Theo cáo trạng của Viện KSND tỉnh Sơn La, ông Hoàng Đức Tiến (Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Sơn La) là một trong 18 đối tượng (trung gian) nhận thông tin thí sinh. Tuy nhiên, trong vụ án này, ông Tiến không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo cáo trạng vừa ban hành của Viện KSND tỉnh Sơn La liên quan đến vụ bê bối điểm thi THPT năm 2018, có 18 người nhận thông tin từ người nhà các thí sinh, hoặc thông qua người khác. Đây là các đối tượng (trung gian) nhận thông tin thí sinh.
Trong đó, ông Hoàng Đức Tiến (Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Sơn La) nhận 8 thí sinh. Nguyễn Ngọc Hà (Trưởng phòng giáo dục THPT, Sở GD-ĐT tỉnh Sơn La) nhận 10 thí sinh bao gồm cả con gái. Nguyễn Minh Khoa (nguyên Phó trưởng phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Sơn La) nhận 5 thí sinh.
Ngoài những đối tượng nêu trên, trong số 18 đối tượng (trung gian) nhận thông tin thí sinh còn có những người công tác tại Sở GD-ĐT tỉnh Sơn La, một số trường THPT tại Sơn La, Hiệu trưởng trường THPT Cò Nôi (huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La)…
Trong số 18 người nêu trên, có 2 trường hợp là Nguyễn Thị Kim (Kế toán trường THPT Tô Hiệu, TP.Sơn La; nhận 1 thí sinh) và Nguyễn Thị Ngọc Thúy (Giảng viên trường Đại học Tây Bắc; nhận 1 thí sinh) không thừa nhận việc cung cấp thông tin thí sinh. Số còn lại là 16 trường hợp thừa nhận chuyển thông tin thí sinh nhưng với mục đích chỉ “nhờ xem điểm thi trước”.
Các đối tượng đều khai do xuất phát từ quan hệ bạn bè, đồng nghiệp, người thân nên đã tiếp nhận và chuyển thông tin của các thí sinh nhờ “xem điểm thi trước”, không thừa nhận được bàn bạc, hứa hẹn về vật chất với gia đình thí sinh.
Như vậy trong vụ việc này, ông Hoàng Đức Tiến (Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Sơn La) không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, cáo trạng cũng nêu rõ đối với các đối tượng trung gian có liên quan đến việc nhận thông tin thí sinh nhờ các bị can nâng điểm, Cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh Sơn La sẽ tiếp tục điều tra xác minh, làm rõ, có căn cứ thì xử lý theo quy định của pháp luật.
Nhờ “xem điểm” để kịp điều chỉnh nguyện vọng
Đối với các đối tượng là cha, mẹ hoặc người thân của 44 thí sinh, theo cáo trạng, có 27 trường hợp thừa nhận chuyển thông tin của các thí sinh nhờ “xem điểm”. Cụ thể, cáo trạng nêu rõ danh tính của các bậc phụ huynh; trong đó có Hiệu trưởng Trường tiểu học thị trấn Phù Yên, Giám đốc VNPT Sơn La, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Sơn La, Phó Chủ tịch UBND TP.Sơn La, Chánh thanh tra Sở GD-ĐT Sơn La…
Các đối tượng trên khai mục đích cung cấp thông tin thí sinh là để nhờ “xem giúp điểm thi trước” để gia đình kịp thời điều chỉnh nguyện vọng cho con vào các trường cho phù hợp; không trao đổi hứa hẹn gì về lợi ích vật chất.
Ngoài ra, còn có 15 trường hợp không thừa nhận cung cấp thông tin thí sinh cho các bị can và đối tượng trung gian gồm Cục trưởng Cục thuế Sơn La, cán bộ Phòng Giáo dục TP.Sơn La, cán bộ Trại giam Yên Hạ…
Trên cơ sở lời khai của các bị can, đối tượng trung gian và cha mẹ thí sinh, Cơ quan An ninh điều tra đã tiến hành xác minh 21/44 thí sinh; có 11 thí sinh khai đã trực tiếp liên hệ chuyển thông tin, nhưng mục đích chỉ là “nhờ xem điểm”.
Viện KSND tỉnh Sơn La quyết định truy tố 8 bị can trong vụ gian lận điểm thi tại kỳ thi THPT quốc gia 2018 với tội danh “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
8 bị can bị truy tố gồm: Trần Xuân Yến (PGĐ Sở GD-ĐT Sơn La); Nguyễn Thị Hồng Nga (chuyên viên Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng, Sở GD-ĐT Sơn La). Cầm Thị Bun Sọn (Phó phòng Chính trị tư tưởng, Sở GD-ĐT Sơn La); Lò Văn Huynh (Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục, Sở GD-ĐT Sơn La); Nguyễn Thanh Nhàn (Phó phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục, Sở GD-ĐT Sơn La).
Đặng Hữu Thủy (Phó hiệu trưởng Trường THPT Tô Hiệu); Đỗ Khắc Hưng và Đinh Hải Sơn (đều là cán bộ Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Sơn La).
Nhã Thanh
Vụ bê bối điểm thi ở Sơn La: Giá nâng điểm lên tới hàng trăm triệu đồng
Cán bộ Công an tỉnh Sơn La chủ động lấy thông tin của em vợ để nhờ nâng điểm