Các nhà triết học Hy Lạp cổ đại đã gợi mở ra vô số ý tưởng. Trong khi những suy nghĩ về cách sống chiếm phần lớn sự chú ý của họ thì họ cũng tự hỏi, chính xác điều gì tạo nên thế giới xung quanh chúng ta?
Nhiều phỏng đoán của các nhà triết học Hy Lạp cổ đại dù có sai lệch vài lớp, họ vẫn mở ra một khái niệm mới cho loài người và những nỗ lực của chúng ta để hiểu bản chất của thực tại.
Thales: Mọi thứ đều là nước
Đối với Aristotle, Thales là nhà triết học đầu tiên. Sống ở Miletus (một thành phố Hy Lạp cổ đại nằm ở Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay) vào thế kỷ thứ 6 trước Công nguyên, Thales nổi tiếng với những công trình nghiên cứu về triết học, thiên văn học và toán học.
Ông cũng cố gắng giải thích nguồn gốc của tất cả các chất, coi nước là nguyên tố đầu tiên mà tất cả những nguyên tố khác tuân theo. Ông khẳng định rằng nước sẽ biến đổi thành các chất khác, và mọi chất cũng có thể biến đổi trở lại thành nước. Khi nhìn lại, Aristotle (384-322 TCN) đã đưa ra một số lý do khiến Thales có thể chọn nước mà hầu hết trong số đó là những quan sát đơn giản như: sự sống cần nước và cách nước có thể chuyển đổi từ trạng thái này sang trạng thái khác. Người ta cho rằng, Thales cũng lập luận rằng Trái đất là một quả cầu trôi nổi trên biển nước. Ông lập luận rằng sự dịch chuyển vô định của hành tinh trong vùng biển này là nguyên nhân gây ra động đất.
Aristotle cho chúng ta biết, Thales là người đầu tiên trong lịch sử Hy Lạp không hài lòng với những lời giải thích kiểu thần thoại về thế giới xung quanh và sau đó, ông cố gắng đưa ra những kiến giải thay thế thông qua lý luận.
Bất chấp quan niệm sai lầm của ông rằng trái đất có thể hình thành từ nước (điều đã bị khoa học bác bỏ vào cuối năm 1768), Thales xứng đáng được chúng ta ngưỡng mộ vì đã khởi đầu truyền thống biện chứng: cố gắng giải thích thế giới một cách hợp lý và chỉ sử dụng bằng chứng quan sát được.
Anaximander: 4 nguyên tố tạo ra thế giới
Một người cùng thời (và có thể là học trò) của Thales cũng sống ở Miletus là Anaximander. Ông là triết gia Hy Lạp đầu tiên viết ra những ý tưởng của mình. Ông cũng đưa ra những gì có thể được coi là lập luận triết học đầu tiên cho lập trường của mình trái ngược với những quan sát thực nghiệm của Thales. Ông cũng được cho là người đã vẽ bản đồ thế giới đầu tiên mà người Hy Lạp biết đến.
Anaximander đã xem xét 4 nguyên tố cổ điển gồm: nước, không khí, lửa và đất rồi lập luận rằng không nguyên tố nào có thể đóng vai trò chủ đạo. Các nguyên tố này là hữu hạn và có xu hướng khắc chế lẫn nhau. Thay vào đó, ông đề xuất một chất mới gọi là apeiron, có nghĩa là “không giới hạn” và được cho là vô hạn.
Anaximander cũng đưa ra giả thuyết về vũ trụ. Ông là người đầu tiên lập luận rằng các thiên thể tạo thành các quỹ đạo vòng tròn khi chúng di chuyển qua bầu trời đêm, một bước tiến quan trọng trong thiên văn học. Hơn nữa, ông lập luận rằng Trái đất đang trôi nổi trong không gian trống rỗng và các thiên thể mà chúng ta nhìn thấy không phải cách đều nhau. Về cơ bản, đây là phát minh ra khái niệm về không gian bên ngoài vũ trụ.
Mặc dù những ý tưởng này đã không còn hữu ích nhưng chúng là những tiến bộ lớn trong lịch sử nhân loại vì ít nhiều ông đã khởi xướng những lập luận triết học mà các nhà tư tưởng như Aristotle và Plato sau này sẽ cải tiến.
Anaximenes: Mọi thứ đều là không khí
Người cuối cùng trong số các nhà triết học đến từ Milesian vĩ đại là Anaximenes. Ông được ghi chép lại là đã làm việc và có khả năng nghiên cứu dưới sự chỉ dạy của Anaximander. Anaximenes đã bác bỏ ý tưởng của người thầy mình về 4 nguyên tố bình đẳng khi đề xuất rằng không khí là nguyên tố chủ đạo. Ông ngụ ý rằng, không khí có tính chất bán thần và có thể là vô hạn trong vũ trụ.
Tuy nhiên, không giống như những người đi trước, ông cũng đưa ra một lý thuyết về cách thức hoạt động của nó. Đầu tiên, ông đề xuất rằng không khí ngưng tụ nguội đi và trở thành nước và đất. Khi bị pha loãng, không khí nóng lên và trở thành lửa. Ông thậm chí còn chỉ ra rằng điều này có thể được kiểm tra bằng cách thổi vào tay với miệng mở rộng hoặc mở hẹp. Tiếp theo, ông liên kết nhiệt độ cao và khô hanh với không khí loãng, trong khi độ ẩm cao và nhiệt độ thấp hơn có liên quan đến không khí ngưng tụ. Sau đó, khi quay sang bàn về vũ trụ, ông cho rằng không khí cũng là nền tảng của các vì sao, hoạt động giống như các vật thể đang cháy trên Trái đất.
Với các đề xuất của mình, Anaximenes đã đưa vào tư tưởng phương Tây ý tưởng về một lý thuyết biến đổi dựa trên kinh nghiệm có thể được thảo luận và thử nghiệm. Quan điểm của ông cho rằng, các quy luật tự nhiên áp dụng trong vũ trụ giống như chúng áp dụng trên Trái đất đã được Isaac Newton chứng minh vào đầu thế kỷ 18.
Heraclitus: Dòng chảy và lửa
Heraclitus là một triết gia đến từ Ephesus (giống như Miletus, thuộc Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay), sống vào thế kỷ thứ 6 trước Công nguyên. Mặc dù công việc của ông có thể liên quan với các nhà triết học trường phái Milesian, nhưng ông có vẻ đã không tham gia nghiên cứu với họ. Trong các tác phẩm còn sót lại của Heraclitus, ông nói rằng thế giới luôn tồn tại và dựa trên “ngọn lửa bất diệt” và rằng mọi thứ luôn thay đổi.
Heraclitus đã giới thiệu một hệ thống, mà theo đó các nguyên tố biến đổi thành một nguyên tố khác, tuy nhiên, các chi tiết có vẻ sai lầm đối với tư tưởng đương thời. Hơn nữa, ông khẳng định rằng quá trình này cũng có thể hoạt động ngược lại và tỷ lệ vật chất được bảo toàn.
Ông lập luận rằng, vũ trụ là dòng chảy liên tục, không có gì giống nhau trong hơn một khoảnh khắc. Một câu trích dẫn được cho là của Heraclitus mà chúng ta ai cũng thuộc: “Không ai tắm hai lần trên một dòng sông”, có ý tứ sâu sắc một cách dễ gây nhầm lẫn và có ý nghĩa quan trọng đối với tính hữu ích của kiến thức thực nghiệm.
Parmenides: Thế giới thống nhất
Một triết gia đến từ Elea (một thuộc địa của Hy Lạp ở Ý hiện đại) vào khoảng năm 500 trước Công nguyên, Parmenides có lẽ là nhà tư tưởng vĩ đại nhất trong số các nhà tư tưởng thời tiền Socrates. Kiệt tác thường được nhắc đến của ông là “Về thiên nhiên” - một bài thơ dài 800 câu mô tả về bản chất của thực tại, trong đó, ông lập luận rằng thế giới mà chúng ta nhìn thấy là một ảo ảnh. Bản chất thực sự của thế giới không có sẵn đối với các giác quan của chúng ta nhưng chúng ta có thể tiếp cận được thông qua lý trí. Hơn nữa, thế giới “thực” này không thay đổi, thống nhất và vô tận.
Lập luận của ông bắt đầu với ý tưởng rằng chúng ta không thể có một khái niệm hợp lý về “hư vô”. Vì hư vô không thể tồn tại, nên Parmenides cho rằng, không có khoảng trống (Cơ học lượng tử ngày nay đã chỉ ra điều này là đúng). Không có không gian trống để di chuyển vào, việc duy trì chuyển động là điều không thể. Parmenides tiếp tục theo cách suy luận này để bác bỏ những ý tưởng về sự thay đổi, khác biệt và kết thúc. Sau đó, Parmenides chuyển sang thế giới mà chúng ta tương tác, giải thích nó chỉ là những hình thức xuất hiện.
Ảnh hưởng của ông đối với tư tưởng phương Tây là rất lớn, đặc biệt là qua Plato. Đương thời Zeno, nhà tạo ra thuyết nghịch lý nổi tiếng, đã ủng hộ những ý tưởng của Parmenides - những ý tưởng tiếp tục ảnh hưởng đến triết học về khái niệm thời gian. Đề xuất của ông rằng các giác quan của chúng ta là vô ích khi tìm kiếm sự thật đã được chứng tỏ là có giá trị lâu dài.
Democritus: Nguyên tử
Sinh ra ở Abdera (một thuộc địa của Ionian) vào năm 460 trước Công nguyên, Democritus là một tác giả viết nhiều về mọi thứ, từ đạo đức học đến thực vật học. Mặc dù chúng ta chỉ có những gì người khác nói về ông để tìm hiểu gián tiếp (vì các tác phẩm của ông không còn tồn tại), nhưng rõ ràng, ông là một trong những nhà tư tưởng đầu tiên đề xuất ý tưởng về nguyên tử.
Democritus, hoặc có lẽ là thầy của ông, Leucippus, đã đưa ra một lý thuyết gọi là “thuyết nguyên tử”. Ông lập luận rằng, không thể phân chia vật chất một cách vô hạn, vì phải đến một thời điểm mà một thứ không thể chia đôi được nữa. Sau đó, chúng ta có một nguyên tử, nghĩa là "không thể chia hết". Thuyết nguyên tử của Hy Lạp hoàn toàn mang tính suy đoán và mãi đến đầu thế kỷ 19, bằng chứng vật lý về nguyên tử mới được đưa ra.
Parmenides lập luận rằng, các nguyên tử di chuyển trong không gian trống rỗng, xây dựng toàn bộ thế giới dựa trên hình dạng, sự sắp xếp và vị trí của chúng tại một thời điểm nhất định. Các đặc tính xác định của thế giới không phải là vốn có của các nguyên tử, mà được gây ra bởi sự tương tác của các nguyên tử hình thành các vật thể bên ngoài và các nguyên tử tạo nên cơ thể chúng ta.
Plato: Thế giới hình thức
Plato là một nhân vật đỉnh cao trong số các triết gia. Ông sống chủ yếu ở Athens trong thế kỷ thứ 4 trước Công nguyên. Suy nghĩ của ông vượt ra ngoài những ý tưởng của thầy mình, Socrates, và về cơ bản, đã ảnh hưởng đến toàn bộ nền triết học phương Tây và Trung Đông sau này.
Ngoài ra, ông còn thành lập Học viện ở Athens, nơi nhiều bộ óc vĩ đại thời ấy theo học, trong đó có Aristotle.
Plato đã viết về nhiều chủ đề, bao gồm cả siêu hình học. Lý thuyết về các hình thức của ông dựa trên những ý tưởng tiền Socrates. Ông lập luận rằng thế giới mà chúng ta đang sống là một bản sao không hoàn hảo của thế giới “hình thức”: bản chất không thay đổi, phi vật chất, lâu dài của vạn vật. Những đồ vật hàng ngày, như những chiếc ghế, là những bản sao thiếu sót của “Hình thức của chiếc ghế”. Điều này cũng đúng với mọi thứ tồn tại trong thế giới vật chất.
Giống như Parmenides, ở một mức độ nào đó, Plato lập luận rằng, yếu tố nền tảng của thực tại là toán học và duy tâm. Plato đồng ý với Heraclitus rằng thế giới mà chúng ta tương tác luôn thay đổi và ông mượn ý tưởng về cách các nguyên tố có thể biến đổi thành nhau từ các nhà triết học từ Milesian.
Di sản của Plato vô cùng đồ sộ, không gì có thể so sánh được. Alfred North Whitehead đã từng nói: "Tất cả triết học phương Tây chỉ là một loạt chú thích cho Plato".