Màu sắc độc đáo, quy trình chế tác công phu là yếu tố giúp loài ngọc đến từ hòn đảo nước Pháp Tahiti chinh phục giới thượng lưu sành điệu.

Vì sao ngọc trai Tahiti trăm nghìn đô được giới thượng lưu săn lùng?

Một Thế Giới | 06/11/2015, 10:56

Màu sắc độc đáo, quy trình chế tác công phu là yếu tố giúp loài ngọc đến từ hòn đảo nước Pháp Tahiti chinh phục giới thượng lưu sành điệu.

Từ xưa đến nay, ngọc trai là dòng trang sức được những biểu tượng thời trang thế giới lựa chọn để tôn đẳng cấp. Những tên tuổi nổi tiếng như cựu Đệ nhất Phu nhân Mỹ Jacqueline Kennedy, huyền thoại Audrey Hepburnvà Elizabeth Taylor, công nương Diana hay nhà thiết kế Coco Chanel luôn gắn liền hình ảnh với những chuỗi ngọc trai.

Xuất hiện trên thị trường trang sức từ những năm 1970, ngọc trai Tahiti nhanh chóng tạo tiếng vang. Chúng có nguồn gốc từ quần đảo Polynesia (Pháp) ở khu vực nam Thái Bình Dương. Đây là một trong số ít địa điểm trên thế giới có thể sản xuất loại ngọc trai "cực phẩm" (tốt không gì sánh bằng) dùng làm trang sức cao cấp. 

Vi sao ngoc trai Tahiti tram nghin do duoc gioi thuong luu  san lung -hinh-anh-1
 
Ngọc trai Tahiti được liệt vào danh sách những dòng trang sức cao cấp mang vẻ đẹp kinh điển.

Hình thành tự nhiên, quý hiếm, màu sắc lạ, quy trình chế tạo tỉ mỉ khiến ngọc trai Tahiti đắt giá, được giới thượng lưu thế giới săn lùng.

Ngọc trai Tahiti là những viên ngọc nước mặn được nuôi dưỡng tự nhiên trong vỏ trân châu của loài sò (hàu) Pinctada margaritifera cumnigi. Quá trình 5 năm nuôi cấy diễn ra theo cách: phần nhân làm từ mảnh vỏ trai được đánh bóng cùng mô nhỏ của con trai khác, rồi cấy vào cơ quan sinh dục của trai để tạo ngọc. 

Sau khoảng 2-3 năm, viên ngọc sẽ có đường kính từ 8-14 mm với độ dày xà cừ (thành phần ngọc trai) từ 1-2 mm. Những viên ngọc lớn có đường kính từ 16-18 mm.

Để đảm bảo chất lượng, Tahiti ban bố quy định nghiêm ngặt về độ dày lớp ngọc. Một viên ngọc đủ tiêu chuẩn xuất khẩu phải có độ dày xà cừ tối thiểu 0,8 mm, nếu không sẽ không đảm bảo độ bền của sản phẩm.

Giá trị của viên ngọc phụ thuộc vào kích thước. Ngọc được xếp loại A khi đường kính lớn hơn 18 mm, bất kể màu sắc. Viên ngọc trai đen đạt đường kính lớn nhất từng đo được là 21 mm, trong khi ngọc trai baroque (hình cầu) có đường kính kỷ lục là 26,9 mm. Sản phẩm này hiện được trưng bày ở bảo tàng ngọc trai của thủ phủ Papeete tại Tahiti. Giới chuyên môn cho rằng chỉ cần tăng 1 mm đường kính, giá trị của nó có thể tăng gấp đôi hay gấp ba. 

Một yếu tố nữa mang tới sức hút là sự đa dạng và độc đáo về màu sắc mà chỉ ngọc trai Tahiti có được. Với các loại ngọc nuôi cấy thông thường, người ta phải nhuộm màu hoặc xử lý viên ngọc để cho ra những sắc độ khác nhau. Còn ngọc Tahiti có được màu sắc tự nhiên và hiếm có mà không cần dùng phương pháp xử lý hay tác động nào. Điều này đến nay vẫn là điều bí ẩn. Người ta phỏng đoán màu sắc đặc biệt có được là do độ dày của lớp xà cừ khác nhau, màu của mảnh vỏ sò làm nhân, nhiệt độ và chất lượng nước biển khác biệt của đảo quốc này. 

Vi sao ngoc trai Tahiti tram nghin do duoc gioi thuong luu  san lung -hinh-anh-2
 
Quá trình chế tác ngọc trai Tahiti đòi hỏi tốn nhiều công sức và thời gian.

Mặc dù có những bảng màu ngọc cơ bản, hầu hết ngọc trai của Tahiti nổi tiếng toàn cầu bởi gam màu undertone (sắc nhạt, dịu) và overtone (màu sẫm, tối) đặc trưng mà không một vùng nuôi ngọc trai nào vượt qua được. Đó là một tổ hợp dãy quang phổ từ màu đen ánh xanh (đuôi công), xám ánh chì (than đá), xám bạc, xanh lá, xanh dương, tím hoa cà đến nâu đồng, thậm chí là những màu độc đáo như vàng xanh (hồ trăn), tím bạc (oải hương)... ánh lên sáng bóng.

Tuy nhiên, nổi tiếng nhất vẫn là dòng ngọc trai màu đen tuyền cực phẩm - loại được dùng trong hầu hết trang sức cao cấp. 95% sản lượng ngọc trai đen trên toàn thế giới được sản xuất tại đây. Màu đen huyền thoại có được là nhờ mặt trong màu đen của loài trai có môi - một loài đặc hữu chỉ sống tự nhiên tại các vịnh nước sâu thuộc quần đảo Polynesia.

Vi sao ngoc trai Tahiti tram nghin do duoc gioi thuong luu  san lung -hinh-anh-3
 Những viên ngọc trai được gắp ra khỏi vỏ.

Quá trình gian khổ lúc nuôi con trai cho đến khi thu ngọc cũng góp phần làm nên danh tiếng cho ngọc trai Tahiti. Việc nuôi cấy trong môi trường tự nhiên làm sản lượng thấp hơn bình thường do trai có sức khỏe kém và khó sống sót. Vì thế tỷ lệ tạo ngọc thấp, kéo theo khó khăn về sản xuất hàng loạt. Hơn nữa, loài này còn có tần suất đào thải vật lạ khỏi cơ thể cao hơn các loài trai khác (lên đến 50%, theo Viện Nghiên cứu Đá quý Mỹ GIA), khiến việc cấy nhân càng kỳ công. 

Một thống kê của GIA minh chứng rằng sự quý hiếm của ngọc trai đen Tahiti cao đến mức chỉ có 1-2% số ngọc thu được có hình dáng tròn đều. Đồng thời, phải khai thác trung bình 1.000 viên mới có khả năng tìm thấy tám viên ngọc tương đồng cao về màu sắc, hình dạng, kích thước để chế tác thành một đôi hoa tai.

Nhờ những yếu tố "độc quyền" không gì sánh bằng, ngọc trai đen được làng mốt và giới thượng lưu, chính khách sủng ái. Lợi nhuận kinh tế từ ngọc trai nói chung và ngọc trai đen nói riêng mang lại cho đảo quốc Tahiti lớn đến mức chỉ đứng sau ngành du lịch. Một chuỗi vòng ngọc trai Tahiti hạt 10-14 mm ngày nay có giá lên đến 30.000-40.000 USD (700- 900 triệu đồng). Trong khi một sợi dây chuyền ba vòng hạt ngọc cỡ 12-15 mm đã có giá 880.000 USD từ thập niên 1980 (khoảng 56 tỷ đồng hiện nay).

Vi sao ngoc trai Tahiti tram nghin do duoc gioi thuong luu  san lung -hinh-anh-4
 Nhiều mỹ nhân, biểu tượng thời trang thế giới sẵn sàng bỏ ra số tiền lớn để đeo những vòng ngọc trai đến từ hòn đảo nước Pháp. Từ trái qua: công chúa Đan Mạch Mary, Keira Knightley, Angelina Jolie.

Trong hàng thập kỷ qua, ngọc trai đen của Tahiti trở thành lựa chọn hàng đầu để tạo phong cách quý phái, sang trọng và huyền bí của phụ nữ. Dòng ngọc này phù hợp với mọi sắc da và vóc dáng, giúp phái đẹp tỏa sáng ở bất cứ nơi nào họ xuất hiện. Đó là lý do mà các minh tinh điện ảnh và người nổi tiếng như Angelina Jolie, Sharon Stone, Oprah Winfrey, Keira Knightley... chọn trang sức ngọc trai đen cho những lần xuất hiện trước công chúng. Tiêu biểu là "bông hồng nước Anh" Keira Knightley. Cô từng chọn đeo một chuỗi ngọc trai Tahiti dạng choker (sát cổ) khi ra mắt bộ phim Pirates of the Caribbean: The Curse of the Black Pearl năm 2003.

Không chỉ giới giải trí, giới hoàng tộc và chính khách cũng sưu tầm món trang sức này. Từ nữ hoàng Anh, hoàng hậu Hà Lan Maxima, phu nhân Obama, Kennedy cho đến công chúa Mary của Đan Mạch, công chúa Anne của Anh... đều sở hữu bộ sưu tập vòng, nhẫn, hoa tai làm từ ngọc trai đen Tahiti quý giá. 

Sao Mai/ Vnexpress

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
một giờ trước Kinh tế - đầu tư - dự án
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vì sao ngọc trai Tahiti trăm nghìn đô được giới thượng lưu săn lùng?