Khoảng 75% các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) cho biết họ phải cậy nhờ đến các mối quan hệ để tiếp cận thông tin. Bên cạnh đó, 54% doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ cho biết “thỏa thuận về các khoản thuế phải nộp với cán bộ thuế là công việc quan trọng trong kinh doanh”.

Vì sao doanh nghiệp nhỏ và vừa... mãi không lớn!

Trí Lâm | 31/03/2016, 15:41

Khoảng 75% các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) cho biết họ phải cậy nhờ đến các mối quan hệ để tiếp cận thông tin. Bên cạnh đó, 54% doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ cho biết “thỏa thuận về các khoản thuế phải nộp với cán bộ thuế là công việc quan trọng trong kinh doanh”.

DNNVV… mãi không lớn!

Về doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế của VCCI, các doanh nghiệp dân doanh trong nước phần lớn vẫn quẩn quanh ở thị trường nội địa. Chỉ có 3% doanh nghiệp siêu nhỏ, 4% doanh nghiệp nhỏ và gần 9% doanh nghiệp quy mô vừa có khách hàng là các cá nhân, doanh nghiệp ở nước ngoài.

Qua đó, câu hỏi đặt ra là vì sao DNNVV Việt Nam không lớn được? Giải đáp câu hỏi này, báo cáo kết quả điều tra PCI 2015 đãđưa ra một số đánh giá. Theo đó, nguyên nhân là do doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn khi mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh.

Doanh nghiệp gặp nhiều hạn chế trong nắm bắt cơ hội thị trường, khoảng 20% doanh nghiệp siêu nhỏ và 14% doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa nhận thấy những cơ hội thị trường kém hơn so với kỳ vọng ban đầu, trong khi đó con số này của các doanh nghiệp quy mô lớn chỉ là 6%.

Kết quả hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp này cũng ảm đạm, tỷ lệ các DNNVV thua lỗ tương đối cao: 32% doanh nghiệp siêu nhỏ, 17% doanh nghiệp nhỏ và 16% doanh nghiệp quy mô vừa đã mất vốn trong năm gần nhất, trong khi chỉ khoảng 10% doanh nghiệp lớn cùng chung cảnh ngộ này.

Đặc biệt, khoảng 75% các DNNVV cho biết họ phải cậy nhờ đến các mối quan hệ để tiếp cận thông tin. Bên cạnh đó, 54% doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ cho biết “thỏa thuận về các khoản thuế phải nộp với cán bộ thuế là công việc quan trọng trong kinh doanh”.

Khoảng 65% doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ cho biết hiện tượng chi trả chi phí không chính thức là thường xuyên.

DNNVV cũng khó tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp. Chỉ 20-30% doanh nghiệp cho biết đã từng sử dụng các dịch vụ này. Ngoài ra, chỉ 51-61% doanh nghiệp nhỏ và vừa có thông tin về các chính sách ưu đãi của các cơ quan trung ương và địa phương, thấp hơn nhiều so với nhóm doanh nghiệp lớn (77%).

Doanh nghiệp càng lớn thì thanh tra càng nhiều

Theo báo cáo, về thanh tra, kiểm tra, năm gần nhất, 74% doanh nghiệp từng đón tiếp các đoàn thanh kiểm tra trong tất cả các lĩnh vực. Có một hiện tượng đáng lo ngại là các doanh nghiệp có quy mô càng lớn, gánh nặng về thủ tục hành chính, thanh, kiểm tra càng cao.

Các DNNVV thông thường phải tiếp đón 1-2 cuộc thanh kiểm tratrong năm. Với các doanh nghiệp quy mô lớn, con số này là khoảng 3 cuộc. Ngoài ra, 25% doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và 30% doanh nghiệp vừa cho biết nội dung thanh kiểm tra bị trùng lặp.

Bên cạnh đó, các thủ tục hành chính về bảo hiểm xã hội, đất đai, hải quan, an toàn cháy nổ, lao động, bảo vệ môi trường và thanh toán qua kho bạc đều là những lĩnh vực mà tỷ lệ doanh nghiệp thấy phiền hà gia tăng theo quy mô của doanh nghiệp.

DNNVV thời gian qua chưa phát triển mạnh mẽ bởi còn gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận nguồn lực như đất đai, vốn, khó khăn trong nắm bắt thông tin chính sách và pháp luật, chịu gánh nặng về chi phí không chính thức, chưa được hưởng các dịch vụ hỗ trợ kinh doanh chất lượng cao với chi phí phù hợp.

Việt Nam đang kém hấp dẫn hơn với FDI?

Theo ông Michael A. Trueblood, Giám đốc Phòng phát triển và Quản trị Nhà nước, Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam (USAID), doanh nghiệp FDI hoạt động tại Việt Nam vẫn chủ yếu là các doanh nghiệp quy mô nhỏ, hướng vào xuất khẩu và có mức lãi tương đối thấp.

“Họ thường cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho các nhà sản xuất lớn hơn hoặc tập đoàn đa quốc gia, do đó họ thường nằm ở những vị trí thấp trong chuỗi giá trị sản phẩm”, ông Michael A. Trueblood cho biết.

Theo vị chuyên gia này, Việt Nam vẫn chưa tận dụng được hết những lợi ích từ các dòng vốn FDI, con số thâm hụt khổng lồ trong cán cân thanh toán của Việt Nam là một chỉ báo. Vẫn chưa thấy rõ hiệu ứng lan toả về công nghệ và năng suất lao động từ các đối tác nước ngoài đến các doanh nghiệp trong nước.

Khoảng nửa số doanh nghiệp FDI, trước khi lựa chọn Việt Nam, đã từng cân nhắc đầu tư vào nước khác (chủ yếu là Trung Quốc (27,9%), Thái Lan (21,2%) và Indonesia (12,6%)). Tỷ lệ cân nhắc các quốc gia này đều tăng so với năm ngoái và gần gấp đôi mức năm 2013.

Theo ôngMichael A. Trueblood, trong số nhà đầu tư nước ngoài đang cân nhắc quốc gia đầu tư, 83% đã chọn Việt Nam thay vì chọn các quốc gia khác, trong khi chỉ có 17% đầu tư vào Việt Nam như một phần của chiến lược đầu tư đa quốc gia.

“Các doanh nghiệp FDI đều chia sẻ chung cảm nhận là môi trường kinh doanh của Việt Nam đang kém hấp dẫn hơn các quốc gia cạnh tranh về chi phí không chính thức, gánh nặng thực hiện các quy định pháp luật, chất lượng dịch vụ hành chính công (giáo dục, y tế và các dịch vụ công khác) và độ ổn định của cơ sở hạ tầng”, ông Michael A. Trueblood nói.

Do đó, có hai loại rủi ro chính mà doanh nghiệp FDI quan tâm. Thứ nhất là quan ngại về rủi ro kinh tế vĩ mô do những thay đổi về nền tài chính quốc tế hoặc trong nước. Thứ hailà rủi ro về các quy định do những thay đổi về quy định khiến lợi nhuận kinh doanh của họ bị giảm sút.

“Các phân tích sâu hơn cho thấy nguyên nhân chính của những quan ngại này lại không đến từ các yêu cầu khi gia nhập thị trường mà từ chính các gánh nặng quy định liên quan đến quá trình vận hành doanh nghiệp và các cuộc thanh, kiểm tra của cơ quan quản lý”, vị chuyên gia này cho hay.

Trí Lâm
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
3 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vì sao doanh nghiệp nhỏ và vừa... mãi không lớn!