Trong tâm thức người Việt Nam, hổ hiện thân cho sức mạnh, sự dũng cảm, ý chí bản lĩnh… Cũng vì nhiều lẽ đó mà xưa giờ trong lịch sử người Việt có không ít danh nhân mang tên Hổ.

Vị tướng Hổ giúp 3 triều đại ổn định độc lập, chống giặc phương Bắc

Anh Tú | 03/02/2022, 10:20

Trong tâm thức người Việt Nam, hổ hiện thân cho sức mạnh, sự dũng cảm, ý chí bản lĩnh… Cũng vì nhiều lẽ đó mà xưa giờ trong lịch sử người Việt có không ít danh nhân mang tên Hổ.

Nổi bật trong số đó phải kể đến tướng Phạm Bạch Hổ, người có công rất lớn trong thời kỳ đất nước bắt đầu thời tự chủ. Lịch sử ghi công ông giúp 2 triều đại ổn định nền độc lập trước phương Bắc còn theo truyền thuyết, dã sử thì ông phò đến ba đời.

Giúp Ngô Quyền đánh tan Nam Hán

Theo truyền thuyết, mẹ ông nằm mộng thấy Sơn Tinh và Hổ trắng mà có mang nên đặt tên ông là Bạch Hổ. Lớn lên Bạch Hổ có thân hình vạm vỡ, mạnh mẽ như hổ, thông minh hơn người, văn võ song toàn.

Phạm Bạch Hổ sinh năm 910 từng làm hào trưởng đất Đằng Châu, theo giúp Dương Đình Nghệ. Năm Tân Mão 931, ông giúp chủ tướng đánh đuổi Lý Tiến, thứ sử Giao Châu của nước Nam Hán và sau đó đánh bại Trần Bảo do Lưu Nghiễm cử sang cứu viện.

Khi Kiều Công Tiễn giết chết chủ tướng Dương Đình Nghệ, đoạt chức rồi cầu cứu quân Nam Hán sang xâm lược. Khi Ngô Quyền mang quân từ Châu Ái ra Bắc đóng ở miền Lương Xâm đón đánh quân Nam Hán, Phạm Bạch Hổ đã góp công lớn cùng chủ tướng Ngô Quyền trong chiến thắng Bạch Đằng lịch sử năm Mậu Tuất (938), đánh tan quân Nam Hán, mở ra thời kỳ độc lập của dân tộc sau gần 1.000 năm Bắc thuộc.

Diệt xong quân Nam Hán, Ngô Quyền xưng vương đóng đô ở thành Cổ Loa. Phạm Bạch Hổ lui giữ ở Đằng Châu, phòng thủ bờ biến để phòng quân giặc từ biển đánh vào.

Ngoài việc tổ chức trận địa phòng ngự, tổ chức luyện các phương án tác chiến, tiễu trừ giặc cướp, bảo vệ trật tự an ninh cho vùng sung yêu này, ông còn giúp dân khai hoang lập ấp, mở rộng đồng ruộng khiến dân được no ấm.

Do sinh ra và lớn lên trong một gia đình làm nghề thương nghiệp nên ông hiểu rõ vai trò của thủ công nghiệp, thương nghiệp trong việc làm cho dân giàu nước mạnh, vì vậy ông hết sức khuyến khích phát triển thương nghiệp. Xích Đằng và cả phố Hiến sớm trở thành nơi buôn bán sầm uất trên bến dưới thuyền.

Năm Giáp Thìn (944), Ngô Quyền mất, Dương Tam Kha là em vợ Ngô Quyền cướp ngôi vua. Ngô Xương Ngập bị gian thần hãm hại phải trốn tại nhà Phạm Lệnh Công (cha của Phạm Bạch Hổ) ở Trà Hương. 

Phạm Bạch Hổ có con gái (có nguồn nói là em gái) là Phạm Thị Ngọc Duyên được gả cho Ngô Xương Ngập, hai người sau sinh ra Ngô Xương Xí.

Phạm Bạch Hổ, Đỗ Cảnh Thạc lật đổ Dương Tam Kha, đưa Ngô Xương Ngập và Ngô Xương Văn lên ngôi vua gọi là Hậu Ngô Vương.

Năm 945, Hậu Ngô Vương phong Phạm Bạch Hổ làm Phòng Ất ra trấn giữ mặt biển ở vùng Hải Đông, sau đó ông lại về Đằng Châu xây dựng trúc thành làm lị sở.

Giúp Đinh Tiên Hoàng thống nhất đất nước

Năm 967, Hậu Ngô Vương mất, các hào kiệt nổi lên cát cứ từng vùng, Phạm Bạch Hổ chiếm giữ Đằng Châu, là một trong 12 sứ quân. Ông từng có nhiều trận đánh với tướng Nguyễn Bặc của Đinh Bộ Lĩnh. Theo thần phả, thần tích các làng thờ Lê Hoàn ở làng Đô Kỳ (Đông Đô), làng Bái (xã Minh Tân) cũng ở Thái Bình thì Lê Hoàn khi còn là tướng của Đinh Tiên Hoàng đã từng đánh nhau với quân của Phạm Bạch Hổ ở đây. Điều đó thể hiện ông là một sứ quân có thực lực.

Năm 968, Vạn Thắng Vương Đinh Bộ Lĩnh được sử quân Trần Lãm giao toàn bộ binh quyền, đã lần lượt chinh phục các sứ quân. Phạm Bạch Hổ đem quân quy thuận, được phong là Thân vệ Đại tướng quân.

Việc một sứ quân có uy vọng như Phạm Bạch Hổ, lại từng là ngoại thích (thân thích của hoàng hậu) về trướng Đinh Tiên Hoàng giúp cho quá trình thống nhất đất nước được thúc đẩy nhanh hơn. So với 2 tướng cũ nhà Ngô khác là Kiều Công Hãn và Đỗ Cảnh Thạc vẫn kiên quyết chống cự ngay cả khi các hậu duệ nhà Ngô đã hàng phục và về với nhà Đinh, có thể Phạm Bạch Hổ là người ít có tham vọng bá vương hơn nhưng có con mắt tinh đời, biết nhìn nhận thời thế nên thoát khỏi cảnh binh đao, chết chóc.

Sách Những nhân vật lịch sử thời Đinh Lê viết Phạm Bạch Hổ mất tại quê nhà, thọ 62 tuổi. Đinh Tiên Hoàng đã sắc cho nhân dân lập đền thờ, các triều đại đều phong tặng ông là: "Khai thiên hộ quốc tối linh thần".

Giúp Lê Đại Hành phá Tống?

Gia phả họ Phạm cho biết ông mất năm 982 thọ đến 82 tuổi. Thậm chí, khi 79 tuổi, ông còn tham gia đánh giặc Tống trên sông Bạch Đằng. Khi đó, Lê Hoàn lo ông tuổi cao khó nhọc. Phạm Bạch Hổ khắng khái đáp: “Thần lúc tráng niên theo Tiền Ngô vương đánh giặc Nam Hán có chút công lao, nay tuy tuổi ngót 80 nhưng mỗi bữa còn ăn hết vài đấu gạo, rong ruổi trên mình ngựa cả ngày không mệt, gân sức còn mạnh, há sợ gì quân Bắc Tống…”

Vua Lê khen ông là người dũng khí, phong ông là Đô Liễu tướng quân, mang quân bản bộ ra đóng ở Thiên Bản trị liệu việc quân.

Tháng 3 năm 981, Lê Đại Hành đại thắng quân Tống ở Lạng Sơn, sông Bạch Đằng và cửa Hàm Tử. Đất nước thanh bình, Phạm Bạch Hổ lại đưa quân về đón Đằng Châu.

den-may.jpg

Năm Quý Mùi (983), tướng quân Phạm Bạch Hổ tạ thế tại Đăng Châu. Vua Lê Đại Hành phong ông là Đằng vương còn có nghĩa là Mây, nên dân gian gọi ông là vua Mây, lập đền thờ ông ở quân doanh và tôn ông làm Bản Cảnh thành hoàng.

Thực ra thuyết này có nhiều mâu thuẫn về thời gian vì Phạm Bạch Hổ sinh 910 nên khi Lê Hoàn phá Tống vào năm 981 thì ông mới chỉ 71 tuổi.

Thác làm thần thiêng

Ở đồng bằng Bắc Bộ có 70 nơi thờ ông như các đền Thị Liễu, Đỗ Liễu, Thị Châu, Kinh Lũng ở Hà Nam và Nam Định. Đền Kinh Lũng ở Hà Nam được vua Lê Đại Hành phong bảy chữ: "Sinh vi anh dã, tử vi thần".

Tương truyền thần rất linh thiêng. Theo sách "Việt điện u linh" và "Lĩnh Nam chích quái" chép: Khi Khai Minh Vương Lê Long Đĩnh chưa làm vua, có thực ấp ở Đằng Châu, một hôm bơi thuyền ở khúc sông trước cửa đền Đằng Châu, bỗng gặp mây kéo đến, gió thổi mạnh, trời tối đen. Khai Minh Vương tìm nơi đỗ thuyền để trú ẩn. liền hỏi người làng rằng: "Đây là đền thờ thần gì?". Có người thưa rằng: "Đây là đền thờ thần Thổ địa". Khai Minh Vương hỏi: "Có thiêng không?”. Người đó thưa: "Đây là chỗ dựa của cả một châu. Lễ cầu mưa, tạnh đều rất linh ứng". Khai Minh Vương liền nói to lên rằng: "Thần nếu khiến được mưa gió thì nay thử khiến cho bên sông này tạnh, bên sông kia mưa. Thế mới thật là thiêng". Thần hiển linh làm cho bên này sông tạnh ráo chỉ có gió mát, trong khi đó bên kia sông vẫn mưa như trút nước. Khai Minh Vương không bị ướt áo lấy làm lạ mới sai sửa chữa đền.

Khi Lý Công có đến đền xin thần báo mộng. Thân nhân đọc:

Yếu thẳng khắc thắng

Yếu thành khắc thành

Phương dân giai thuận phục

Bang gia hưởng thái bình

Ngũ niên trung lạc nghiệp

Thất miếu tự an ninh..

Dịch:

Muốn thắng được thắng

Muốn thành được thành

Muôn dân đều thuận phục

Đất nước hưởng thái bình

Năm năm giữ cơ nghiệp

Bảy miếu được yên lành…

Lý Công Uẩn sau khi lên ngôi vua, phong cho thần là: "Khai thiên trấn quốc, thành hoàng Đại vương".

Vua Lý Thái Tổ (miếu hiệu của Lý Công Uẩn) đi đánh Chiêm Thành lần thứ hai qua đên Đăng Châu cầu thần âm phù thắng trận, Thần báo mộng hóa ra con chim đậu trên cột buồm, trời đang gió nam chuyển thành gió bắc. Đại chiến thuyền đi đến cửa Tư Dung thì từng đàn cá nổi lên trước mặt, chưa kịp phong thì một cơn giông lớn nổi lên, cát bụi bay mù trời cuốn vào trận địa, quân Chiêm tan vỡ. Khi ban sư về Thăng Long, vua Lý ban cho ghi vào từ điển vua Mây 8 chữ: "Điểu tích truyền binh, Ngư đầu hộ độ”.

Vua Lý Thái Tổ có bài thơ khen:

Giúp nước an dân tướng mãn tuyển

Lâm truyền hun đúc dựng khí thiêng

Tiếng thơm các triều đều phong tặng

Mười hai xứ cổ đệ nhất danh.

Năm Trùng Hưng thứ nhất (1285), vua Trần gia phong "Trấn quốc". Năm Trùng Hưng thứ 4 (1289) lại phong thêm hai chữ "Trung phụ"; năm Hưng Long (1314) gia phong "Tả dục".

Tương truyền đền thờ sứ quân Phạm Phòng Át ở ngoài đê, đến đêm người ta nghe thấy xe ngựa, quân lính phòng hộ, cho nên đoạn đê này tuy thấp, mà nước sông không hại được đến. Đời Lê Cung Hoàng (1522-1527) đổi dựng đền lên đê. Lúc sắp dựng xong đền, một đêm người đốc công cùng toán thợ nằm ở dưới chân để nghe mang máng tiếng mài cuốc, hình như có việc thổ mộc, sáng ngày xem thấy đền đã chuyển về phía tả đê độ ba thước.

Năm 1890, đến được trùng tu theo hình chữ tam, riêng tòa đệ tam tức tiền bái được làm lại cao rộng. Tiến sĩ Chu Mạnh Trinh làm án sát tỉnh Hưng Yên đã viết một bài thơ khắc ở đền Đằng Châu:

Đinh trước, Ngô sau việc đã qua

Đằng Châu sự nghiệp cũng phai nhòa

Ngoảnh nhìn dâu bể ngàn năm đó

Còn lại tôn nghiêm bấy chục tòa

Các triều phong tặng nêu linh ứng

Nửa dòng sông tạnh, nửa dòng mưa

Đến nay chung sức trùng tu miếu

Ban khắc bia đền nhất xứ Nam.

Tên đường

Đường Phạm Bạch Hổ ở thành phố Hưng Yên, có một con đường trục chính mang tên đường Phạm Bạch Hổ đi xuyên trung tâm thành phố.

Đường Phạm Bạch Hổ ở Phương Đình, Đan Phượng, Hà Nội nối từ tỉnh lộ 417 ra đê sông Đáy.

Đường Phạm Bạch Hổ ở thành phố Ninh Bình nối từ đường Nguyễn Công Trứ vào phường Ninh Sơn.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
6 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vị tướng Hổ giúp 3 triều đại ổn định độc lập, chống giặc phương Bắc