh viện Đa khoa quốc tế Hạnh Phúc lỗ 852 tỉ đồng trong khi vốn đầu tư 210 tỉ đồng; Công ty Vận tải biển Viship lỗ 749 tỉ đồng trên vốn góp 32 tỉ, Công ty Tiếp vận Biển Đông lỗ 53 tỉ đồng trên phần góp 10 tỉ...
Nhiều tập đoàn, tổng công ty còn góp vốn vào doanh nghiệp khác có tình trạng tài chính xấu, có vốn chủ sở hữu âm, như Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Dung Quất 1.108,43 tỉ đồng, Công ty Cổ phần Đầu tư Tài chính Công đoàn Dầu khí 71,18 tỉ đồng; Công ty TNHH MTV Vận tải Viễn dương Vinashin 8.481,6 tỉ đồng.
Chính vì kinh doanh không hiệu quả nên hàng loạt doanh nghiệp nhà nước có nguy cơ ngừng hoạt động hoặc phải giải thể. Chẳng hạn như Công ty Liên doanh trung tâm thương mại chợ Ngã Tư Sở thuộc Hapro đã ngừng hoạt động từ tháng 8.2013. Công ty Cổ phần Thương mại Vinawa thuộc Vinataba đã ngừng hoạt động, đang thực hiện thủ tục giải thể. Công ty Phát triển Hàng Hải Đông Đô thuộc Vinalines ngừng hoạt động từ năm 2012.
Ngoài ra, KTNN còn chỉ ra nhiều vấn đề khác như hầu hết các tập đoàn, tổng công ty hoạt động đầu tư, xây dựng, kinh doanh bất động sản đều còn dự án chậm tiến độ. Một số dự án phải tạm dừng triển khai, gây lãng phí vốn đầu tư. Việc triển khai dự án còn tồn tại, hạn chế ảnh hưởng đến hiệu quả...
Duyên Duyên