Việt Nam là quốc gia duy nhất trong khối ASEAN được nâng hạng trên bảng xếp hạng chỉ số quyền lực mềm toàn cầu 2021.

Việt Nam tăng hạng 'quyền lực mềm' nhờ khả năng ứng phó với COVID-19

Tuyết Nhung | 26/02/2021, 14:51

Việt Nam là quốc gia duy nhất trong khối ASEAN được nâng hạng trên bảng xếp hạng chỉ số quyền lực mềm toàn cầu 2021.

Theo Báo cáo chỉ số quyền lực mềm toàn cầu 2021, Việt Nam là quốc gia duy nhất trong khối ASEAN được nâng hạng trong bảng xếp hạng quyền lực mềm toàn cầu. Cụ thể, vị trí của Việt Nam cũng được cải thiện, tăng 2,5 điểm, nâng thêm 3 bậc, từ 50/60 lên 47/105 quốc gia được xếp hạng.

Việt Nam được đánh giá là điểm sáng nhờ sự tăng hạng vượt bậc về thương hiệu quốc gia và những kết quả về kinh tế, xã hội đã đạt được trong năm qua. Theo đánh giá của Brand Finance, Việt Nam đã phát huy tương đối tốt mọi khía cạnh của quyền lực mềm, đặc biệt là sự hội nhập của Thương hiệu quốc gia Việt Nam và các thương hiệu sản phẩm hàng đầu.

Theo báo cáo Nation Brands 2020 của Brand Finance, Việt Nam có giá trị thương hiệu quốc gia tăng nhanh nhất thế giới khi tăng tới 29% so với năm trước, lên 319 tỉ USD. Thứ hạng của Việt Nam cũng cải thiện từ vị trí 42 lên 33 trong danh sách 100 thương hiệu quốc gia có giá trị nhất của Brand Finance.

Kết quả về Chỉ số quyền lực mềm của các quốc gia được tổng hợp từ các tiêu chí, bao gồm: Tính phổ biến của thương hiệu quốc gia đó; Ảnh hưởng tổng thể của quốc gia; Danh tiếng tổng thể của quốc gia; Khả năng ứng phó của quốc gia trước dịch bệnh COVID-19 và Hiệu suất trên 7 trụ cột của Quyền lực mềm (Kinh doanh & Thương mại, Quản trị, Quan hệ Quốc tế, Văn hóa & Di sản, Truyền thông & Báo chí, Giáo dục & Khoa học, Con người & Giá trị).

Ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) nhìn nhận quyền lực mềm Việt Nam không chỉ là sự kế thừa và phát huy nền tảng vốn có mà còn là sự phát triển, tận dụng cả những vị thế mới, lợi thế mới. Năm 2020, thực hiện thành công vai trò kép Chủ tịch ASEAN và thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trong bối cảnh muôn vàn khó khăn là một minh chứng về vận dụng hài hòa sức mạnh mềm trong đa phương – song phương của Việt Nam.

Việt Nam hiện là một trong những nền kinh tế có độ mở cửa thị trường lớn nhất thế giới với tỷ trọng xuất nhập khẩu/GDP tăng liên tục qua các năm (từ 136% năm 2010 lên xấp xỉ 200% vào năm 2019). Mặc dù năm 2020, kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19 nhưng nền kinh tế vẫn tăng trưởng gần 3%, là một trong những nước hiếm hoi có tăng trưởng dương trong khu vực và trên thế giới.

Đại dịch COVID-19 đang diễn biến rất phức tạp, khó lường gây ra nhiều tác động toàn diện, sâu rộng, đẩy nhiều quốc gia vào khủng hoảng kép về y tế và kinh tế. Ông Vũ Bá Phú cho rằng với những nỗ lực của Chính phủ cùng sự đồng thuận của người dân Việt Nam nhằm khống chế đại dịch, Việt Nam cũng trở thành một đất nước nổi tiếng về sự an toàn.

"Sự nổi tiếng này sẽ giúp Việt Nam thu hút dễ dàng hơn các nguồn lực của thế giới đặc biệt là thu hút đầu tư, các sự kiện và khách du lịch quốc tế. Không những thế, Việt Nam đã thành công khi biến thách thức của đại dịch COVID-19 trở thành lợi thế để quảng bá, nâng cao hình ảnh các sản phẩm Việt Nam và thương hiệu quốc gia Việt Nam", Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại nhấn mạnh.

Trong thời gian tới để xây dựng và phát huy sức mạnh mềm của Việt Nam, ông Phú cho biết trước hết, Việt Nam cần xây dựng định hướng chiến lược về phát huy sức mạnh mềm một cách bài bản, dài hạn trong thời kỳ mới, đặc biệt trong kỷ nguyên số. Thứ hai là cần nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, thúc đẩy các ngành công nghiệp sáng tạo để từ đó nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Thứ ba là tiếp tục gìn giữ, phát huy những giá trị đa dạng và phong phú của văn hóa Việt. Thứ tư là cần chú trọng, đẩy mạnh công tác ngoại giao, khẳng định vai trò “nòng cốt, dẫn dắt và hòa giải” trong các vấn đề then chốt của khu vực và quốc tế. Thứ năm là ưu tiên đầu tư có trọng tâm, trọng điểm để phát triển khoa học và công nghệ.

"Bên cạnh việc xây dựng, phát huy sức mạnh mềm, Việt Nam cũng cần tăng cường, hoàn thiện sức mạnh cứng để tạo nên một sức mạnh tổng hợp, đó chính là sức mạnh thông minh trong thời đại mới, để nâng tầm hội nhập sâu rộng và hiệu quả, phát huy vị thế mới về địa chiến lược, địa kinh tế của đất nước", lãnh đạo Cục Xúc tiến thương mại cho hay.

Bài liên quan
Quyền lực mềm nằm ở vòng cổ ngọc trai giả của cựu đệ nhất phu nhân Hoa Kỳ
Cựu đệ nhất phu nhân Mỹ Barbara Bush qua đời ngày 17.4.2018 ở tuổi 92. Nhắc đến bà, người yêu thời trang còn nhắc đến “vòng cổ ngọc trai Barbara Bush”.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
8 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Việt Nam tăng hạng 'quyền lực mềm' nhờ khả năng ứng phó với COVID-19