Trùng tu cục bộ hoặc hạ giải toàn bộ nhà thờ là hai phương án được Viện Bảo tồn di tích đề xuất sau khi khảo sát hiện trạng di tích.

Viện Bảo tồn di tích đề xuất hai phương án tu sửa nhà thờ Bùi Chu

bai cao | 26/06/2019, 08:38

Trùng tu cục bộ hoặc hạ giải toàn bộ nhà thờ là hai phương án được Viện Bảo tồn di tích đề xuất sau khi khảo sát hiện trạng di tích.

Ngày 25.6, tiến sĩ, kiến trúc sư Hoàng Đạo Cương (Viện trưởng Bảo tồn di tích) cho biết đã gửi báo cáo đề xuất phương án trùng tu nhà thờ Bùi Chu đến Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch.

"Đây là báo cáo dựa trên các căn cứ khoa học là hồ sơ di tích, kết quả khảo sát nhà thờ và ý kiến các bên liên quan", ông Cương nói.

Viện Bảo tồn di tích nhấn mạnh, yếu tố ưu tiên hàng đầu khi xem xét bảo tồn nhà thờ Bùi Chu là phải đảm bảo an toàn cho các giáo dân khi hành lễ. Đồng thời, Viện cho rằng, các ý kiến đề xuất xây nhà thờ mới để sử dụng bên cạnh nhà thờ cũ giữ lại chỉ với mục đích bảo tồn là "việc làm vừa gây tốn kém, vừa không phù hợp với thực tế văn hoá, xã hội".

"Phương án bảo tồn nhà thờ Bùi Chu phải phù hợp với thực tế và có tính khả thi. Cần tính đến những nguồn lực rất lớn của giáo dân đã bỏ ra trong việc chuẩn bị và thi công một phần công trình. Đây hiển nhiên là nguồn vật chất không thể lãng phí", báo cáo nêu.

Từ cách tiếp cận trên, Viện Bảo tồn di tích đề xuất hai phương án bảo tồn nhà thờ Bùi Chu.

Đầu tiên là trùng tu cục bộ theo nguyên trạngnhằm giữ nguyên quy mô và cấu trúc công trình. Mái ngói nhà thờ được hạ giải, tận dụng tối đa những viên còn tốt để tái sử dụng; phần hư hỏng được thay bằng những viên ngói phục chế theo kích thước cũ; phục hồi lại bờ nóc trên mái nhà theo ảnh chụp năm 1950.

Khung gỗ nhà thờ được hạ giải từng phần; thay những cấu kiện gỗ hư hỏng hoàn toàn bằng gỗ mới cùng chủng loại; các cột chống đỡ được gia cố.

Với những đoạn tường nứt, Viện đề xuất dỡ bỏ để gia cố và phục hồi bằng vật liệu truyền thống là gạch thất và vữa vôi. Móng nhà thờ, những đoạn tường bị nghiêng, tháp chuông sẽ tu sửa bằng kỹ thuật hiện đại.

Bức tượng chúa Giêsu trên đỉnh nhà thờ cũ dự kiến sẽ được đưa sang vị trí tương tự ở nhà thờ mới. Ảnh:Giang Huy

Các chi tiết hoa văn, đồ thờ tự, gạch lát nền... đều được đề xuất phục chế, sửa chữa như cũ.

Bên cạnh ưu điểm là "bảo tồn được tối đa các dấu tích của công trình", báo cáo chỉ rõ, phương án trên không bền vững, thường xuyên phải sửa chữa hàng năm. Việc trùng tu cục bộ còn gây tốn kém và lãng phí của cải vật chất đối với những phần mộc đã được giáo phận chuẩn bị xong.

Vì vậy, Viện đề xuất thêm phương án thứ hai là trùng tu triệt để, hạ giải toàn bộ nhà thờ đến tận nền móng cũ.

Hệ thống nền móng sẽ được làm mới với công nghệ và kỹ thuật tiên tiến, đảm bảo thời gian tồn tại lâu dài, ổn định. Mặt bằng nhà thờ mới vẫn lấy theo cấu trúc, quy mô, kích thước cũ để công trình mới không gây cảm giác xa lạ, khác biệt so với nhà thờ cũ.

Bộ khung gỗ chịu lực được thay mới nhưng làm theo cấu trúc cũ, kế thừa độ tinh xảo, thẩm mỹ truyền thống. Các chi tiết như hoa văn, cửa, vòm, mái ngói, gạch lát nền... đều được làm lại giống nhà thờ cũ. Viện cũng đề xuất quét vôi vàng như hiện nay.

Các chân cột gỗ, hoa văn kim loại đúc... được khuyến nghị giữ lại tối đa. "Đặc biệt lưu ý bảo tồn nguyên vẹn khu mộ của các linh mục; phục chế các đồ thờ sơn thếp; bảo quản tấm bia Thành Thái và hai chuông đồng", báo cáo đề xuất.

Phương án này được nhận định có nhiều ưu điểm như đảm bảo nhà thờ bền vững, ổn định lâu dài nhưng vẫn bảo tồn được đặc điểm cơ bản và những giá trị cốt lõi đặc trưng; đáp ứng nguyện vọng của cộng đồng giáo dân; có tính khả thi cao, kinh phí hợp lý, tránh lãng phí.

Với cả hai phương án, Viện Bảo tồn di tích đều khuyến nghị giáo phận Bùi Chu nên lựa chọn đơn vị có chuyên môn và tham vấn các chuyên gia để có phương án bảo tồn nhà thờ tốt nhất.

Trước đó đầu tháng 5.2019, hay tin giáo phận Bùi Chu sẽ hạ giải nhà thờ vào ngày 13.5, nhóm25 kiến trúc sư đã gửi đơnđến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Phạm Đình Nghị đề nghị can thiệp giữ lại nhà thờ.

Ngày 10.5, linh mục Giuse Nguyễn Đức Giang, Tổng đại diện, Trưởng ban xây dựng nhà thờ chính tòa Bùi Chu ký thông báo hoãn việc hạ giải nhà thờ chính tòa. Tuy nhiên, giáo phận chưa bàn phương án xây dựng nhà thờ mới ra sao hoặc bảo tồn nhà thờ cũ thế nào.

Nhà thờ chính toà Bùi Chu được xây dựng từ năm 1884 bởi giám mục người Tây Ban Nha Wenceslao Onate Thuận, đã qua hai lần trùng tu vào năm 1974 và 2000. Hiện nhiều chỗ bên trong nhà thờ đã xuống cấp. Ở bên ngoài, mỗi khi trời mưa, một bên nhà thờ lại bị ngập nước.

Nhiều giáo dân địa phương cho biết, mỗi khi đến nhà thờ cầu nguyện, hành lễ, họ thường lo lắng bởi vật liệu có thể rơi xuống, gây nguy hiểm cho mọi người.

Với diện tích nhỏ (khoảng 1.350 km2) nhưng giáo phận Bùi Chu có tới hơn 412.000 giáo dân.

Viết Tuân

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có cơ sở pháp lý điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo
2 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ủy ban Khoa học -Công nghệ - Môi trường (KH-CN-MT) thấy rằng Việt Nam cần phải có cơ sở pháp lý nhằm điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo (AI) để phát triển thế mạnh, hạn chế tác động bất lợi trong nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ AI.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Viện Bảo tồn di tích đề xuất hai phương án tu sửa nhà thờ Bùi Chu