Sau khi đề xuất áp giá sàn từ hãng hàng không Jetstar và Vietnam Airlines được đưa ra, đã có nhiều ý kiến trái chiều từ phía dư luận cũng như giới chuyên gia.
Theo ghi nhận, hầu hết các ý kiến và quan điểm thời gian qua đều phản đối chính sách áp giá sàn của hai hãng hàng không nói trên.
Lý giải về sự phản đối này, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng ngành hàng không không thể áp giá sàn vé máy bay vì trong ngành đều là những doanh nghiệp bán. Nghĩa là các hãng hàng không như Vietnam Airlines, Jetstar Pacific hay Vietjet Air đều bán dịch vụ bay cho khách hàng. Vì vậy, mức giá cần được áp dụng trên thị trường này là giá trần, chứ không phải giá sàn.
Cụ thể, ông Long lý giải giá trần sẽ được áp dụng trong trường hợp ở đó là những doanh nghiệp bán. Luật Giá đã quy định rõ trường hợp nào nên áp giá trần. Ví dụ, thị trường xăng dầu là thị trường cần có giá trần vì Petrolimex đã chiếm tới 50% thị phần. Thị trường điện cũng là thị trường độc quyền bán. Do đó, nếu không quy định giá trần thì giá có thể sẽ bị nâng lên rất cao, các doanh nghiệp khác chạy theo sẽ gây thiệt hại cho người tiêu dùng.
Còn việc áp giá sàn thì sẽ được đưa ra trong trường hợp chỉ có một số doanh nghiệp thống lĩnh thị trường, độc quyền mua, nếu không quy định giá sàn, chẳng hạn việc doanh nghiệp thu mua nông sản của nông dân, nếu nhà nước không quy định giá sàn thì mức giá có thể bị đẩy xuống rất thấp, gây thiệt hại cho người sản xuất, người nông dân.
Bên cạnh đó, chuyên gia Ngô Trí Long cũng cho rằng đề xuất áp giá sàn trên là vi phạm luật cạnh tranh khi làm mất tính cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường, trong khi người tiêu dùng lại không có lợi, ở đây chỉ có lợi ích cho riêng doanh nghiệp.
Trong khi đó, liên quan đến vấn đề này, trao đổi với báo chí tại cuộc họp báo chiều 5.4, Thứ trưởng Bộ Giao thông-Vận tảiNguyễn Hồng Trường cho biết có 3 phương án đang được xem xét, một là giữ nguyên như hiện nay (giá sàn 0 đồng, có giá trần). Hai là tăng giá sàn lên cao hơn mức 0 đồng, bỏ trần. Ba là bỏ cả giá sàn và giá trần.
Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cũng khẳng định dù chọn phương án nào thì lợi ích của người dân cũng sẽ được đặt lên trước. Lãnh đạo Bộ cam kết sẽ đưa ra cơ chế phù hợp đảm bảo cạnh tranh và hoạt động của các hãng, giúp nâng cao chất lượng dịch vụ, giảm giá...
"Nhà nước không bảo hộ bất cứ hãng nào, kể cả Vietnam Airlines. Các hãng đã cổ phần hóa nên nhà đầu tư cũng cần minh bạch hóa", Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường nhấn mạnh.
Tuyết Nhung