Trong gần 15 năm qua, mức sinh thay thế trung bình của các cặp vợ chồng ở Việt Nam luôn ở mức bền vững, khoảng 2 con. Đây là mức sinh thay thế lý tưởng, giúp kìm hãm tốc độ tăng dân số, chất lượng giáo dục tốt hơn, trình độ dân trí cao hơn... Tuy nhiên, điều này vô hình trung tạo ra một nghịch lý gây mất cân bằng giới tính sau sinh, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế, xã hội sau này.
Nữ giới học cao nhiều hơn nam giới
Theo thống kế mới nhất cho thấy, dân số Việt Nam hiện là 96,21 triệu người. Nếu như lấy cột mốc vào năm 1980, dân số Việt Nam khi ấy là 54,2 triệu người thì tốc dộ gia tăng dân số bình quân tại Việt Nam trong gần 40 năm qua là 1,77.
Tuy nhiên, chia sẻ của GS.TS Nguyễn Đình Cử -Chủ tịch Hội khoa học Viện nghiên cứu dân số, gia đình và trẻ em (IPFCS) tại buổi cung cấp nội dung về các vấn đề mới tại Nghị quyết số 21- NQ/TW vớicác phóng viên khu vực TP.HCM hôm 29.10 cho biết, dù dân số liên tục tăng nhưng trẻ em học tiểu học ngày càng giảm dần.
Cụ thể, nếu như vào năm học 1997, cả nước có 74,3 triệu dân thì có 10,3836 triệu học sinh tiểu học; năm học 1998 dân số là 76,6 triệu người thì số học sinh tiểu học giảm xuống còn 10, 2239 triệu; đến năm 2004 dân số là 82,4 triệu người thì học sinh tiểu học chỉ còn 7,7448 triệu; đến 2013 dân số là 90,5 triệu người thì học sinh tiểu học giảm xuống còn 7,4365 triệu.
“Thông thường nhiều người nghĩ dân số tăng thì học sinhsẽ tăng, nhưng do mức sinh thấp nênsố học sinh tiểu học giảm dần. Điều này giúpnâng cao chất lượng giáo dục. Nếu như năm 1992 trở về trước, trung bình mỗi căp vợ chồng ở Việt Nam có gần 4con, thì từ năm 2005 đến nay, trung bình mỗi cặp vợ chồng chỉ cókhoảng 2 con. Điều này không chỉ đảm bảo mức sinh thay thế vững chắc mà còn tạo ra chất lượng giáo dục tốt hơn”, ông Cử nói
Theo Tổng cục dân số (Bộ Y tế), hiện nay mức sinh trung bình của 1 phụ nữ ở nước ta là 2,05 trẻ. Với mức sinh thay thế bền vững này giúp chất lượng giáo dục tốt. Nếu như năm học 1997-1998 ở bậc tiểu học, cứ 31,2 học sinh có 1 giáo viên, đến năm học 2009-2010 thì 1 giáo viên chỉ có 19,5 học sinh. Khi mỗi giáo viên chỉ đảm nhận số lượng học sinh ít hơn thìchất lượng học tập của các em sẽ tốt hơn.
GS.TS Nguyễn Đình Cử cho biết, hiện nay ở cấp bật tiểu học số học sinh nữ chiếm 47%, ở cấp trung học cơ sở học sinh nữ chiếm 48,6%, ở cấp PTTH số học sinh nữ chiếm đến 53,7%, còn ở cấp đại học thì số nữ chiếm 53,3%.
"Điều này cho thấy, sốlượng phụ nữ học cao, có trình độ cao nhiều hơn nam giới. Chính mức sinh thấp, ít con, kinh tế gia đình khá lên, các gia đình đầu tư giáo dục cho cả con trai và con gái. Vì vậy tỷ lệ nữ sinh ngang bằng nam sinh và càng học lên cao hơn thì nữ học nhiều hơn nam” - GS Cử chia sẻ.
Người càng giàu càng muốn sinh contrai
Mức sinh thay thế bền vững, đang ở mức 2,05 con ở mỗi cặp vợ chồng, giúp cho người dân có điều kiện kinh tế khá giả, đầu tư cho con học tập cao hơn. Tuy nhiên, từ đây lại xảy ra một nghịch lý “làm khó” đối với ngành dân số Việt Nam, đó là tình trạng làm mất cân bằng giới tính sau sinh.
Theo GS.TS Nguyễn Đình Cử,thống kế mới nhất cho thấy trình độ học vấn của người mẹ càng cao thì tỷ số giới tính khi sinh (SRB) càng lớn. Cụ thể những người mẹ có học vấn càng cao lại càng muốn sinh con trai hơn con gái. Theo đó, ở những người mẹ chưa biết chữ có tỷ số giới tính sau sinh là 106 nam/100 nữ; người mẹ có trình độ tiểu học là 111 nam/100 nữ;người mẹ có trình độ trung học là 113 nam/100 nữ; người mẹ có trình độ cao đẳng, đại học trở lên có đến 115 nam/100 nữ.
Bên cạnh đó, việc mất cân bằng giới tính sau sinh còn chịu tác động từ việc giảm mức sinh. Vì khi mức sinh giảm, quy mô gia đình nhỏ, thu nhập bình quân đầu người tăng cao, hộ giàu có tăng cao. Tuy nhiên điều này lại tạo ra một nghịch cảnh éo le, đó là người càng giàu lại càng thích sinh con trai.
GS Cử đưa ra một dẫn chứng của Cục thống kê cho biết, những hộ gia đình nghèo nhất có tỷ số giới tính sau sinh là 107 nam/100 nữ; hộ gia đình nghèo là 110 nam/100 nữ; hộ gia đình trung bình 111,5 nam/100 nữ; hộ gia đình giàu là 113 nam/100 nữ và hộ gia đình giàu nhất là 113 nam /100 nữ.
"Chính điều này đã tạo ra sự mất cân bằng giới tính sau sinh. Điều này sẽ tạo ra nhiều hệ lụy cho xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển kinh tế, xã hội sau này. Trong đó, nam giới sẽ khó lấy vợ, hoặc không lấy vợ được; tội phạm, tệ nạn xã hội có nguy cơ gia tăng; khó khăn trên thị trường lao động; phức tạp trong đời sống và quản lý xã hội... ” GS Cử lo lắng cho biết
Hồ Quang