Hôm 28.4, Thủ tướng Ấn Độ - Narendra Modi thông báo rằng ông và Tổng thống Nga - Vladimir Putin đã đồng ý thiết lập một cuộc gặp 2+2 giữa bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng hai nước.

Vì sao Ấn Độ công bố cuộc họp 2+2 với Nga khi cần Mỹ hỗ trợ thiết bị và vắc xin chống COVID-19?

Nhân Hoàng | 29/04/2021, 09:16

Hôm 28.4, Thủ tướng Ấn Độ - Narendra Modi thông báo rằng ông và Tổng thống Nga - Vladimir Putin đã đồng ý thiết lập một cuộc gặp 2+2 giữa bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng hai nước.

Trong dòng tweet, Thủ tướng Modi cho biết ông đã có "cuộc trò chuyện tuyệt vời với Tổng thống Putin, người bạn của tôi" và họ đã quyết định khởi động phương thức 2+2 “để tạo thêm động lực cho quan hệ đối tác chiến lược bền chặt giữa hai nước".

Động thái này có thể là đòn giáng mạnh vào chính quyền Joe Biden, vốn đang khuyến khích Ấn Độ rời xa các thiết bị quốc phòng của Nga và thay vào đó là tăng cường khả năng tương tác với Mỹ cùng các đồng minh.

Thế nhưng, các nhà phân tích cho rằng Ấn Độ đang cố gắng cân bằng các mối quan hệ của mình - có lẽ tránh quá phụ thuộc vào Quad vì nó đối nghịch với Trung Quốc.

Quad đã nổi lên như một nền tảng chính trị lớn cho các quốc gia cùng chí hướng ở Ấn Độ - Thái Bình Dương. Tuy nhiên, mối quan hệ quốc phòng truyền thống của Ấn Độ với Nga đã kìm hãm sự hợp tác sâu sắc hơn trong lĩnh vực an ninh của Quad. Ấn Độ là khách hàng vũ khí lớn nhất của Nga.

Ấn Độ đã có ba cuộc đối thoại 2+2 với Mỹ, Nhật Bản và Úc. Cuộc gặp 2+2 với Nga sẽ là phiên bản đầu tiên ngoài Quad.

Mỹ và Ấn Độ đã triệu tập ba cuộc họp như vậy, với cuộc họp gần nhất được tổ chức vào tháng 10.2020. Ngoại trưởng Mike Pompeo và Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper khi đó đã đến thăm New Delhi để gặp Bộ trưởng Ngoại giao S Jaishankar và Bộ trưởng Quốc phòng Rajnath Singh.

Ấn Độ và Nhật Bản đã có kế hoạch tổ chức 2+2 lần thứ hai trong tháng này để mở đường cho chuyến thăm của Thủ tướng Yoshihide Suga tới Ấn Độ vào tháng 5.2021. Cả hai sự kiện đã bị hoãn lại do đại dịch COVID-19.

an-do-cong-bo-cuoc-gap-2-2-voi-nga-hinh-anh3.jpeg
Từ trái qua là Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ - Mark Esper và Ngoại trưởng Mỹ - Mike Pompeo khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ - Rajnath Singh và Bộ trưởng Đối ngoại Ấn Độ - Subrahmanyam Jaishankar tại buổi họp báo chung sau cuộc họp ở New Delhi vào ngày 27.10

Kể từ khi giành được độc lập vào năm 1947, Ấn Độ theo truyền thống tuân thủ nguyên tắc không liên kết. Gần đây, Ấn Độ đã áp dụng một nguyên tắc chính sách đối ngoại về quyền tự chủ chiến lược.

Với trang thiết bị quốc phòng, Ấn Độ luôn hướng sang Nga. Ấn Độ đã sản xuất chiến đấu cơ MiG và máy bay phản lực Su-30 theo giấy phép của Nga. Hai bên còn hợp tác phát triển và sản xuất tên lửa hành trình BrahMos siêu thanh ở Ấn Độ.

Khi thăm Ấn Độ vào đầu tháng này, Ngoại trưởng Nga - Sergei Lavrov nói với các phóng viên rằng hai nước đang thảo luận về việc sản xuất bổ sung các thiết bị quân sự của Nga ở quốc gia Nam Á.

Trong khi đó, Mỹ cảnh báo Ấn Độ rằng họ có thể phải đối mặt với các lệnh trừng phạt nếu tiếp tục mua hệ thống tên lửa đất đối không S-400 của Nga theo một thỏa thuận được ký vào năm 2018.

an-do-cong-bo-cuoc-gap-2-2-voi-nga.jpg
Hệ thống tên lửa đất đối không S-400 "Triumph" tại căn cứ quân sự gần thành phố Kaliningrad, Nga

Thời điểm đưa ra thông báo đến khi Mỹ phản ứng chậm chạp với cuộc khủng hoảng COVID-19 của Ấn Độ gây lo lắng ở nước này, cũng như các hoạt động tự do hàng hải gần đây trong vùng đặc quyền kinh tế của Ấn Độ, làm dấy lên lo ngại về tình trạng quan hệ Mỹ - Ấn.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng cuộc họp 2+2 giữa Ấn Độ và Nga là hành động cân bằng ngoại giao.

Bonny Lin, nhà khoa học chính trị tại Rand Corp, nói rằng một số quốc gia trong khu vực, bao gồm cả Ấn Độ và Indonesia, đang cố gắng mở rộng các mối quan hệ ngoại giao của họ "để họ không nhất thiết phải dựa vào bất kỳ thế lực bên ngoài nào để chống lại Trung Quốc".

an-do-cong-bo-cuoc-gap-2-2-voi-nga-hinh-anh33(1).jpeg
Tổng thống Nga - Vladimir Putin và Thủ tướng Ấn Độ - Narendra Modi tham quan cuộc triển lãm bên lề Diễn đàn Kinh tế Phương Đông ở Vladivostok, Nga vào tháng 9.2019

Bonny Lin nói phản ứng của Trung Quốc nhẹ hơn so với năm 2014. "Vì vậy, tôi thấy mối quan hệ đang được cải thiện của Ấn Độ với Nga cũng đang đi trên những con đường tương tự. Ấn Độ đang cố gắng mở rộng các mối quan hệ và tình bạn của mình, và tôi không thấy có bất kỳ mâu thuẫn nào với Quad cả", ông nói thêm.

Darshana Baruah, cộng sự viên của Chương trình Nam Á tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, cho biết cuộc họp 2+2 giữa Ấn Độ - Nga không là bước lùi với chính quyền Biden.

"Đó là một trong những khác biệt cần được quản lý. Mỗi quốc gia có những ưu tiên riêng. Ví dụ, dù là đồng minh hiệp ước nhưng Nhật Bản có quan hệ tốt hơn với Iran so với Mỹ", bà Darshana Baruah nói.

Michael Kugelman, Phó giám đốc Chương trình châu Á tại Trung tâm Wilson, cho biết nhiều người "sẽ bị bất ngờ về thời điểm" của thông báo này. "Nhưng có một câu chuyện địa chính trị rộng lớn hơn ở đây: Ấn Độ muốn giữ mối quan hệ với Nga đi đúng hướng, đặc biệt là khi Nga mở rộng quan hệ với Pakistan", ông nhận định.

Michael Kugelman cũng nhận thấy mối liên hệ với việc Mỹ rút khỏi Afghanistan. Michael Kugelman nói Ấn Độ cam kết tiếp tục quan hệ đối tác ngày càng chặt chẽ với Mỹ "nhưng cũng muốn duy trì quan hệ đối tác với Nga, đặc biệt là khi việc Mỹ rút khỏi Afghanistan làm tăng nguy cơ xáo trộn đáng kể trong khu vực".

an-do-cong-bo-cuoc-gap-2-2-voi-nga-hinh-anh333.jpeg
Chiếc trực thăng UH-60 Black Hawk vận chuyển binh lính qua Khu vực hoạt động chung liên hợp của Afghanistan. Các nhà phân tích nói rằng Ấn Độ lo ngại rằng việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan có thể làm xáo trộn đáng kể trong khu vực

Trung tướng đã nghỉ hưu Gurmit Singh, cựu Phó Tham mưu trưởng Lục quân Ấn Độ, mô tả 2+2 là một "sự phát triển ngoại giao xuất sắc và là nhu cầu của thời đại".

Hiện là thành viên xuất sắc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến tranh trên bộ, Gurmit Singh nói rằng mối quan hệ song phương là "thời gian và môi trường kiểm tra" có một "mối liên hệ tự nhiên với nâng cấp và hiện đại hóa", với phần lớn thiết bị quân sự của Ấn Độ có nguồn gốc từ Nga.

Gurmit Singh cho biết việc mua hệ thống tên lửa đất đối không S-400 gây tranh cãi là "trong lộ trình hợp tác quốc phòng lành mạnh".

Jeff Smith, chuyên gia nghiên cứu về Nam Á tại Heritage Foundation, cho biết "Ấn Độ là một quốc gia có chủ quyền sẽ theo đuổi bất kỳ cam kết ngoại giao nào mà họ coi là vì lợi ích quốc gia của mình".

Jeff Smith lưu ý rằng Ấn Độ đã tổ chức ngày càng nhiều cuộc họp 2+2 với một số quốc gia những năm gần đây và "việc Nga được thêm vào danh sách không phải là điều đáng ngạc nhiên".

Dù sao thì Ấn Độ đã thiết lập cuộc họp 2+2 với Úc, một mối quan hệ đang phát triển nhưng không ngang hàng với quan hệ truyền thống giữa Ấn Độ và Nga”, ông chia sẻ.

Tháng 11.2020, Ấn Độ đã tổ chức cho các đối tác Quad của mình tập trận hải quân mang tên Malabar 2020. Cuộc tập trận được thiết kế để tăng cường khả năng tương tác giữa Hải quân Ấn Độ, Mỹ, Úc và Nhật Bản.

Mỹ đang ngày càng tìm cách tiến hành các cuộc tập trận chung ở Ấn Độ - Thái Bình Dương để chống lại Trung Quốc. Song, các chuyên gia lưu ý rằng sự phổ biến của thiết bị Nga trong quân đội Ấn Độ đã gây khó khăn cho việc liên kết với phần cứng của Mỹ.

Mỹ gửi các thiết bị trị giá 100 triệu USD hỗ trợ Ấn Độ chống dịch COVID-19

Nhà Trắng cho biết Mỹ đang gửi nguồn cung cấp trị giá hơn 100 triệu USD cho Ấn Độ để giúp nước này chống lại sự gia tăng của các ca mắc COVID-19.

Các nguồn cung cấp, sẽ bắt đầu đến vào 29.4 và tuần tới, bao gồm 1.000 bình oxy, 15 triệu mặt nạ N95 và 1 triệu xét nghiệm chẩn đoán nhanh.

Theo Nhà Trắng, Mỹ cũng đã chuyển hướng đặt hàng AstraZeneca cung ứng sản xuất vắc xin sang Ấn Độ. Điều này sẽ cho phép Ấn Độ sản xuất hơn 20 triệu liều vắc xin COVID-19.

"Cũng giống như Ấn Độ đã gửi hỗ trợ cho Mỹ khi các bệnh viện của chúng tôi bị quá tải trong thời kỳ đầu của đại dịch, Mỹ quyết tâm giúp Ấn Độ trong thời điểm cần thiết", Nhà Trắng cho biết trong một tờ thông tin phác thảo khoản viện trợ.

Số người chết ở Ấn Độ do đại dịch COVID-19 đã vượt qua mốc 200.000 người vào ngày 28.4, trở nên tồi tệ hơn do tình trạng thiếu giường bệnh và oxy y tế. Trong 24 giờ qua, Ấn Độ ghi nhận thêm 360.960 ca mắc COVID-19, con số kỷ lục thế giới, nâng tổng số ca bệnh lên gần 18 triệu. Ấy vậy mà các chuyên gia cho rằng con số này còn thấp hơn thực tế.

Hôm 27.4, Tổng thống Biden cho biết đã nói chuyện rất lâu với Thủ tướng Ấn Độ - Narendra Modi về các vấn đề như khi nào Mỹ có thể vận chuyển vắc xin đến quốc gia Nam Á này và nói thêm rằng đó là ý định rõ ràng của ông.

"Tôi nghĩ rằng chúng tôi sẽ ở vị trí có thể chia sẻ, chia sẻ vắc xin cũng như bí quyết, với các quốc gia khác có nhu cầu thực sự. Đó là hy vọng và kỳ vọng", ông Biden nói với các phóng viên tại Nhà Trắng.

Trước lời kêu gọi chia sẻ vắc xin lẫn nguồn cung nguyên liệu với thế giới, đặc biệt là Ấn Độ, Mỹ thông báo sẽ viện trợ vắc xin AstraZeneca cho các nước.

Jeff Zients, điều phối viên về COVID-19 của Nhà Trắng, cho biết quyết định được đưa ra vì Mỹ đang được đảm bảo có đủ vắc xin để sử dụng và không cần đến sản phẩm AstraZeneca trong nhiều tháng tới vì vắc xin này chưa được cấp phép tại Mỹ.

Mỹ đang sử dụng 3 loại vắc xin Pfizer/BioNTech, Moderna và Johnson & Johnson, đều do các hãng dược nước này sản xuất. Hơn 53% người trưởng thành tại Mỹ đã tiêm vắc xin COVID-19 và nước này dự kiến có đủ vắc xin cho toàn dân vào đầu mùa hè tới.

Mỹ đã mua 300 triệu liều vắc xin AstraZeneca nhưng chưa cấp phép cho vắc xin này.

Bài liên quan
Ấn Độ lấy bình oxy của quân đội cho bệnh viện, được WHO tặng thiết bị và Mỹ viện trợ vắc xin AstraZeneca
Hôm 26.4, Ấn Độ đã ra lệnh cho các lực lượng vũ trang của mình hỗ trợ giải quyết các ca nhiễm coronavirus mới đang gia tăng khi nhiều quốc gia, gồm cả Anh, Đức và Mỹ, cam kết viện trợ y tế khẩn cấp để cố gắng ngăn chặn tình trạng khẩn cấp áp đảo các bệnh viện ở nước này.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
7 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vì sao Ấn Độ công bố cuộc họp 2+2 với Nga khi cần Mỹ hỗ trợ thiết bị và vắc xin chống COVID-19?