Cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý cán bộ, công chức có thể ra quyết định tạm đình chỉ công tác trong thời gian xem xét, xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, nếu để cán bộ, công chức đó tiếp tục làm việc có thể gây khó khăn cho việc xem xét, xử lý.

Vì sao ông Nguyễn Đức Chung bị tạm đình chỉ dù chưa bị kết luận sai phạm?

11/08/2020, 18:38

Cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý cán bộ, công chức có thể ra quyết định tạm đình chỉ công tác trong thời gian xem xét, xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, nếu để cán bộ, công chức đó tiếp tục làm việc có thể gây khó khăn cho việc xem xét, xử lý.

Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung bị đình chỉ - Ảnh: VnExpress

Tạm đình chỉ nếu để tiếp tục công tác sẽ khó khăn cho việc xử lý

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký Quyết định 1223/QĐ-TTg ngày 11.8.2020 tạm đình chỉ công tác đối với ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội.

Quyết định nêu rõ, tạm đình chỉ công tác đối với ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội để xác minh, điều tra làm rõ trách nhiệm có liên quan của ông Nguyễn Đức Chung trong một số vụ án theo quy định của pháp luật.

Thời hạn tạm đình chỉ công tác là 90 ngày, kể từ ngày ra quyết định tạm đình chỉ công tác

Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng luật sư Chính Pháp cho rằng thực tế không phải là cán bộ, công chức nào cũng thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ của mình, tuân thủ quy định pháp luật trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, công vụ.

Theo ông Cường, cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý cán bộ, công chức có thể ra quyết định tạm đình chỉ công tác trong thời gian xem xét, xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, nếu để cán bộ, công chức đó tiếp tục làm việc có thể gây khó khăn cho việc xem xét, xử lý.

Theo Luật Cán bộ, công chức 2008 thì cán bộ, công chức có thành tích trong công vụ thì được khen thưởng theo quy định của pháp luật về thi đua khen thưởng. Còn đối với cán bộ, công chức vi phạm quy định của Luật Cán bộ công chức và các quy định khác của pháp luật có liên quan thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm phải chịu hình thức kỷ luật.

Cụ thể các hình thức kỷ luật cán bộ bao gồm: Khiển trách; Cảnh cáo; Cách chức; Bãi nhiệm. Các hình thức kỷ luật công chức bao gồm: Khiển trách; Cảnh cáo; Hạ bậc lương; Giáng chức; Cách chức; Buộc thôi việc.

Việc áp dụng các hình thức kỷ luật, thẩm quyền, trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật cán bộ được thực hiện theo quy định của pháp luật, điều lệ của Đảng Cộng sản Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội và văn bản của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

Việc áp dụng các hình thức kỷ luật đối với công chức được thực hiện theo quy định tại tại Nghị định 34/2011/NĐ-CP ngày 17.5.2011 quy định về xử lý kỷ luật đối với công chức.

Theo đó các hành vi bị xử lý kỷ luật đối với công chức bao gồm: vi phạm việc thực hiện nghĩa vụ, đạo đức và văn hóa giao tiếp của công chức trong thi hành công vụ; những việc công chức không được làm quy định tại Luật Cán bộ, công chức; Vi phạm pháp luật bị Tòa án kết án bằng bản án có hiệu lực pháp luật.

Ngoài ra cũng bị xử lý nếu vi phạm quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; bình đẳng giới; phòng, chống tệ nạn mại dâm và các quy định khác của pháp luật liên quan đến công chức nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Theo Nghị định 34/2011/NĐ-CP thì đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý bị phạt tù cho hưởng án treo hoặc cải tạo không giam giữ thì bị áp dụng hình thức kỷ luật cảnh cáo; đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý bị phạt tù cho hưởng án treo hoặc cải tạo không giam giữ thì bị áp dụng hình thức kỷ luật cách chức. Công chức bị phạt tù mà không được hưởng án treo thì bị áp dụng hình thức kỷ luật buộc thôi việc.

Nguyên tắc xử lý kỷ luật là khách quan, công bằng; nghiêm minh, đúng pháp luật. Mỗi hành vi vi phạm pháp luật chỉ bị xử lý một hình thức kỷ luật. Nếu công chức có nhiều hành vi vi phạm pháp luật thì bị xử lý kỷ luật về từng hành vi vi phạm và chịu hình thức kỷ luật nặng hơn một mức so với hình thức kỷ luật áp dụng đối với hành vi vi phạm nặng nhất, trừ trường hợp có hành vi vi phạm phải xử lý kỷ luật bằng hình thức buộc thôi việc.

Tạm đình chỉ 90 ngày là… trường hợp đặc biệt

Thời hiệu xử lý kỷ luật là 2 năm đối với hành vi vi phạm ít nghiêm trọng đến mức phải kỷ luật bằng hình thức khiển trách; 5 năm đối với hành vi vi phạm không thuộc trường hợp trên.

Đối với các hành vi vi phạm sau đây thì không áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật: Cán bộ, công chức là đảng viên có hành vi vi phạm đến mức phải kỷ luật bằng hình thức khai trừ; Có hành vi vi phạm quy định về công tác bảo vệ chính trị nội bộ; Có hành vi xâm hại đến lợi ích quốc gia trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối ngoại; Sử dụng văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận, xác nhận giả hoặc không hợp pháp.

Thời hạn xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức là khoảng thời gian từ khi phát hiện hành vi vi phạm kỷ luật của cán bộ, công chức đến khi có quyết định xử lý kỷ luật của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Thời hạn xử lý kỷ luật không quá 90 ngày; trường hợp vụ việc có tình tiết phức tạp cần có thời gian thanh tra, kiểm tra để xác minh làm rõ thêm thì thời hạn xử lý kỷ luật có thể kéo dài nhưng không quá 150 ngày.

Trường hợp cá nhân đã bị khởi tố, truy tố hoặc đã có quyết định đưa ra xét xử theo thủ tục tố tụng hình sự nhưng sau đó có quyết định đình chỉ điều tra hoặc đình chỉ vụ án mà hành vi vi phạm có dấu hiệu vi phạm kỷ luật thì bị xem xét xử lý kỷ luật. Thời gian điều tra, truy tố, xét xử theo thủ tục tố tụng hình sự không được tính vào thời hạn xử lý kỷ luật.

Cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý cán bộ, công chức có thể ra quyết định tạm đình chỉ công tác trong thời gian xem xét, xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, nếu để cán bộ, công chức đó tiếp tục làm việc có thể gây khó khăn cho việc xem xét, xử lý.

Thời hạn tạm đình chỉ công tác không quá 15 ngày, trường hợp cần thiết có thể kéo dài thêm nhưng tối đa không quá 15 ngày; nếu cán bộ, công chức bị tạm giữ, tạm giam để phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử thì thời gian tạm giữ, tạm giam được tính là thời gian nghỉ việc có lý do; hết thời hạn tạm đình chỉ công tác nếu cán bộ, công chức không bị xử lý kỷ luật thì được tiếp tục bố trí làm việc ở vị trí cũ.

Trong thời gian bị tạm đình chỉ công tác hoặc bị tạm giữ, tạm giam để phục vụ cho công tác điều tra, truy tố, xét xử, cán bộ, công chức được hưởng lương theo quy định của Chính phủ.

Ngoài ra, trong một vài trường hợp đặc biệt ví dụ như tham nhũng hối lộ thì thời hạn tạm đình chỉ công tác cán bộ công chức có thể tối đa 90 ngày theo quy định tại Điều 47 Nghị định 59/2019/NĐ-CP ngày 1.7.2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hàn luật phòng chống tham nhũng.

Cụ thể: Thời hạn tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển vị trí công tác khác là 90 ngày, kể từ ngày ra quyết định tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển vị trí công tác khác.

Trí Lâm

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
7 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vì sao ông Nguyễn Đức Chung bị tạm đình chỉ dù chưa bị kết luận sai phạm?