Tại cuộc gặp với Đại sứ của Thái Lan và Malaysia, Thủ tướng đề nghị các nước cần tăng cường sử dụng đường dây nóng trên biển để kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh, trong đó có vấn đề ngư dân, tàu thuyền, cứu nạn, chống cướp biển…

Việt Nam, Thái Lan, Malaysia cần tăng cường hợp tác đường dây nóng trên biển

Trí Lâm | 15/06/2016, 05:29

Tại cuộc gặp với Đại sứ của Thái Lan và Malaysia, Thủ tướng đề nghị các nước cần tăng cường sử dụng đường dây nóng trên biển để kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh, trong đó có vấn đề ngư dân, tàu thuyền, cứu nạn, chống cướp biển…

Ngày 14.6, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp Đại sứ Thái Lan tại Việt Nam Manopchai Vongphakdi và Đại sứ Malaysia tại Việt Nam M. Zamruni Khalid.

Tại buổi tiếp Đại sứ Thái Lan Manopchai Vongphakdi, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, quan hệ Việt Nam - Thái Lan đang phát triển tốt đẹp, hai nước đã tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực thương mại và đầu tư và bày tỏ mong muốn kim ngạch thương mại hai bên có thể đạt 20 tỉ USD trước năm 2020.

Thủ tướng nóiViệt Nam - Thái Lan là hai trong ba nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, do đó cần đẩy mạnh hợp tác để mang lại lợi ích cho người dân hai nước.

Đồng thời, Thủ tướng cho rằng hai bên cũng cần bàn cơ chế hợp tác nhiều lĩnh vực khác, nhất là trong lĩnh vực lao động, bởi Thái Lan có nhu cầu lớn về lao động, còn Việt Nam có lực lượng lao động có kỹ năng tốt, có thể đáp ứng nhu cầu của Thái Lan.

“Hai bên cần đẩy mạnh giao lưu nhân dân, tăng cường sử dụng đường dây nóng giữa hải quân hai nước để kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh trên biển, trong đó có vấn đề ngư dân, tàu thuyền”, Thủ tướng nói.

Theo đó, Việt Nam – Thái Lan cần tích cực hợp tác với nhau và với các nước, các tổ chức quốc tế trong việc quản lý, sử dụng bền vững và có hiệu quả nguồn nước sông Mekong, bảo đảm lợi ích của các quốc gia hạ nguồn.

Tại cuộc gặp gỡ, Đại sứ Manopchai Vongphakdi cũng thông báo, một số doanh nghiệp bán lẻ của Thái Lan có dự định đầu tư vào thị trường Việt Nam với mong muốn mang lại lợi ích cho cả hai bên. Đại sứ cũng tin tưởng năm nay khách du lịch hai nước thăm lẫn nhau sẽ đạt trên 1 triệu người.

Cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng tiếp Đại sứ Malaysia tại Việt Nam M. Zamruni Khalid.

Tại buổi tiếp,Thủ tướng đề nghị hai bên hoàn thiện Chương trình hành động Việt Nam - Malaysia giai đoạn 2016 - 2018 để hiện thực hóa các lĩnh vực hợp tác cụ thể.

Đồng thời, Thủ tướng đề nghịhoàn tất ký kết một số hiệp định như chuyển giao người bị kết án phạt tù, dẫn độ, dịch vụ hàng không, giáo dục và tương trợ tư pháp để tạo cơ sở pháp lý cho những hoạt động hợp tác cụ thể.

Bên cạnh đó là thiết lập cơ chế đối thoại quốc phòng cấp Thứ trưởng, cơ chế tuần tra chung và đường dây nóng nhằm tăng cường hợp tác nghề cá, phối hợp tìm kiếm cứu nạn, chống cướp biển.

Ngoài ra, hai bên cũng cần sớm tổ chức phiên họp lần thứ 5 Ủy ban hỗn hợp về kinh tế, khoa học và kỹ thuật trong quý 3.2016.

Thủ tướng khẳng định Việt Nam luôn khuyến khích các doanh nghiệp Malaysia mở rộng đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, đồng thời đề nghị Malaysia tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt đầu tư vào thị trường Malaysia.

“Việt Nam có 60.000 lao động đang làm việc tại Malaysia. Hai bên cần tích cực trao đổi, hợp tác để giải quyết các vấn đề nảy sinh liên quan đến lao động Việt Nam”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng cũng mong muốn hai bên tiếp tục hợp tác chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau trong khuôn khổ các diễn đàn đa phương trong khu vực và trên thế giới.

Đại sứ Malaysia cho biết đang gấp rút hoàn thiện Chương trình hành động giữa hai nước giai đoạn 2016 – 2018 và khẳng định Việt Nam là đối tác thương mại lớn của Malaysia.Ngoài ra, Đại sứ Malaysia cũng bày tỏ mong muốn Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp Malaysia sang đầu tư, kinh doanh.

Trí Lâm
Bài liên quan
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Việt Nam, Thái Lan, Malaysia cần tăng cường hợp tác đường dây nóng trên biển