Việt Nam đang được đánh giá là quốc gia có nhiều lợi thế cạnh tranh hơn so với các đối thủ truyền thống trong khu vực như Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia, Campuchia... trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài.

Việt Nam 'đánh bại' Trung Quốc, Thái Lan về thu hút đầu tư ngoại

Một Thế Giới | 18/04/2015, 06:00

Việt Nam đang được đánh giá là quốc gia có nhiều lợi thế cạnh tranh hơn so với các đối thủ truyền thống trong khu vực như Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia, Campuchia... trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài.

Theo báo cáo về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố ngày 16.4, có đến một nửa số doanh nghiệp FDI, trước khi lựa chọn Việt Nam, đã từng cân nhắc đầu tư vào nước khác, trong đó chủ yếu là Trung Quốc (20,5%), Thái Lan (18%) và Campuchia (13,9%). 
"Những tỷ lệ lựa chọn quốc gia khác cạnh tranh với Việt Nam đều tăng so với năm 2013. Sự gia tăng này tự thân nó là một chỉ báo quan trọng về lợi thế của Việt Nam trong mắt nhà đầu tư quốc tế", báo cáo của VCCI cho biết.
Tuy nhiên, VCCI cũng đánh giá, Việt Nam dường như không còn là điểm đến được ưu ái nhất đối với các nhà đầu tư quốc tế như giai đoạn 2007-2010, mà hiện giờ phải cạnh tranh với các đối thủ truyền thống trong khu vực, như Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia và một số nước mới nổi như Lào, Phi-lip-pin...
Theo đó, trong số nhà đầu tư nước ngoài hiện có tại Việt Nam thì 83% đã chọn đầu tư vào Việt Nam thay vì chọn các quốc gia khác khi cân nhắc địa điểm đầu tư, trong khi chỉ có 17% đầu tư vào Việt Nam như một phần của chiến lược đầu tư đa quốc gia.
Xét về tổng thể, báo cáo của VCCI cho rằng, khi so sánh Việt Nam với các nước khác đang cân nhắc đầu tư, Việt Nam tiếp tục được đánh giá tốt ở các lĩnh vực như: nguy cơ bị thu hồi tài sản thấp, ổn định chính sách và khả năng tham gia vào quá trình hoạch định các chính sách có ảnh hưởng trực tiếp tới họ. Việt Nam cũng được đánh giá khá tốt về mức thuế so với các quốc gia cạnh tranh.
Cụ thể, về mức thuế, Việt Nam có các mức thuế tương đối cạnh tranh; ngoài ra chính quyền trung ương và địa phương còn đưa ra nhiều chính sách ưu đãi thuế hấp dẫn. Mặc dù cơ chế thuế cạnh tranh dường như là yếu tố thúc đẩy các nhà đầu tư, tuy nhiên không có bằng chứng rõ ràng nào cho thấy chương trình ưu đãi thuế mục tiêu tạo thêm động lực cho các quyết định lựa chọn địa phương đầu tư của họ.
Rủi ro bị thu hồi tài sản ở Việt Nam cũng thấp hơn các nước khác. Cảm nhận về sự ổn định trong sử dụng đất gần đây đã tăng, trùng đúng thời điểm thông qua Luật Đất đai sửa đổi năm 2013. Trước đây, việc có được Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và thuê đất trong khu công nghiệp là yếu tố khiến doanh nghiệp tự tin hơn trước rủi ro bị thu hồi đất đai. 
Tuy nhiên hiện nay sự khác biệt giữa doanh nghiệp sở hữu và không sở hữu Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giữa doanh nghiệp có địa điểm ngoài và trong khu công nghiệp là rất nhỏ. Rủi ro này chủ yếu khác nhau ở cấp địa phương. Doanh nghiệp FDI ở các tỉnh phía Nam như Đà Nẵng và Tây Ninh cảm thấy tin tưởng vào sự ổn định trong sử dụng đất nhiều hơn so với các doanh nghiệp ở các địa phương khác.
Về bất ổn chính sách, các doanh nghiệp FDI cho biết có thể dự báo thay đổi chính sách ở Việt Nam tốt hơn tất cả các quốc gia cạnh tranh. Điểm xếp hạng tiêu chí này đã được cải thiện theo thời gian. Năm ngoái, khả năng dự báo chính sách ở Việt Nam thấp hơn ở Malaysia và Indonesia. Tuy nhiên năm nay, có lẽ vì các sự kiện chính trị xảy ra ở hai nước này mà các nhà đầu tư cho biết rằng họ chắc chắn về quá trình hoạch định chính sách ở Việt Nam hơn. 
Một khía cạnh khác mà Việt Nam cũng được đánh giá cao hơn các nước trong khu vực là khả năng ảnh hưởng chính sách. Theo đó, doanh nghiệp FDI đánh giá rằng tại Việt Nam họ có mức độ ảnh hưởng tới chính sách cao, thông qua việc cùng nhau liên kết để tham gia tác động vào quá trình xây dựng và sửa đổi chính sách và pháp luật nhằm cải thiện hoạt động kinh doanh của họ.
Một kênh tác động khác mà họ thường áp dụng đó là thông qua chính quyền tỉnh để thay đổi chính sách. Các kênh này ở mỗi địa phương lại có hiệu quả khác nhau. Nhà đầu tư nước ngoài ở Đà Nẵng, Bắc Giang đánh giá lãnh đạo địa phương rất năng động trong giải quyết vướng mắc cho doanh nghiệp, tuy nhiên doanh nghiệp ở các tỉnh khác thì không có cùng kết quả như vậy.
Một xu thế đáng lưu ý đó là hiệu quả của chiến lược tiếp cận chính quyền tỉnh có chiều hướng giảm. Nhà đầu tư cho biết lãnh đạo tỉnh có xu hướng ngần ngại trong việc ra quyết sách độc lập và có tâm lý chờ đợi vào quyết định ở cấp trung ương. Điểm thú vị là sự thay đổi này dường như trùng với sự gia tăng ưu ái cho DNNN trong các quyết sách của tỉnh.
Điểm yếu về chi phí không chính thức
Tuy nhiên, báo cáo của VCCI cũng ra điểm yếu của Việt Nam. Theo đó, các doanh nghiệp FDI đều chia sẻ chung cảm nhận là môi trường kinh doanh của Việt Nam đang kém hấp dẫn hơn các quốc gia cạnh tranh về chi phí không chính thức, gánh nặng quy định, chất lượng dịch vụ hành chính công (giáo dục, y tế) và chất lượng của cơ sở hạ tầng.
Cụ thể, về chi phí không chính thức: cảm nhận của nhà đầu tư nước ngoài về vấn đề chi phí không chính thức ngày càng có chiều hướng đáng lo ngại bất chấp những nỗ lực của nhà nước trong công tác phòng chống tham nhũng. 
Doanh nghiệp cho biết tình trạng và tần suất chi trả chi phí không chính thức trong mọi hoạt động từ xin giấy phép đầu tư đến quá trình đấu thầu, làm thủ tục xuất nhập khẩu tại cảng và giải quyết tranh chấp ở tòa án ngày càng tăng, và bày tỏ sự quan ngại về hiệu quả hoạt động kinh doanh tại của mình tại Việt Nam. 
Trường hợp ngoại lệ so với xu thế trên cả nước là Bình Dương. Đây là địa phương mà nhà đầu tư ghi nhận có tần suất bị yêu cầu chi trả chi phí không chính thức và quy mô khoản chi phí này thấp hơn. Đáng chú ý nhất, tỷ lệ doanh nghiệp FDI ở Bình Dương (50%) cho biết họ gặp bất lợi khi từ chối chi trả chi phí không chính thức thấp hơn nhiều so với mức trung bình cả nước (89%).
Chất lượng cơ sở hạ tầng và dịch vụ công yếu kém cũng là điểm yếu hiện nay của Việt Nam. Trừ lĩnh vực viễn thông, mức độ hài lòng của các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam về chất lượng cơ sở hạ tầng đều sụt giảm, chỉ ngang bằng với các nước láng giềng như Lào và Cam-pu-chia. 
Mức giảm lớn nhất được ghi nhận đối với các tuyến đường bộ, đường sắt, đường nối giữa đường bộ và đường sắt, và công tác xử lý chất thải. Tỉnh duy nhất nằm ngoài xu hướng này là Đà Nẵng với xếp hạng cao hơn đáng kể so với các tỉnh còn lại. 
Đồng thời, báo cáo của VCCI cũng cho rằng, Việt Nam cần phải nỗ lực hơn rất nhiều để tăng cường tính minh bạch trong hoạch định chính sách. Mặc dù điểm số tính minh bạch cải thiện theo thời gian, song không có những cải cách đột phá. 
Duyên Duyên
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
16 phút trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Việt Nam 'đánh bại' Trung Quốc, Thái Lan về thu hút đầu tư ngoại