Câu trả lời đơn giản vì "Đó là Hermès".
Với bí quyết nghệ nhân xuất sắc, sự chuyên nghiệp khó sánh nổi và tinh thần sáng tạo phi giới hạn, từ một hãng sản xuất yên ngựa, Hermès đã giành vị trí tối thượng trong thế giới thời trang cao cấp đầy cạnh tranh.
Khởi nguồn từ hãng sản xuất yên ngựa...
Nhắc tới Hermès là nhắc tới một công ty gia đình suốt gần 200 năm ngự trị ở đỉnh cao của ngành công nghiệp xa xỉ. Đây là thương hiệu tạo ra những sản phẩm biểu tượng từ khi ra đời, đặc biệt là hai chiếc túi "lừng danh" Hermès Birkin và Kelly.
Năm 2017, theo báo cáo kinh doanh của hãng, doanh thu hợp nhất của đế chế hàng xa xỉ này lên tới 5.549 tỷ euro, tăng 9% theo tỷ giá cố định và 7% theo tỷ giá hiện tại. Lợi nhuận hoạt động tăng 13% lên mức cao nhất từ trước tới nay, lên 1.922 tỷ euro, và lợi nhuận ròng tăng 11% lên 1.221 tỷ euro. Hermès đem lại việc làm cho khoảng 13.500 người ở 49 nước, với hơn 300 cửa hàng trên khắp thế giới.
Hermès do Thierry Hermès thành lập vào năm 1837, với sản phẩm chính là những mặt hàng thủ công cao cấp dành cho đối tượng khách hàng là giới quý tộc châu Âu.
Là người Đức nhập cư và phát triển công việc kinh doanh tại Paris (Pháp) nhưng Thierry Hermès nhanh chóng chiếm được cảm tình của khách hàng tại đây với những sản phẩm sang trọng, đặc biệt là đồ da thuộc và yên ngựa. Sản phẩm của Hermès và ông chủ Thierry nhận được nhiều lời tán dương, giải thưởng và cả những huân chương danh dự của Hiệp hội thương mại Pháp lúc bấy giờ.
Ngay từ thời điểm đó, sản phẩm yên cương và đồ da cho việc cưỡi ngựa của Hermès, được khâu hoàn toàn thủ công rất kiên nhẫn tỉ mỉ, đã chinh phục giới quý tộc Châu Âu, kể cả Hoàng đế Napoleon III và Hoàng hậu Eugienie của ông. Con trai Thierry là Charles-Émile Hermès chuyển cửa hàng tới số 24 đường Faubourg Saint-Honore ở Paris và địa điểm này trở thành trụ sở chính của Hermès từ năm 1880 cho tới nay. Vào thời điểm đó, có những lúc các lễ đăng quang của Hoàng gia Pháp bị trì hoãn cho tới khi Hermès mang đến đủ đồ cho các đoàn xe ngựa và sự chờ đợi trở thành một nét đặc sắc của hãng cho đến bây giờ.
Qua các thế hệ, sản phẩm của Hermès mở rộng dần. Năm 1918, Hermès đưa ra chiếc áo jacket đánh golf bằng da đầu tiên có khóa kéo làm theo đơn đặt hàng của Hoàng tử Xứ Wales và lần đầu tiên chiếc khóa kéo được ứng dụng, mở ra một cuộc cách mạng trong ngành thời trang.
Năm 1922, những chiếc túi da đầu tiên được đưa vào dây chuyển sản xuất. Vào những năm 1930, Hermès đưa ra những sản phẩm đi vào biên niên sử của ngành thời trang: Năm 1935 là chiếc túi da Sac à dépêches (mà sau này được đổi tên thành túi Kelly theo tên công nương Grace Kelly), và năm 1937 là những chiếc khăn lụa Hermès – và ngày nay cứ 25 giây lại có một chiếc khăn lụa Hermes được bán ra trên toàn thế giới.
Những năm 1940 chiếc vòng Collier de Chien ra đời. Năm 1949, những chiếc cà vạt lụa và nước hoa đầu tiên của Hermès được giới thiệu. Logo cỗ xe ngựa kéo và hộp đựng màu cam ra đời những năm 1950 và trở thành tiêu biểu rất dễ nhận ra ở bất kỳ đâu.
Bí quyết thành công nằm ở sự thủ công tinh xảo
Bí quyết thủ công tinh xảo là cốt lõi của Hermès kể từ khi thành lập. Những mũi khâu thủ công cho từng chiếc yên ngựa đã được ứng dụng để làm nên những chiếc túi được khao khát cho tới tận ngày nay. "Không có ai làm một chiếc túi với tận 15 giờ khâu tay" - Axel Dumas chia sẻ. "Chúng tôi có những người thợ thủ công làm việc cho công ty tới ba thế hệ, và vì thế họ truyền bí quyết từ đời này sang đời khác".
Hermès dành một sự cống hiến gần như "điên rồ" cho nghệ thuật thủ công. Những người thợ lành nghề nhất làm việc say mê trên chất liệu da hay lụa thượng hạng cũng như mọi nguyên vật liệu thượng hạng khác để tạo nên những sản phẩm tuyệt mỹ.
Axel Dumas nhắc tới một câu chuyện về sự ám ảnh chất lượng và vẻ đẹp ở nhà Hermes: Trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, giá vàng tăng đột biến, mà Hermès lại sử dụng nhiều vàng hơn nhiều so với các hãng khác để làm khóa túi của họ, nên giá vàng tăng ảnh hưởng mạnh đến giá thành sản xuất. Hermès triệu tập một cuộc họp với sự tham dự của một nghệ nhân, với lời chất vấn tại sao cần dùng nhiều vàng đến thế. Và người thợ nói: Chúng ta có thể sử dụng số lượng vàng chỉ như những người khác, không ai nhận ra sự khác biệt ấy khi mua túi. Nhưng 8 năm sau, túi Hermès sẽ có nước bóng đẹp hơn. Và vì thế mà Hermès giữ nguyên số vàng sử dụng. Cách Hermès nghĩ đến những gì xảy ra với sản phẩm trong 8 - 10 năm nữa đã tạo nên sự khác biệt, tạo nên một phần lịch sử và giá trị của Hermès.
Các bí quyết thủ công của Hermès được biến hóa kỳ ảo trong sự sáng tạo không giới hạn. Hermès có cam kết với việc khám phá chính bản thân, với sự thay đổi liên tục và điều đó duy trì sự ưa chuộng rộng rãi với thương hiệu suốt gần 2 thế kỷ.
Từ năm 1987 đến nay, mỗi năm Hermès đều đưa ra một chủ đề để truyền cảm hứng cho các nhà thiết kế và thợ thủ công tìm ra những chân trời sáng tạo mới. "Chất lượng, sản phẩm và tính sáng tạo luôn đi trước, trước mọi biện pháp marketing, điều đó đã bắt rễ từ lâu trong văn hóa làm việc của Hermès" - Christopher Lemaire, Giám đốc Nghệ thuật ngành hàng may sẵn cho nữ ở Hermès, cho biết.
Triết lý thương hiệu của Hermès có thể tóm gọn trọng một câu duy nhất như cựu CEO Jean-Louis Dumas đã nói: "Chúng tôi không có một chính sách về hình ảnh, chúng tôi có chính sách về sản phẩm".
"Nghịch lý" Hermès
Ở Hermès có những điều dường như là nghịch lý trong thế giới hiện đại nhưng chính đó lại trở thành tài sản vô giá. Đầu tiên là yếu tố con người. Vào thời đại mà người ta thay đổi công việc nhanh chóng, chuyện "nhảy việc" trong vài năm chẳng còn xa lạ, thì tại Hermès không khó để gặp những người đã làm việc trong công ty suốt nhiều thập kỷ.
Veronique Nichanian, giám đốc nghệ thuật trang phục nam vào làm ở Hermès từ năm 1988. Leila Menchari làm những cửa sổ trưng bày nổi tiếng ở Faubourg suốt hơn 35 năm. Hay những người thợ thủ công bậc thầy đã làm cho Hermès qua ba thế hệ, cùng những người thợ trẻ đủ các sắc tộc, văn hóa, tôn giáo - tất cả làm việc hòa hợp, bình yên trong ngôi nhà Hermès.
Jean-Louis Dumas, người chủ thế hệ thứ năm trong gia đình Hermès, đã định hình nguyên tắc tạo ra một không gian nhà máy hiện đại, nơi người thợ thủ công được tôn trọng để làm ra những sản phẩm tốt nhất từ chính đôi tay mình. Nguyên tắc đó được đưa vào tất cả 37 xưởng của Hermes trên thế giới, trong đó có 31 xưởng ở Pháp.
Hoặc là trong khi các sản phẩm Hermès luôn được khao khát và bán rất chạy, thay vì sản xuất ồ ạt để cung cấp cho thị trường, hãng lại có vẻ "thờ ơ, chậm chạp" với sự khao khát đó của thị trường. Trong các xưởng Hermès, mỗi người thợ làm nên những sản phẩm Hermès gần như từ đầu đến cuối, mặc dù thời gian hoàn thiện có thể lâu hơn, nhưng Hermès không thay đổi nguyên tắc đó để đảm bảo chất lượng tay nghề thủ công cũng như tính độc đáo của sản phẩm.
Ai cũng biết rằng mua một chiếc túi Birkin khó đến thế nào, phải xếp hàng lâu ra sao, nhưng Hermès không định tung ra thị trường càng nhiều túi Birkin càng tốt, càng nhanh càng tốt, với giá cao nhất có thể. Hermès làm mọi thứ một cách khác biệt và họ đã được đền đáp - chiếc Birkin còn được xem là một khoản đầu tư tốt hơn cả vàng.
Ngay cả trong cam kết với sự thay đổi, Hermès cũng có sự kiên nhẫn vô song. Veronique Nichanian cho biết, nhiều khi bà đưa ra ý tưởng, những người thợ không làm được ngay đúng ý bà, và họ thử lại, có lúc phải mất đến 2 năm cho một mẫu vải, nhưng Nichanian và đội ngũ của bà không nao núng. Điều họ quan tâm là kết quả cuối cùng ra sao.
"Tại Hermès chúng tôi không đặt vấn đề thời gian. Chúng tôi giành thời gian để làm mọi thứ thật tốt". Nichanian có thể đã tổng kết về Hermès: "Không phải vì giá đắt mà làm nên sự xa xỉ. Với tôi sự xa xỉ là sự xuất sắc và thời gian".
Nguyễn Nguyễn – Nhịp sống Kinh tế