Chiều 3.5, phiên xét xử phúc thẩm vụ án Hà Văn Thắm cùng đồng phạm tiếp tục diễn ra với phần đối đáp của đại diện VKS, vị này khẳng định bản án sơ thẩm truy tố các bị cáo là có căn cứ.
Cụ thể, về tội “Cố ý làm trái”, luật sư và các bị cáo cho rằng các bị cáo phạm tội trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn, phải áp dụng chính sách chi lãi ngoài để đảm bảo thanh khoản của ngân hàng và giữ chân khách hàng; đây là việc làm không sai, không trái quy định của ngân hàng và pháp luật.
Đối đáp lại quan điểm này, đại diện VKS cho rằng vụ án được xét xử theo các căn cứ sau: Trong thời điểm xảy ra sai phạm, có 2 văn bản là Thông tư 02 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và Chỉ thị 02 của NHNN quy định nghiêm cấm các tổ chức tín dụng (TCTD) thực hiện hành vi chi vượt trần lãi suất trái quy định của pháp luật, cảnh báo các TCTD phải thực hiện nghiêm túc các hoạt động tín dụng. Nếu vi phạm nghiêm trọng 2 văn bản trên sẽ có rủi ro rất cao.
“Các bị cáo đều được tiếp cận Thông tư 02 của NHNN nhưng vẫn thực hiện việc chi ngoài lãi suất. Như vậy, người ra quyết định và người thực hiện đều biết là sai phạm nhưng vẫn làm và việc xử lý các bị cáo là không oan”, đại diện VKS khẳng định.
Từ 2 văn bản này, VKS khẳng định có đủ căn cứ xác định việc chi lãi ngoài là vi phạm hoạt động kinh tế, hành vi chi vượt trần lãi suất, thu phí của người vay là vi phạm pháp luật. Vì vậy, việc áp dụng điều 165 BLHS là có căn cứ xác định các bị cáo phạm tội “Cố ý làm trái”.
Về việc áp dụng hình phạt cho các bị cáo phạm tội “Cố ý làm trái”, theo VKS, trong vụ án này có nhiều bị cáo được hưởng hình phạt nhẹ cho thấy bản án sơ thẩm đã xem xét vai trò của từng bị cáo để đưa ra mức hình phạt khác nhau. Ai gây hậu quả nhiềuhơn thì hình phạt nặnghơn.
Bị cáo Hà Văn Thắm tại phiên phúc thẩm- Ảnh: M.Hùng
Với tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” và tội “Tham ô”, có 4 bị cáo bị truy tố bao gồm Hà Văn Thắm, Nguyễn Xuân Sơn, Nguyễn Văn Hoàn và Nguyễn Minh Thu. Theo VKS, hành vi của 4 bị cáo xuất phát từ hành vi cố ý làm trái trong việc chi lãi ngoài và thu phí dịch vụ.
Ở nhóm tội danh này, VKS khẳng định bị cáo Sơn là người đại diện phần vốn nên truy tố tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” là hoàn toàn chính xác. Bị cáo biết số tiền OceanBank đưa cho bị cáo đều có phần tiền của PVN trong đó nên việc truy tố tội “Tham ô” là chính xác. Thời điểm này, việc truy tố là hoàn toàn có căn cứ. Các bị cáo còn lại đóng vai trò đồng phạm giúp sức.
Về số tiền liên đới bồi thường, bản án sơ thẩm xác định buộc Hà Văn Thắm, Nguyễn Xuân Sơn và Nguyễn Minh Thu phải liên đới bồi hoàn cho Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Đại Dương số tiền 990.950.515.104 đồng. Trong đó phần của từng bị cáo như sau: Hà Văn Thắm: 740.950.515.104 đồng; Nguyễn Xuân Sơn 200.000.000.000 đồng; Nguyễn Minh Thu 50.000.000.000 đồng.
VKS khẳng định đó là hậu quả của vụ án nên việc các bị cáo phải bồi thường là có cơ sở bởi các bị cáo đều tham gia vào hành vi cố ý làm trái, quy buộc là hoàn toàn có căn cứ.
Đối với tội danh“Vi phạm quy định cho vay”, VKS cho rằng khoản tiền 500 tỉ đồng được chuyển đến bà Hứa Thị Phấn nên tòa cấp sơ thẩm buộc bà Phấn phải hoàn trả là đúng pháp luật.
Đối đáp lại quan điểm của VKS, luật sư Nguyễn Công Hùng (bào chữa cho bị cáo Nguyễn Xuân Sơn) cho rằng VKS mặc nhiên thừa nhận Sơn là chủ thể tham ô bởi Nguyễn Xuân Sơn là người đại diện phần vốn góp nhưng thực chất Sơn chưa phải người đại diện phần vốn góp. Như vậy không thỏa mãn dấu hiệu của chủ thể tham ô. Việc quy buộc Nguyễn Xuân Sơn tham ô 49 tỉ đồng là lập luận rất bất lợi cho chính bị cáo.
Ngoài ra, theo luật sư Hùng, bản thân PVN cũng không khẳng định trong số tiền chi lãi ngoài có phần của PVN. Như vậy, đưa ra bản án tử hình mà không xác định chứng cứ xác lập hành vi khách quan là hết sức khủng khiếp.
Nhã Thanh
VKS sẽ có ý kiến về trách nhiệm của nguyên Phó TGĐ OceanBank Trần Thanh Quang
Nguyên TGĐ OceanBank Nguyễn Minh Thu xin chuyển tội danh
Hà Văn Thắm đề nghị tách 1576 tỉ đồng thành một vụ án khác