Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trên cả nước tiếp tục diễn ra "ì ạch", đáng nói có đến 6 bộ, 8 địa phương có tỷ lệ giải ngân bằng 0% kế hoạch vốn.

Vì sao có địa phương chưa giải ngân được đồng vốn đầu tư công nào?

Tuyết Nhung | 08/10/2022, 09:00

Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trên cả nước tiếp tục diễn ra "ì ạch", đáng nói có đến 6 bộ, 8 địa phương có tỷ lệ giải ngân bằng 0% kế hoạch vốn.

Bộ Tài chính cho biết tỷ lệ giải ngân (theo hình thức ghi thu ghi chi) kế hoạch đầu tư công vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài 8 tháng đầu năm 2022 trung bình cả nước mới chỉ đạt 15,48% kế hoạch vốn được giao, đây là mức rất thấp.

Trong đó, tỷ lệ giải ngân bình quân chung của các địa phương là 11,5% kế hoạch vốn, tỷ lệ giải ngân của các bộ ngành là 22,94% kế hoạch vốn. Đáng chú ý, có đến 6 bộ, 8 địa phương có tỷ lệ giải ngân bằng 0% kế hoạch vốn. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính nhận được văn bản đề xuất trả kế hoạch vốn năm 2022 của 17 bộ, địa phương với tổng trị giá là 6.827 tỉ đồng.

Theo Bộ Tài chính, việc chậm giải ngân nguồn vốn nước ngoài làm ảnh hưởng đến các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, là trách nhiệm của người đứng đầu các bộ ngành và các địa phương.

Lý giải nguyên nhân khiến việc đầu tư công diễn ra "ì ạch", bà Mai Thị Thùy Dương - Phó vụ trưởng Vụ Đầu tư (Bộ Tài chính) cho biết có khoảng 25 vấn đề tồn tại, vướng mắc, thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó phân thành 3 nhóm chính.

Nhóm thứ nhất liên quan đến thể chế, chính sách về lĩnh vực đất đai, tài nguyên - môi trường, ngân sách nhà nước (NSNN) và công sản, xây dựng, đấu thầu, đầu tư công.

Nhóm thứ hai liên quan đến tổ chức triển khai thực hiện, bao gồm công tác lập kế hoạch đầu tư vốn NSNN; các cấp, các ngành và người đứng đầu chưa thực sự vào cuộc.

Nhóm thứ ba là nhóm khó khăn mang tính đặc thù của năm 2022 như giá nguyên, nhiên vật liệu, xăng dầu trong những tháng đầu năm tăng cao, có tình trạng khan hiếm nguồn cung về đất, cát để san lấp mặt bằng.

Ngoài ra, đây là năm thứ 2 triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Tuy nhiên, kế hoạch này mới được Quốc hội thông qua từ tháng 7.2021 nên vốn giải ngân từ đầu năm 2022 chủ yếu là các dự án chuyển tiếp. Còn các dự án mới thì vẫn đang trong quá trình chuẩn bị, làm thủ tục. Quá trình này thông thường mất khoảng 6 - 8 tháng, nên phải tới cuối năm mới có thể giải ngân được.

Để hoàn thành nhiệm vụ giải ngân kế hoạch đầu tư công nguồn vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài năm 2022, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, TP trực thuộc trung ương chỉ đạo các chủ dự án, ban quản lý dự án thuộc và trực thuộc khẩn trương hoàn tất các thủ tục về đầu tư, xây dựng, về di dân tái định cư, giải phóng mặt bằng để triển khai thực hiện dự án.

Đồng thời cần giải quyết các khó khăn vướng mắc trong việc đấu thầu hợp đồng, xin ý kiến "không phản đối" của nhà tài trợ, đặc biệt là các tranh chấp hợp đồng (nếu có) để có khối lượng hoàn thành, gửi Kho bạc Nhà nước để được xác nhận kiểm soát chi, đủ điều kiện thanh toán, phối hợp với Bộ Tài chính (Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại) trong việc giải ngân.

Các đơn vị phải chủ động báo cáo cơ quan chủ quản và bộ ngành liên quan về các vướng mắc phát sinh trong từng khâu thực hiện dự án để có biện pháp xử lý kịp thời. Trường hợp vượt thẩm quyền, đề nghị báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Bên cạnh đó, các đơn vị cần sớm rà soát việc phân bổ, tiến độ giải ngân của từng dự án, trên cơ sở đó thực hiện điều chuyển kế hoạch sang các dự án khác trong nội bộ có tiến độ giải ngân tốt, còn thiếu vốn. Đồng thời, căn cứ tình hình thực tế giải ngân, trường hợp dự kiến giải ngân không hết kế hoạch vốn đầu tư công nguồn vốn nước ngoài năm 2022 được giao hoặc có nhu cầu bổ sung vốn, sớm có văn bản đề xuất điều chỉnh gửi Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ Tài chính để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, các đơn vị tổng hợp và gửi lại Bộ Tài chính trước ngày 10.10 tới báo cáo tình hình giải ngân vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các dự án thuộc phạm vi quản lý 9 tháng đầu năm 2022 và ước cả năm bao gồm kế hoạch vốn năm 2021 kéo dài và kế hoạch vốn năm 2022 (chi tiết đến từng dự án); nêu rõ các khó khăn vướng mắc, nguyên nhân ảnh hưởng trong công tác giải ngân vốn vay nước ngoài từ đầu năm đến nay, trong đó đặc biệt là các nguyên nhân khách quan chủ quan và đề xuất biện pháp khắc phục khó khăn, vướng mắc để hoàn thành nhiệm vụ giải ngân đầu tư công nguồn vốn nước ngoài năm 2022.

Bài liên quan
17 bộ, cơ quan trung ương chưa giải ngân vốn đầu tư công
Theo báo cáo gửi Quốc hội của Bộ KH-ĐT, hiện có 17 bộ, ngành cơ quan chưa giải ngân vốn ngân sách theo kế hoạch đầu tư công năm nay.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
3 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vì sao có địa phương chưa giải ngân được đồng vốn đầu tư công nào?