Phân tích của các nhà quản lý cho thấy, những nguyên nhân đẩy giá vàng trong nước và thế giới tăng cao, đồng thời Ngân hàng nhà nước (NHNN) đang có những giải pháp trước mắt cũng như lâu dài để ổn định giá vàng.
Liên quan đến biến động giá vàng trong thời gian qua, chiều 16.5, ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó giám đốc NHNN TP.HCM cho biết nguyên nhân khách quan là do xung đột địa chính trị trên thế giới đã tác động đến giá vàng thế giới trong thời gian.
Theo thống kê, giá vàng thế giới trong thời gian gần đây tăng từ 700 đến 800 USD, tốc độ tăng từ 12 đến 15%. Điều này đã tác động đến giá vàng trên thế giới nói chung và giá vàng Việt Nam nói riêng. “Đó là nguyên nhân chính đẩy giá vàng trong nước tăng cao”, ông Lệnh nhấn mạnh.
Ngoài ra, vàng cũng là một kênh đầu tư tài chính cùng với các kênh đầu tư khác như: bất động sản, chứng khoán, tiền gửi ngân hàng… “Do xung đột địa chính trị trên thế giới, tâm lý của người dân lúc này là bảo toàn vốn, nên đã chọn kênh đầu tư vàng. Điều này đã tạo áp lực lớn lên cung –cầu góp phần đẩy giá vàng lên cao”, ông Lệnh cho biết.
Trong khi đó, phân tích về nguyên nhân giá vàng liên tục tăng chóng mặt trong thời gian qua, bà Lê Thúy Hằng - Tổng giám đốc Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn SJC cho rằng do Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng không cho phép nhập vàng nguyên liệu và dập vàng miếng SJC nên cầu vượt cung quá lớn dẫn đến sự chênh lệch.
“Nghị định 24 đã thể hiện sự thành công của Chính phủ, NHNN trong việc chống vàng hóa, ổn định nền kinh tế vĩ mô nhưng chúng ta không cho phép nhập vàng nguyên liệu và dập vàng miếng SJC dẫn đến cầu vượt cung. Khi cầu vượt cung quá lớn sẽ dẫn đến chênh lệch lớn giữa cầu và cung đẩy giá vàng tăng cao. Sự thành công của Nghị định 24 đã được thể hiện, nhưng chúng ta cần thay đổi cho phù hợp với thực tế”, bà Hằng chia sẻ.
Trước tình hình trên, NHNN đã thực thi các chỉ đạo của Chính phủ cũng như các giải pháp tác động nhằm ổn định cung – cầu thị trường vàng. Một trong những giải pháp đó là NHNN đã tổ chức các phiên đấu thầu nhằm tác động đến nguồn cung thị trường vàng. Điều này góp phần ổn định thị trường và hỗ trợ tâm lý cũng như định hướng điều hành, nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường vàng, đảm bảo thị trường vàng diễn biến tích cực, không tác động đến thị trường tiền tệ, ngoại hối.
Tuy nhiên, để ổn định giá vàng trong thời gian tới, ông Lệnh cho biết NHNN có 2 giải pháp, đó là giải pháp trước mắt và giải pháp trung dài hạn.
Đối với giải pháp trước mắt, NHNN sẽ tiến hành các nhóm giải pháp gồm: đấu thầu vàng miếng nhằm tác động ổn định thị trường vàng; nâng cao năng lực quản lý, trong đó có tăng cường thanh tra, kiểm tra nhằm loại bỏ những yếu tố phi thị trường; thực hiện tốt chế độ chứng từ kế toán để đảm bảo giao dịch công khai, minh bạch và thực hiện tốt công tác truyền thông.
Ở giải pháp trung và dài hạn, NHNN sẽ đánh giá toàn diện thị trường để có những bổ sung, khắc phục những hạn chế. “Cơ chế nào cũng vậy, sau thời gian dài cũng có những chỉnh sửa, bổ sung để khắc phục”, ông Lệnh nói.