Thanh tra Chính phủ cho biết có 3 đơn vị tổ chức hội đồng nghiệm thu nhiều đề tài khoa học cấp cơ sở trong cùng một ngày, chưa hợp lý, dẫn đến chất lượng công tác nghiệm thu không đảm bảo.

Viện Hàn lâm KHXH: Có hội đồng nghiệm thu 18 đề tài/ngày, không đảm bảo chất lượng

Hoài Lam | 02/05/2022, 17:30

Thanh tra Chính phủ cho biết có 3 đơn vị tổ chức hội đồng nghiệm thu nhiều đề tài khoa học cấp cơ sở trong cùng một ngày, chưa hợp lý, dẫn đến chất lượng công tác nghiệm thu không đảm bảo.

Thanh tra Chính phủ vừa thông báo kết luận thanh tra công tác quản lý tài chính, tài sản công, thực hiện các dự án đầu tư, tổ chức hợp tác nghiên cứu, đào tạo, liên kết đào tạo, cấp bằng thạc sĩ, tiến sĩ của Viện Hàn lâm Khoa học và Xã hội (KHXH) Việt Nam giai đoạn 2015-2019.

10.000 m2 đất để doanh nghiệp sử dụng không hợp đồng

Đối với Viện Hàn lâm, trước năm 2017, Viện lập dự toán thu, nộp ngân sách hàng năm, trong đó số liệu của các năm lập dự toán thấp hơn ước thực hiện của năm trước. Dự toán không bao quát hết các nguồn thu tại một số đơn vị có nguồn thu từ hoạt động sự nghiệp; không lập danh mục dự toán cụ thể cho từng đơn vị; giao dự toán hoạt động khao học chung, có nội dung chưa có trong quy định nhà nước với số tiền gần 6 tỉ đồng…

Ngoài ra, có 12 đơn vị chưa sửa đổi, bổ sung quy chế chi tiêu nội bộ theo quy định của Bộ Tài chính; không công khai dự toán và quyết toán hàng năm; thực hiện thu kinh phí quản lý đề tài không đúng quy định của Luật Ngân sách Nhà nước với số tiền hơn 1 tỉ đồng.

Học viện KH-XH sử dụng nguồn ngân sách nhà nước giao để chi lương, phụ cấp cho lao động ngoài chỉ tiêu biên chế, thanh toán phụ cấp cho các chức danh không có trong quy định hơn 750 triệu đồng; chi lương, phụ cấp cho viên chức, lao động ngoài hợp đồng 1,2 tỉ đồng; kê khai thuế chưa đầy đủ…

ttcp1.jpg
Nhiều vi phạm tại Bảo tàng Dân tộc học

Cũng theo kết luận thanh tra, Bảo tàng Dân tộc học nộp không đầy đủ các loại thuế theo quy định số tiền 1,1 tỉ đồng…

Về quản lý tài sản công, Văn phòng Viện Hàn lâm không xây dựng phương án sắp xếp, xử lý các cơ sở nhà, đất được giao quản lý, dẫn đến 5 cơ sở nhà, đất chưa có phương án sắp xếp chính thức, 3 cơ sở nhà đầy chưa có phương án sắp xếp, 10 cơ sở chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và một số cơ sở tranh chấp chưa được giải quyết…

Bảo tàng Dân tộc học, Văn phòng, Nhà xuất bản KHXH cho các tổ chức, cá nhân thuê nhà, đất và liên doanh, liên kết trong thời gian dài nhưng không lập đề án sử dụng vào mục đích kinh doanh, cho thuê, không thực hiện đấu giá; Viện KH-XH vùng Trung bộ tùy tiện cho doanh nghiệp sử dụng đất (10.000 m2) không có hợp đồng…

Công tác nghiệm thu không đảm bảo

Theo báo cáo của thanh tra Chính phủ, có 3 đơn vị tổ chức hội đồng nghiệm thu nhiều đề tài khoa học cấp cơ sở trong cùng một ngày, chưa hợp lý, dẫn đến chất lượng công tác nghiệm thu không đảm bảo.

Cụ thể: Tại Viện Nghiên cứu châu Âu, chỉ một hội đồng nghiệm thu 14 đề tài vào ngày 7.12.2015, 18 đề tài vào ngày 6.12.2016, 18 đề tài vào ngày 12.12.2017, 16 đề tài vào ngày 5.12.2018, 15 đề tài vào ngày 25.11.2019.

Viện Ngôn ngữ học nghiệm thu 26 đề tài vào ngày 26.12.2016 (6 hội đồng), 13 đề tài vào ngày 17.12.2018 (2 hội đồng), 22 đề tài vào ngày 19.11.2019 (2 hội đồng); Viện Sử học nghiệm thu 7 đề tài trong buổi chiều 13.11.2019, 11 đề tài trong ngày 15.11.2019 (2 hội đồng).

Kết luận cũng nêu, các đề tài có sản phẩm cụ thể nhưng hoạt động chưa hiệu quả; bảo tàng chưa xử lý dứt điểm 5,3 nghìn USD còn dư của dự án “tác động của ti vi đối với sự thay đổi của gia đình người Thái ở Việt Nam”; nhiều đề tài, nhiệm vụ cấp cơ sở, chủ nhiệm đề tài sử dụng lại một phần hoặc nhiều nội dung của đề tài, nhiệm vụ đã được nghiên cứu trước…

Nhiều hạn chế về đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ

Giai đoạn năm 2015-2017, công tác đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ của Học viện Khoa học xã hội còn nhiều hạn chế, khuyết điểm về tuyển sinh, quy trình, chương trình và quản lý đào tạo.

Ngoài ra, quy trình đào tạo thạc sĩ thiếu quy định chi tiết về đối tượng, điều kiện dự thi, điều kiện bảo vệ luận văn, thâm niên công tác, thiếu quy định về trình độ ngoại ngữ trước khi bảo vệ luận văn; không ban hành chương trình đào tạo trình độ tiến sĩ.

Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ thiếu quy định về kinh nghiệm quản lý và thâm niên công tác theo yêu cầu của từng ngành đào tạo, không quy định cụ thể về thời gian làm việc chuyên môn. Thông báo tuyển sinh trình độ thạc sĩ không quy định về số năm kinh nghiệm tối thiểu, không có chỉ tiêu tuyển sinh từng chuyên ngành đào tạo thạc sĩ.

Mặt khác, chương trình đào tạo thạc sĩ thiếu nội dung về chuẩn đầu ra của từng chuyên ngành; còn trường hợp giảng viên hướng dẫn vượt số học viên cùng thời gian; học viên đăng ký ngành này nhưng được cấp bằng của ngành khác; giảng viên không đủ điều kiện tham gia Hội đồng chấm luận văn thạc sĩ. Một số hồ sơ học viên chương trình đào tạo còn thiếu sót.

Quy định về nội dung chương trình đào tạo chưa đầy đủ số học phần, không có các học phần lựa chọn ở trình độ tiến sĩ; chương trình đào tạo chưa thể hiện đủ số tín chỉ với người có bằng thạc sĩ và đối với người có bằng đại học; chưa tổ chức đánh giá chương trình đào tạo, chưa công khai chương trình đào tạo trên trang điện tử.

ttcp2.jpg
Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo làm rõ trách nhiệm

Đồng thời, Thanh tra Chính phủ chỉ ra một số khuyết điểm khác sau quá trình thanh tra như: Số nghiên cứu sinh quá hạn thời gian đào tạo còn nhiều; một số hồ sơ xét tuyển trình độ tiến sĩ không cho điểm phần đánh giá hồ sơ; hồ sơ học viên không có lý lịch khoa học của người hướng dẫn; có học viên không có phiếu đăng ký xét tuyển, bản sao các bài báo khoa học đã công bố; có nghiên cứu sinh đề xuất đề tài nghiên cứu không nằm trong danh mục nghiên cứu. Sổ cấp phát văn bằng còn tẩy xoá, sửa chữa, thiếu thông tin về nghiên cứu sinh.

Kiến nghị Thủ tướng làm rõ trách nhiệm

Thanh tra Chính phủ nêu rõ, trách nhiệm trong công tác đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ thuộc lãnh đạo Viện Hàn lâm phụ trách công tác đào tạo và Học viện KHXH Việt Nam thời kỳ 2015-2019.

Tổng thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của tập thể lãnh đạo Viện Hàn lâm qua các thời kỳ trong giai đoạn 2015-2019.

Thanh tra Chính phủ kiến nghị, yêu cầu Học viện KHXH bổ sung đầy đủ quy trình đào tạo; kiểm tra, làm rõ những trường hợp tẩy xoá, sửa chữa trên sổ cấp phát văn bằng, xử lý theo quy định nếu có sai phạm.

Thanh tra Chính phủ kiến nghị Viện Hàn Lâm chấm dứt việc giao dự toán các nội dung chưa có trong quy định của Nhà nước. Thu hồi số tiền gần 6 tỉ đồng của 10 đơn vị trực thuộc đã chi không có trong quy định; số tiền 750 triệu đồng chi phụ cấp, số tiền hơn 1,2 tỉ đồng cho lương lao động hợp đồng của Học viện KHXH; số tiền hơn 655 triệu đồng chi trả lương của Viện Kinh tế; số tiền đã chi cho 7 nhiệm vụ thuộc chức năng nhiệm vụ thường xuyên được phê duyệt dưới dạng đề tài khoa học; số tiền đã chi cho Hội đồng nghiệm thu cấp cơ sở của 37 đề tài cấp Bộ, do chưa tổ chức nghiệp thu nhưng vẫn thanh toán theo quy định tại Thông tư liên tịch số 55 của Bộ Tài chính và Bộ Khoa học và Công nghệ.

Đồng thời, chỉ đạo Học viện KHXH nộp ngân sách nhà nước số tiền thuế thu nhập doanh nghiệp gần 2 tỉ đồng; điều chỉnh sang nguồn thu sự nghiệp số tiền hơn 1,2 tỉ đồng (lãi tiền gửi ngân hàng); trích bổ sung quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp số tiền hơn 7,7 tỉ đồng.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
7 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Viện Hàn lâm KHXH: Có hội đồng nghiệm thu 18 đề tài/ngày, không đảm bảo chất lượng