Có một câu hỏi được đặt ra là tại sao loài cá mập cũng như các sinh vật biển khác lại thích ăn túi nhựa hay cáp quang mà con người đổ đầy ra môi trường đại dương.
Theo Matthew Savoca tại Trung tâm Khoa học Nghề cá Tây Nam NOAA tại Monterey, California, Mỹ thì ông và các cộng sự đã khám phá ra sở thích ăn uống của các loài sinh vật biển.
Cụ thể, các loài sinh vật biển đã lầm tưởng nhựa ngâm trong nước biển lâu ngày với thực phẩm yêu thích của chúng khi nhựa kết hợp cùng tảo phóng ra các hợp chất lưu huỳnh có mùi.
Ví dụ loài cá cơm phản ứng với các hạt nhựa được ngâm lâu trong nước biển hệt như con mồi của chúng, nhưng loại nhựa mới thì chúng lại không ăn. Có nghĩa là trên thực tế, cá không đánh giá thực phẩm dựa trên thị giác, chúng dùng mùi để nhận diện thức ăn của mình.
"Vấn đề động vật thích ăn nhựa chưa từng được điều tra một cách toàn diện. Chim và cá không phải là quá ngu, nói chung chúng rất giỏi tìm đúng con mồi của chúng", ông Savoca nói. Ngược lại, con người không quan tâm tới mùi của thứ trước mắt mình do chúng ta đã tiến hóa theo hướng có thể nhận định được sự việc bằng đôi mắt của mình.
Trong khi đó, cá mập rất có thể thích cắn cáp quang cũng tương tự như cá cơm là vì nghĩ cọng cáp là con mồi của nó, tuy nhiên tình hình này đã dần được loại bỏ khi con người thực hiện các bước cải tiến trong quy trình chế tạo cáp quang.
Ủy ban Bảo vệ cáp Quốc tế (ICPC) cho biết rằng loài cá mập chỉ chịu trách nhiệm cho 1% vụ sự cố cáp quang kể từ năm 2006 đến nay mà thôi. Tuy nhiên, trước đó nguy cơ từ loài cá này đã khiến các nhà mạng viễn thông dùng nhiều cách để bảo vệ tuyến cáp quang của họ như chôn cáp, thay thế loại vật liệu làm vỏ bọc cáp...
Theo ICPC thì thủ phạm chính khiến cáp biển bị đứt là hoạt động "neo và đánh bắt của tàu cá", chiếm khoảng 65-67% lỗi phát sinh của tuyến cáp quang. Còn lại đa số là do "hiện tượng tự nhiên" dưới biển như lở đất, thay đổi dòng hải lưu...
Thiên Hà