Đó là nhận định của Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình tại lễ khai mạc Diễn đàn quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số lần thứ 2 được tổ chức tại tỉnh Bình Dương.
Sự kiện

'Việt Nam đang là nước hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài trong phát triển lĩnh vực công nghệ số'

Hoàng Phúc 14/11/2024 14:57

Đó là nhận định của Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình tại lễ khai mạc Diễn đàn quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số lần thứ 2 được tổ chức tại tỉnh Bình Dương.

Sáng 14.11, tại tỉnh Bình Dương, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) phối hợp Ban Kinh tế Trung ương và UBND tỉnh Bình Dương tổ chức Diễn đàn quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số lần thứ 2.

Diễn đàn quốc gia về phát triển kinh tế số và xã hội số lần thứ 2 có chủ đề "Sáng tạo ứng dụng công nghệ số vào các ngành, lĩnh vực để phát triển kinh tế số và nâng cao năng suất lao động". Đây cũng là năm thứ 3 Việt Nam triển khai Chiến lược quốc gia về phát triển kinh tế số và xã hội số.

Tập trung vào các ý tưởng sáng tạo hơn là tập trung vào công nghệ số

Tại diễn đàn, Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh nâng cao năng suất lao động là mục tiêu then chốt mà Việt Nam vẫn chưa đạt được trong nhiều năm qua. Ông cho rằng việc ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số toàn diện chính là lời giải cho vấn đề này, đặc biệt là phát triển kinh tế số.

untitled-4.jpg
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu khai mạc diễn đàn

Bộ trưởng Bộ TT-TT đặt vấn đề "nếu 55 triệu người lao động Việt Nam có thể sử dụng trợ lý ảo để hỗ trợ công việc thì năng suất lao động chắc chắn sẽ được cải thiện". Khi sức mạnh trí tuệ con người được bổ sung bởi trí tuệ nhân tạo (AI), năng suất lao động và tạo ra của cải sẽ tăng đáng kể.

Bộ trưởng cũng lưu ý rằng khi ứng dụng công nghệ số, các doanh nghiệp nên tập trung vào thay đổi mục tiêu để tạo ra giá trị mới thay vì chỉ chú trọng vào công nghệ. Ông nhấn mạnh rằng chuyển đổi không chỉ là câu chuyện về công nghệ mà còn là câu chuyện về sáng tạo, trong đó sáng tạo chiếm đến 70% sự thành công.

“Tôi rất muốn nhấn mạnh điều này để chúng ta - những người ứng dụng công nghệ - hãy tập trung vào các ý tưởng sáng tạo hơn là tập trung vào công nghệ số”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Kinh tế số, xã hội số là lời giải cho phát triển bền vững và hiệu quả

Đây là nhấn mạnh của Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình tại lễ khai mạc của diễn đàn. Theo Phó thủ tướng, kinh tế số, xã hội số hiện nay là xu thế toàn cầu và cần có sự kiên trì, bản lĩnh để đi theo.

Phó thủ tướng cho biết thêm, Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ trong xếp hạng chuyển đổi số quốc tế với Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử năm 2024 tăng 15 bậc, lên thứ 71/193 quốc gia; Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu tăng 2 bậc, xếp hạng 44/133 quốc gia.

Công nghệ thông tin tiếp tục mở rộng ứng dụng trong nhiều lĩnh vực, với khoảng 51.000 doanh nghiệp công nghệ số trong cả nước, tạo ra 1,5 triệu việc làm.

Trong 9 tháng đầu năm 2024, doanh thu từ hoạt động phần mềm đạt 118 tỉ USD, tăng 17,8%, và dịch vụ số đạt 6,6 tỉ USD, tăng 9,9%. Điều này cho thấy tiềm năng và sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghệ thông tin và chuyển đổi số ở Việt Nam.

z6031306712588_20f6b6104b8864dfa3e692fe54293d09.jpg
Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình phát biểu tại buổi khai mạc diễn đàn

“Việt Nam đang là nước hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài trong phát triển lĩnh vực công nghệ số”, Phó thủ tướng chia sẻ.

Lãnh đạo Chính phủ nhận định rằng, mặc dù chuyển đổi số ở Việt Nam đã đạt được những bước tiến quan trọng, nhưng kinh tế số và hạ tầng số vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng. Đặc biệt, việc phát triển dữ liệu số vẫn tồn tại tình trạng phân tán, cục bộ và chưa tạo được sự kết nối cần thiết. Đồng thời, chất lượng dịch vụ công trực tuyến và nguồn nhân lực số cũng cần cải thiện đáng kể.

Phó thủ tướng Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh, một trong những nhiệm vụ ưu tiên là đổi mới tư duy, nhận thức đầy đủ về vai trò và vị trí của chuyển đổi số quốc gia. Ông nhấn mạnh rằng kinh tế số và xã hội số chính là động lực giúp tăng năng suất lao động và là giải pháp cho phát triển bền vững và hiệu quả.

Bình Dương đã tìm lời giải cho kinh tế số, xã hội số của tỉnh như thế nào?

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh cho biết, Bình Dương hiện là một trong những tỉnh có quy mô kinh tế lớn nhất cả nước, đứng thứ ba toàn quốc về kinh tế và có mức thu nhập bình quân đầu người cao nhất. Bình Dương đã áp dụng nhiều giải pháp chiến lược nhằm đáp ứng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và quá trình chuyển đổi số, tuy nhiên vẫn gặp nhiều thách thức liên quan đến nâng cao chất lượng tăng trưởng và năng suất lao động, cùng với các vấn đề chuyển đổi số sâu rộng.

Ông nhận định Diễn đàn quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số lần thứ 2 là cơ hội quan trọng để các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và chuyên gia cùng thảo luận về các hướng phát triển kinh tế và xã hội số.

z6031318656647_59791b65b947171378c098bafd67c164.jpg
Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hoà Bình tham quan các gian hàng triển lãm ứng dụng công nghệ số

Hiện tại, Bình Dương đã đưa 6 khu công nghiệp vào nền tảng quản trị và điều hành thông minh, tiến hành chuyển đổi số trong nhiều nhà máy nhằm thu thập dữ liệu theo thời gian thực, tự động hóa quy trình, giảm thiểu tác động đến môi trường.

Ngoài ra, tỉnh cũng đang xây dựng một Khu công nghệ thông tin tập trung và trung tâm dữ liệu để thu hút đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao như sản phẩm điện tử, vi mạch bán dẫn, IoT, trí tuệ nhân tạo, an ninh mạng.

Bình Dương kỳ vọng sẽ góp phần tạo nên vùng động lực công nghệ cao, kết nối mạnh mẽ với các tỉnh lân cận như: Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu.

“Bình Dương mong muốn được trao đổi kinh nghiệm, học hỏi những mô hình, sáng kiến hiệu quả trong việc đẩy mạnh sáng tạo các ứng dụng số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, dữ liệu số để góp phần giải quyết bài toán về nâng cao năng suất lao động, phát triển kinh tế số, xã hội số của tỉnh”, ông Minh nêu.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có cơ sở pháp lý điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo
1 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ủy ban Khoa học -Công nghệ - Môi trường (KH-CN-MT) thấy rằng Việt Nam cần phải có cơ sở pháp lý nhằm điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo (AI) để phát triển thế mạnh, hạn chế tác động bất lợi trong nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ AI.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
'Việt Nam đang là nước hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài trong phát triển lĩnh vực công nghệ số'