Kiểm toán cho rằng Vinalines có thể phát sinh nghĩa vụ phải chịu trách nhiệm về các khoản nợ nghìn tỉ của công ty con.

Vinalines có thể 'hứng' nợ nghìn tỉ khi công ty con phá sản

tuyetnhung | 28/06/2017, 17:34

Kiểm toán cho rằng Vinalines có thể phát sinh nghĩa vụ phải chịu trách nhiệm về các khoản nợ nghìn tỉ của công ty con.

Lãi lớn không đến từ sản xuất kinh doanh

Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) mới đây đã công bố báo cáo tài chính riêng năm 2016, được kiểm toán bởi KPMG.

Báo cáo tính đến ngày 31.12.2016 cho biết Vinalines kinh doanh có lãi 2.148 tỉ đồng, tăng so với mức 981,5 tỉ đồng năm 2015.

Đáng chú ý, mức lãi của Tổng công ty không đến từ hoạt động kinh doanh mà lại từ các hoạt động khác, cụ thể các hoạt động khác mang về cho doanh nghiệp 3.768 tỉ đồng, tăng gấp 3,7 lần năm 2015 (đạt 1.025 tỉ đồng).

Khoản lỗ gộp lên tới 1.422 tỉ đồng, lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh ở mức 1.620 tỉ, tăng gấp 38 lần so với 43,8 tỉ đồng năm 2015.

Tính đến hết năm ngoái, tổng số nợ mà Vinalines phải trả là 6.594 tỉ đồng, trong đó nợ ngắn hạn là 3.951 tỉ đồng, nợ dài hạn là 2.643 tỉ đồng. Tổng tài sản của Vinalines được định giá tới 31.12.2016 là 18.909 tỉ đồng.

Đánh giá những khó khăn tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty năm vừa qua, Vinalines cho biết giá cước vận tải và cho thuê tàu tiếp tục giảm, chưa có dấu hiệu phục hồi. Các cảng thuộc Tổng công ty phải cạnh tranh gay gắt giữa các cảng trong khu vực.

Một số doanh nghiệp khai thác cảng gặp khó khăn khiến hoạt động bị hạn chế như: cảng Sài Gòn phải di dời cảng Nhà Rồng - Khánh Hội dẫn đến công suất khai thác giảm...

Trong khi đó, nhu cầu giao thương trên thế giới chưa có dấu hiệu tăng trưởng, các tập đoàn logistics nước ngoài đã được thành lập công ty 100% vốn của nước ngoài, hiện đang chiếm khoảng 80% thị phần logistics Việt Nam nên các doanh nghiệp Việt Nam gặp nhiều khó khăn khi yếu thế hơn hẳn về vốn và mạng lưới hoạt động...

Nguy cơ "hứng" khoản nợ nghìn tỉ

Theo kiểm toán KPMG thống kê, vào các ngày 10.12.2015, 8.12.2015 và 25.12.2015, Toà án nhân dân TP.Hà Nội, Toà án nhân dân TP.HCM và Toà án nhân dân tỉnh Cà Mau đã lần lượt mở thủ tục phá sản đối với Công ty TNHH MTV Vận tải Viễn Dương Vinashin (Công ty Vinashinlines), CTCP Vận tải Dầu khí Việt Nam (Công ty Falcon); Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thuỷ Cà Mau (Công ty CNTT Cà Mau), 3 công ty con của Tổng công ty với tỷ lệ sở hữu lần lượt là 100%, 51% và 100%.

Liên quan đến Công ty Vinashinlines, kiểm toán cho biết vốn đã góp của Tổng công ty ngày 31.12.2016 là 414,3 tỉ đồng, tuy nhiên vốn điều lệ đăng ký của Vinashinlines theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh ngày 28.5.2010 là 1.500 tỉ đồng.

Do đó, kiểm toán cho rằng Vinalines có thể phát sinh nghĩa vụ phải chịu trách nhiệm về các khoản nợ của Vinashinlines tương ứng với mức vốn điều lệ đã đăng ký theo quy định trong Luật Doanh nghiệp mặc dù Tổng công ty chưa góp đủ số vốn điều lệ này.

Theo kiểm toán, ban lãnh đạo của Vinalines hiện chưa ước tính những nghĩa vụ nào khác có thể phát sinh liên quan đến việc thực hiện thủ tục phá sản đối với Công ty Vinashinlines, Công ty Falcon và Công ty CNTT Cà Mau, nên kiểm toán không thể xác định ảnh hưởng của việc Tổng công ty chưa góp đủ vốn vào Vinashinlines cũng như các nghĩa vụ khác của Tổng công ty có thể phát sinh từ việc phá sản các công ty con đối với báo cáo tài chính năm 2016 của Vinalines.

Tuyết Nhung
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có cơ sở pháp lý điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo
một giờ trước Nhịp đập khoa học
Ủy ban Khoa học -Công nghệ - Môi trường (KH-CN-MT) thấy rằng Việt Nam cần phải có cơ sở pháp lý nhằm điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo (AI) để phát triển thế mạnh, hạn chế tác động bất lợi trong nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ AI.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vinalines có thể 'hứng' nợ nghìn tỉ khi công ty con phá sản