Tuyển Việt Nam đã giành chức vô địch AFF Cup sau 10 năm chờ đợi. Từ hôm qua, thậm chí từ trước trận chung kết, đã có những so sánh giữa thành tích của đội tuyển thời điểm 2008 và 2018.
Rất khó để so sánh hai thời kỳ cách nhau đến 10 năm. Tuy nhiên, nếu dựa vào con số và cả cảm giác của người hâm mộ thì có thể thấy phong cách vô địch năm nay chững chạc hơn nhiều.
Lật lại 10 năm trước thì chức vô địch của đội tuyển Việt Nam khiến người hâm mộ bất ngờ và đau tim nhiều hơn. Tại vòng bảng khi đó tổ chức trên sân Thái Lan, đội bóng của HLV Calisto đã mở màn bằng trận thua 0-2 trước Thái Lan. Sau đó, chúng ta thắng Malaysia 3-2 đầy kịch tính và may mắn. Chỉ có trận cuối thắng Lào 4-0 là Việt Nam thực sự chơi nhàn nhã.
Còn tại vòng bảng 2018, chúng ta thi đấu khác hẳn khi không thua trận nào, thậm chí là đội duy nhất ở vòng bảng không thủng lưới bàn nào. Riêng trận hòa trên sân Myanmar thì Việt Nam đáng ra thắng nếu trọng tài bắt chuẩn.
Tại bán kết 2008, chúng ta bế tắc trong trận hòa Singapore 0-0 tại Mỹ Đình và thắng 1-0 đầy bất ngờ trên sân khách với bàn duy nhất của Quang Hải. Còn bán kết năm nay, chúng ta thắng cả 2 lượt trận trước Philippines với nhiều cầu thủ "nhập tịch" dưới sự dẫn dắt của HLV Sven Goran Eriksson.
Tại chung kết 2008, chúng ta bất ngờ thắng Thái Lan 2-1 trên sân khách trong trận đấu mà khung thành của Hồng Sơn luôn chao đảo. Lượt về, đội bóng của Calisto cũng phải rất vất vả mới ghi được bàn thắng vào phút bù giờ để có trận hòa 1-1. Còn lần này, trong trận chung kết lượt đi, chúng ta hòa 2-2 ở thế trên chân khi đá trên sân người Mã. Đến trận lượt về khi hiệp 2 trôi qua một nửa thời gian thì chúng ta biết chắc ngôi vô địch đã nằm trong tay mình.
Thống kê cho thấy năm 2008, Việt Nam đã đá 7 trận, thắng 4, hòa 2, thua 1, ghi được 11 bàn, thủng lưới 6 bàn, tức là trung bình kiếm 2 điểm mỗi trận, ghi trung bình 1,57 bàn/trận, lọt lưới 0,86 bàn/trận. Còn giải 2018, Việt Nam đã đá 8 trận, thắng 6, hòa 2, không thua trận nào, ghi được 15 bàn, thủng lưới 4 bàn, tức là trung bình 2,5 điểm/trận, ghi 1,88 bàn/trận, lọt lưới 0,5 bàn mỗi trận.
Những con số thống kê trên đều chỉ ra rằng Việt Nam 2018 thi đấu hiệu quả và chắc chắn hơn đàn anh. Và có thể nhận xét chủ quan là Việt Nam 2018 của Park Hang Seo luôn làm người hâm mộ cảm thấy rất an tâm khi 6 lần mở tỷ số ngay trong hiệp 1 (năm 2008 chỉ có 2 lần như vậy), chưa bao giờ để rơi vào thế bị đối phương cầm bóng câu giờ. Còn năm 2008 thì Việt Nam quả thực khiến người hâm mộ nín thở, thót tim nhiều hơn.
Bản thân việc thủ môn Dương Hồng Sơn nhận giải cầu thủ xuất sắc nhất năm 2008 cũng cho thấy chặng đường của Việt Nam khi ấy dựa nhiều vào những lần cứu nguy. Năm nay, thủ môn Đặng Văn Lâm dù chơi không thật xuất sắc nhưng cũng chỉ 4 lần lọt lưới. Đặc biệt, việc các chuyên gia trao giải cầu thủ xuất sắc nhất cho Quang Hải chính là cách thừa nhận về sự xuất sắc của bóng đá tấn công Việt Nam.
Sau lần vô địch bất ngờ và may mắn năm 2008, bóng đá Việt Nam không kiếm thêm được thành tích nổi bật nào trong sự ngao ngán của người hâm mộ. Còn với thế hệ bài bản và có chiều sâu như hiện giờ thì sau chức vô địch hôm qua, có lẽ chúng ta có thể đặt niềm tin trong những giải đấu tiếp theo. Đó chính là sự khác biệt lớn nhất ở 2 chức vô địch cách nhau 10 năm.
Thậm chí, ngay cả giải Tiger Cup 1998 mà nhiều người vẫn ám ảnh rằng Việt Nam mất ngôi vô địch vì kém may mắn, thì thực ra thế hệ Hồng Sơn - Huỳnh Đức cũng không thuyết phục như các đàn em lúc này. Giải đó, chúng ta chơi tất cả các trận trên sân nhà nhưng bế tắc trước Singapore trong cả 2 trận đấu (vòng bảng, chung kết) và chỉ có một trận xuất thần trước Thái Lan khủng hoảng tâm lý (sau trận đá cuội với Indonesia).
Ngay cả khi ta thắng Thái Lan 3-0 ở bán kết khi ấy cũng chẳng ai dám nghĩ tuyển Việt Nam khi ấy giỏi hơn Thái Lan. Còn giờ thì khác, chúng ta không còn bị ám ảnh bởi Thái Lan nữa và đang tự tin hướng đến những mục tiêu ngoài khu vực. Bóng đá Việt Nam đang phát triển đúng hướng với sự tham gia của tư nhân mà cụ thể là các doanh nhân làm bóng đá. Bóng đá Việt Nam hiện giờ thành công nhờ nâng được cái gốc chứ không phải ăn may kiểu ngọn cây phất phơ chờ gió như trong quá khứ.
Anh Tú