Bộ trưởng đề nghị đổi Phí = Giá. Cãi. Đề xuất mất bằng lái xe phải thi lại. Cãi. Thu thuế xe ôm và bán hàng rong. Cãi. Cấm xe máy. Cãi. Tăng giá xăng, giá điện. Cãi. Xây nhà hát hoành tráng. Cãi. Làm sân bay lớn. Cãi. Làm đường cao tốc Bắc Nam. Cãi. Xây mới thành phố. Cãi. Tóm lại, gì cũng cãi.

Việt Nam hay cãi

02/04/2019, 12:50

Bộ trưởng đề nghị đổi Phí = Giá. Cãi. Đề xuất mất bằng lái xe phải thi lại. Cãi. Thu thuế xe ôm và bán hàng rong. Cãi. Cấm xe máy. Cãi. Tăng giá xăng, giá điện. Cãi. Xây nhà hát hoành tráng. Cãi. Làm sân bay lớn. Cãi. Làm đường cao tốc Bắc Nam. Cãi. Xây mới thành phố. Cãi. Tóm lại, gì cũng cãi.

Minh họa. Nguồn: Internet

Lâu nay, người Việt chỉ nói “Quảng Nam hay cãi”. Cãi trở thành truyền thống, thành tính cách của con người xứ Quảng. Cãi ở đây là phản đối sự vô lý, sự hiểu lầm và cả dối trá.

Chuyện kể rằng “Thời bao cấp, hai anh em ở Sài Gòn đi chơi về hơi khuya. Ngang qua vườn Tao Đàn, bị nhóm du đãng chặn đường hét lớn - Giơ hai tay lên đưa bóp đây! - Một anh líu ríu móc bóp nộp. Anh kia vẫn giơ hai tay đứng im. - Còn mày, đưa bóp đây. - Giơ hai tay làm sao lấy bóp được cha nội. Nghe vậy mấy tên du đãng cũng phì cười rồi cho qua. Hỏi ra thì anh kia người miền Tây còn anh nọ dân Quảng Nam”.

Chuyện khác kể “Những năm 1970, lính Việt Nam Cộng Hòa đi hành quân. Nắng quái, gió Lào, càn quét cả ngày, rã rời vẫn không tìm ra Việt Cộng. Một tên vừa quệt mồ hôi vừa chửi thề - Mẹ kiếp! mấy đứa Việt Cộng chỉ học lớp hai, lớp ba mà xuất quỷ nhập thần tài thế, tìm mãi không ra. Bỗng nắp hầm bí mật bật mở. Anh du kích nhảy lên đứng trước tên lính cãi - Ê tao học lớp 8 rồi nha mậy!”. Có người còn nửa đùa nửa thật: “Vì hay cãi nên trong kháng chiến, Quảng Nam có nhiều liệt sĩ, nhiều Bà Mẹ Việt Nam anh hùng nhất”. Nghe đầu hồi trước, hàng năm Quảng Nam còn tổ chức “Thi Cãi”, bây giờ gọi là Lễ hội hay Festival.

Dân Quảng Nam tỏa đi tứ xứ làm ăn. Tỉnh nào, nước nào cũng có. Chỗ nào có người Việt, chỗ đó có dân Quảng Nam. Không biết có phải bị lây tính cách Quảng Nam nên hiện nay người Việt cũng hay cãi nhất thế giới. Quảng Nam chỉ cãi để tìm sự thật, kiếm chân lý; còn người Việt thì “cái gì cũng cãi”. Từ trong nhà, ra ngoài đường, từ lớp học đến công sở, từ nhà thờ đến nhà chùa, từ cụ già đến em bé. Thậm chí, chết rồi cũng cãi (những người sống cãi nhau về chuyện người đã chết).

Nhà nước và cán bộ là bị người dân cãi nhiều nhất. Mà Nhà nước là “của dân, do dân và vì dân” . Nhà nước nào cũng thương dân, cũng muốn dân nên người giàu có, thành đạt. nên làm gì cũng nghĩ đến dân đầu tiên. Ngay cả tên gọi cũng thể hiện xuyên suốt. Từ Ủy ban, Hội đồng, Quân đội, Công an, Thanh tra, Đài Tiếng nói, báo, cho đến các danh hiệu Nghệ sĩ, Nhà giáo, Thầy thuốc…

Cán bộ ở Việt Nam ai cũng tối thiểu 2 bằng đại học trở lên. Người có 4 - 5 bằng không hiếm. Có những bằng mà thế giới muốn cũng không thể có như “Phòng chống Tham nhũng”, “Xây dựng đảng”, “Lý luận chính trị”… Bằng cấp đầy mình, lại kinh qua thực tế nên đẳng cấp hơn hẳn các nước. Cán bộ ta nói gì, làm gì cũng cân nhắc, tính toán thiệt hơn cho người dân. Ấy vậy mà mở miệng ra bị dân cãi. Từ những phát ngôn bình thường, giải thích vụ việc cho đến đề xuất, kiến nghị và chủ trương nghị quyết. Từ ngày internet phổ cập, bệnh cãi của người Việt càng nặng đô.

Bộ trưởng đề nghị đổi Phí = Giá. Cãi. Đề xuất mất bằng lái xe phải thi lại. Cãi. Thu thuế xe ôm và bán hàng rong. Cãi, Cấm xe máy. Cãi. Tăng gia xăng, giá điện. Cãi. Xây nhà hát hoành tráng. Cãi. Làm sân bay lớn. Cãi. Làm đường cao tốc Bắc Nam. Cãi. Xây mới thành phố. Cãi. Tóm lại, gì cũng cãi.

Cãi riết làm cán bộ sợ người dân, cứ đùn đẩy công việc và trách nhiệm. Chưa bao giờ làm cán bộ khổ như hiện nay. Đúng là “Đầy tớ nhân dân”. Chẳng biết làm sao cho vừa lòng các ông bà chủ nghèo khó. Dẫu rằng mọi chủ trương, chính sách, suy cho cũng cũng vì dân. Từ việc tăng thuế cho đến các công trình tầm cỡ. Nếu những việc này mà không vì dân thì vì ai?

Gần nhất là việc xây mới trung tâm thành phố Đà Lạt. Thiên hạ cãi rần trời, kể cả những người chưa hề đặt chân tới đó. Đủ thứ lý lẽ quy chụp. Nào là phá hoại, vô cảm, vô học. Rồi lợi ích nhóm, đào mồ di sản… Họ kêu gọi phải bảo tồn, giữ nguyên hiện trạng. Nhiều chuyện nghe cãi mà tức lộn ruột. Nhưng không dám cãi công khai, sợ bị đánh hội đồng. Đành cãi trên mạng. Có bị ném đá cũng không chết ngay. Người Anh dạy “Uốn lưỡi 7 lần trước khi nói”. Người Thái thực tế hơn “Suy nghĩ trước khi nói”. Còn người Việt “Nói rồi mới suy nghĩ” và “Cãi trước nói sau”.

Thử hỏi nếu cái gì cũng giữ nguyên, cũng bảo tồn thì trở về công xã nguyên thủy. Đi bộ cho khỏi kẹt xe và tốn xăng. Dùng quạt tay thay máy lạnh cho khỏi tốn điện. Để bảo vệ môi trường thì lấy lá và vỏ cây làm quần áo. Cứ nhà tranh vách đất cho thoáng mát. Cuộc sống giản đơn, tự cung tự cấp. Mọi người sẽ thân thiện và nói chuyện với nhau thường xuyên vì không còn điện thoại và máy tính. Các tiện ích của khoa học kỹ thuật bắt con người làm nô lệ. Đó là nguyên nhân của mọi vấn nạn và tội ác. Pon Pot và Ieng Sary từng làm cuộc cách mạng triệt để, đưa người dân Campuchia trở về thiên đường nguyên thủy nhưng thất bại.

Xin mọi người để cho nhà nước thực hiện chức năng “Đầy tớ nhân dân” bằng cách bớt cãi lại. Chỉ hiến kế cụ thể. Chẳng hạn đường cao tốc Bắc - Nam không cho Trung Quốc đầu tư thì mời ai? Họ có chịu không. Tiền ai cũng là tiền. Toàn phải vay chứ có ai cho không. Ai dễ vay và ít lãi hơn thì mời. Mình là chủ nhà, có gì đâu mà phải sợ khách này, khách khác. Mấy công trình già nua, xuống cấp cũng vậy. Thay vì chờ sập thì phá đi làm mới. Vừa tạo thêm công ăn việc làm, vừa thay đổi bộ mặt thành phố.

Lạ là ai cũng khoái xài đồ mới. Từ điện thoại, máy tính, quần áo, vật dụng gia đình cho đến xe cộ, nhà cửa, kể cả các mối quan hệ. Ai cũng thích có thêm bạn mới, cũng khoái có bồ mới. Nhiều người rất mê có vợ hoặc chồng mới (đố ai dám mở miệng công khai). Thậm chí chưa có điều kiện thay mới thì tân trang. Cả thân thể ngà ngọc còn được tút lại, thường xuyên làm mới. Nhưng mấy công trình kiến trúc già nua, xập xệ; hễ đụng tới là bị cãi tới bến.

Tôi tính nộp đơn thi tuyển làm công chức nhưng thấy cán bộ nhà nước khổ quá. Về vật chất thì phải làm thêm đủ nghề. Từ buôn chổi đót, chạy xe ôm đến nuôi gà, nuôi heo. Về tinh thần thì thường xuyên bị khủng bố vì nghe dân chửi đổng. Suy đi, tính lại, làm dân cho nó lành. Với lại, mình chỉ có mỗi bằng đại học, không thể cạnh tranh với thiên hạ, người nào cũng năm ba bằng.

Tự an ủi “Quan nhất thời, dân vạn đại”. Làm dân cho bớt nhức đầu vì suốt ngày bị cãi.

Trần Kù

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Việt Nam hay cãi