Các nhà đầu tư vào Việt Nam đang hoạt động cấp độ 4.0 nhưng thể chế và môi trường kinh doanh chủ yếu vẫn ở cấp 2.0. Cách lấp đầy sự chênh lệch này chính là mục tiêu chính của lộ trình thu hút FDI thế hệ mới.

Việt Nam cần có một chiến lược thu hút FDI thế hệ mới

10/07/2018, 11:58

Các nhà đầu tư vào Việt Nam đang hoạt động cấp độ 4.0 nhưng thể chế và môi trường kinh doanh chủ yếu vẫn ở cấp 2.0. Cách lấp đầy sự chênh lệch này chính là mục tiêu chính của lộ trình thu hút FDI thế hệ mới.

Tính theo tỷ lệ phần trăm GDP hay theo đầu người thì vốn FDI vào Việt Nam vượt Trung Quốc, Ấn Độ và phần lớn vượt các nước ASEAN - Ảnh chỉ mang tính minh hoạ

Thông tin về chiến lược thu hút FDI thế hệ mới được Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) thuộc nhóm Ngân hàng Thế giới đưa ra tại hội thảo giới thiệu báo cáo "Các khuyến nghị về chiến lược và định hướng thu hút đầu tư nước ngoài thế hệ mới 2020 - 2030", do IFC cùng Bộ KH-ĐT tổ chức vừa qua.

Theo báo cáo của Bộ KH-ĐT, tính đến tháng 6.2018, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký đạt 331,2 tỉ USD, vốn giải ngân lũy kế khoảng 180,7 tỉ USD. Tính theo tỷ lệ phần trăm GDP hay theo đầu người thì vốn FDI vào Việt Nam vượt Trung Quốc, Ấn Độ và phần lớn vượt các nước ASEAN.

Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Vũ Đại Thắng nhận định, thách thức Việt Nam phải đối mặt là rất đặc thù. Khi mà dòng vốn FDI đạt mức cao kỷ lục, song hiệu ứng lan tỏa và các giá trị gia tăng mà dòng vốn này mang lại còn khá hạn chế.

“Chúng tôi tin rằng các khuyến nghị được nêu sẽ đặt nền tảng cho một cách tiếp cận mới ở cấp quốc gia về FDI và góp phần vào việc đạt được các mục tiêu phát triển của đất nước", ông Thắng nói.

Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) thuộc nhóm Ngân hàng Thế giới cho rằng công tác xúc tiến đầu tư nước ngoài chưa được hiệu quả như mong muốn là do chức năng, nhiệm vụ bị phân tán mạnh giữa nhiều cơ quan, khiến Việt Nam chưa nắm bắt đầy đủ cơ hội giải quyết những thách thức của việc tham gia chuỗi giá trị toàn cầu

Từ thực tế đó, các chuyên gia của IFC khuyến nghị Việt Nam cần có một chiến lược thu hút FDI thế hệ mới, trong đó tập trung vào ngành công nghệ cao, thân thiện với môi trường và tiêu hao ít năng lượng.

Kết quả sàng lọc những ngành nghề cần chủ động ưu tiên xúc tiến đầu tư nhất và FDI mang lại nhiều giá trị gia tăng nhất trong thời gian tới được kể đến như là: Chế tạo chế biến, dịch vụ - logistics, nông nghiệp, du lịch, giáo dục - y tế.

Dù vậy, những ngành then chốt khác như dệt may, da giày, quần áo, dịch vụ gia công thuê ngoài, chế biến sơ cấp kim loại, khoáng chất vẫn sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng.

Theo nhóm này, các nhà đầu tư vào Việt Nam đang hoạt động cấp độ 4.0 nhưng thể chế và môi trường kinh doanh chủ yếu vẫn ở cấp 2.0. Lấp đầy sự chênh lệch này chính là mục tiêu chính của lộ trình thu hút FDI thế hệ mới.

Các chuyên gia cũng khuyến nghị Việt Nam nên thành lập "Cục Đầu tư nước ngoài thế hệ mới" thay thế Cục Đầu tư nước ngoài hiện tại. Theo IFC, chức năng và nhiệm vụ của Cục Đầu tư nước ngoài hiện tại bị phân tán mạnh giữa nhiều bộ, ngành.

“Chưa có tổ chức nào ở Việt Nam có đủ năng lực, kỹ năng nhân sự và thẩm quyền đầu mối để thực hiện xúc tiến đầu tư phù hợp với FDI thế hệ mới”, IFC nêu.

Theo đó, Cục Đầu tư nước ngoài thế hệ mới sẽ có đại diện đáng kể của doanh nghiệp; khả năng thu hút nhân lực có kinh nghiệm và kỹ năng từ tư nhân.

Bên cạnh đó, cần sửa đổi toàn diện khung chính sách ưu đãi hiện hành. Cả cấp trung ương và địa phương cần đổi mới tư duy từ quan điểm hào phóng, lãng phí, đua nhau ưu đãi bằng cách giảm chi phí sang quan điểm cạnh tranh dựa trên những lợi thế riêng, các tài sản chiến lược, thế mạnh của Việt Nam.

Để giải quyết các thách thức và nắm bắt các cơ hội của Cách mạng Công nghiệp 4.0, Việt Nam phải nỗ lực xây dựng môi trường kinh doanh phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp trong kỷ nguyên công nghệ số. Thay vì nỗ lực bắt kịp, quá trình tái khởi động này phải đem lại môi trường đầu tư ưu Việt cùng các trải nghiệm vận hành với các giải pháp số (trực tuyến), cạnh tranh được với các đối thủ khác trong khu vực.

Các khuyến nghị khác được nêu ra lần này còn đề cập đến việc xây dựng và triển khai một kế hoạch quốc gia về nâng cao tay nghề nhằm giúp Việt Nam đẩy nhanh được quá trình chuyển dịch từ lao động tay nghề thấp sang lao động tay nghề cao. Hiện đại hóa công tác xúc tiến đầu tư, chuyển dịch từ xúc tiến thụ động sang xúc tiến chủ động ở một số ngành ưu tiên.

Ông Kyle Kelhofer - Giám đốc Quốc gia của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) phụ trách Việt Nam, Campuchia và Lào cho biết, giải quyết được các vấn đề trên sẽ giúp Chính phủ có khả năng đón đầu và tận dụng được nhiều cơ hội hơn nữa cho Việt Nam.

Thực tế, các nhà đầu tư đã xác định rằng việc thiếu lao động có kỹ năng là một rào cản đối với tăng trưởng, trong khi việc thiếu các chuỗi cung ứng tích hợp tại địa phương, khan hiếm các nhà cung ứng trong nước có chất lượng và các chính sách hiệu quả nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp địa phương càng làm giảm năng lực cạnh tranh.

Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Vũ Đại Thắng cho biết, nội dung nghiên cứu và đề xuất của nhóm chuyên gia sẽ được bộ tiếp thu và tổng hợp vào trong báo cáo đánh giá tổng kết 30 năm của Việt Nam.

Hiện nay, Bộ KH-ĐT đang phối hợp với các bộ, ngành xây dựng báo cáo tổng kết 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài, dự kiến sẽ báo cáo Chính phủ vào tháng 10 tới.

Lam Thanh

Bài liên quan
Đà Nẵng: Khởi tố Tổng giám đốc Công ty GFDI cùng thuộc cấp về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Cơ quan CSĐT Công an TP.Đà Nẵng đã khởi tố 5 bị can là lãnh đạo và nhân viên Công ty GFDI về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Việt Nam cần có một chiến lược thu hút FDI thế hệ mới