Tình yêu với đất Việt và nét đẹp văn hóa dân tộc thiểu số là động lực để nhiếp ảnh gia người Pháp Réhahn Croquevielle tạo nên nhiều tác phẩm ấn tượng. Từng bức ảnh lột tả góc nhìn cuốn hút về bản sắc xã hội - con người vùng cao, những giá trị mà tiếc thay, đang dần lu mờ trước nhịp sống hiện đại.

Vẻ đẹp chân dung những dân tộc thiểu số Việt Nam từ góc máy một nhiếp ảnh gia Pháp

nhu y | 30/12/2018, 11:31

Tình yêu với đất Việt và nét đẹp văn hóa dân tộc thiểu số là động lực để nhiếp ảnh gia người Pháp Réhahn Croquevielle tạo nên nhiều tác phẩm ấn tượng. Từng bức ảnh lột tả góc nhìn cuốn hút về bản sắc xã hội - con người vùng cao, những giá trị mà tiếc thay, đang dần lu mờ trước nhịp sống hiện đại.

“Tôi luôn là một du khách tò mò” - nghệ sĩ nhiếp ảnh Réhahn Croquvielle chia sẻ. “Bất kể đặt chân đến đâu, tôi thích dành hàng giờ lắng nghe người dân nói về cuộc sống thường nhật, về lịch sử, văn hóa của họ. Nhờ sự tương tác này, tôi có thể chụp được nhiều bức ảnh chân dung chất lượng".

Tập trung vào thể loại ảnh chân dung, nhiếp ảnh gia 39 tuổi đến nay đã xuất bản 3 tác phẩm sách ảnh. Hai trong số chúng xoay quanh xứ sở và văn hóa Việt Nam, đất nước Réhahn trân trọng gọi là ‘nhà’ qua hơn 7 năm.

Một phụ nữ dân tộc Dao trong bộ quần áo và khăn đội đầu truyền thống. Dao là một trong những dân tộc thiểu số có thiết kế trang phục truyền thống tinh xảo và đẹp nhất Việt Nam.

Một cụ ông 77 tuổi người Tơ Drá, nhánh nhỏ thuộc tộc người thiểu số Xơ Đăng. Ông là nghệ nhân đan giỏ tre và nghệ sĩ chơi nhạc truyền thống Tơ Drá cuối cùng còn lại trong làng.

“Ở Cuba, tôi hút điếu xì gà cùng một người đàn ông trước khi chụp ảnh ông ấy”,Réhahn nói. “Ở một ngôi làng Việt, trên vùng núi hẻo lánh, tôi ngồi uống trà, dùng trái cây với vị trưởng làng. Tôi thường dành nhiều thời gian trò chuyện cùng tất cả những ai tôi gặp và có dịp chụp ảnh”.

Khởi hành từ quê hương Normandy (miến Bắc nước Pháp), Réhahn lần đầu đến thăm Việt Nam năm 2007, dưới tư cách tình nguyện viên của tổ chức từ thiện phi lợi nhuận Enfants du Vietnam, chuyên bảo trợ - giúp đỡ trẻ em nghèo.

“Gắn bó với Việt Nam" là chọn lựa cá nhân, không vì lý do công việc”. Réhahn bày tỏ. “Tôi yêu phong cách sống và sự tích cực của con người nơi đây".

Dân tộc ít người Rơ Măm (cư trú ở tỉnh Kon Tum) với khoảng 460 nhân khẩu. Làng Rơ Măm nay chỉ còn lưu giữ 12 bộ trang phục truyền thống.

Từ lúc quyết định ở lại Việt Nam lâu dài, nhiếp ảnh gia người Pháp đã ấp ủ dự án chụp ảnh toàn bộ 54 nhóm dân tộc trên đất Việt. Đến nay, anh đã hoàn tất ảnh chân dung cho 49 nhóm. “Tôi vẫn đang đợi để được phép tiếp cận những cộng đồng dân cư còn lại, vì họ đang sống trong địa phận xa xôi như biên giới tiếp giáp Lào hoặc Trung Quốc”, Réhahn giải thích. “Có thể phải mất thêm 3 năm nữa cho dự án này", anh nói tiếp.

Cư dân dân tộc thiểu số La Hủ (Lai Châu) nổi tiếng với biệt tài săn hổ.

Réhahn đặc biệt ấn tượng trước phong cách trang phục và đồ tạo tác truyền thống của dân tộc thiếu số. Năm ngoái, anh thành lập Bảo tàng Trưng bày Di sản Nghệ thuật Quý hiếm (Precious Heritage Art Gallery Museum) tại Hội An - nơi Réhahn đang sống. Bên cạnh góc triển lãm ảnh, bảo tàng còn trưng bày, giới thiệu khá nhiều vật phẩm quý giá tạo tác bởi những cư dân vùng cao, đáng kể là quần áo và trang sứ

“Ở rất nhiều nơi, văn hóa truyền thống đang phai nhạt”, Réhahn nhận xét. “Không ít hoạt động làng nghề (làm đồ thủ công, may trang phục,..) trong cộng đồng những dân tộc thiểu số Việt đang bị mai một bởi ảnh hưởng của công nghệ và lối sống hiện đại. “Cuộc sống ngày càng tiện nghi hơn, duy mọi thứ đi kèm một cái giá … Là nghệ sĩ nhiếp ảnh, tôi may mắn khi có thể ghi dấu lại nhiều nét văn hóa đang dần biến mất".

Người Giáy (Hà Giang) là một trong những tộc người thiểu số nhỏ nhất tại Việt Nam. Hình ảnh bộ trang phục đen tuyền truyền thống của họ nay đã gần như biến mất hoàn toàn.

Một cụ bà người Ơ Đu (Nghệ An), tộc người với dân số ít nhất Việt Nam. Ngày nay, làng Ơ Đu chỉ còn lưu lại 5 bộ trang phục truyền thống.

Réhahn thường kiên nhẫn bỏ ra hàng giờ, đôi khi hàng tuần, đến thăm - hòa nhập vào cộng đồng những dân tộc thiểu số anh muốn chụp ảnh. “Tôi từng dành nhiều ngày lui tới thăm hỏi, tìm hiểu về cộng đồng người Cơ Tu. Làng họ cách nơi tôi đang sống khoảng 3 tiếng đi xe. Họ là những cư dân rất xem trọng giá trị truyền thống. Họ thường gửi đến bảo tàng của tôi tại Hội An nhiều vật phẩm", anh cho biết.

“Một trong những khoảnh khắc đẹp nhất với tôi, là khi một vị trưởng làng đến thăm bảo tàng, mang tặng tôi bộ trang phục thiết kế từ vỏ cây, bộ cuối cùng còn giữ trong làng họ. Trăm năm trước, khi quân đội Pháp chiếm đóng Việt Nam, người ta thường bắt gặp những người đàn ông dân tộc thiểu số mặc loại trang phục này. Giờ đây, vải vóc hiện đại đã thay thế hẳn chúng. “Bộ trang phục ấy, với tôi, là một báu vật".

Một bé gái người Chăm với ‘đôi mắt mèo’ xanh lục hiếm thấy.

Réhahn bên một cụ bà người H’Mông. Ảnh chụp năm 2017.

Để đáp đền sự thân thiện, cởi mở của những người bạn vùng cao, Réhahn giúp đỡ cộng đồng bằng việc đóng góp sửa sang nhà cửa cho họ, thu mua nông sản địa phương và tích cực ủng hộ công tác khuyến học - giáo dục trẻ nhỏ. Không ít ‘chủ thể’ anh quen biết qua ống kính máy ảnh, nay đã trở thành bạn bè.

“Kiếm sống bằng nghề chụp ảnh, tôi thấy mình có trách nhiệm và vai trò phải thực hiện”. Réhahn bày tỏ. “Tôi nghĩ cộng đồng dân tộc thiểu số Việt mong mỏi nhiều người trên thế giới biết về văn hóa của họ, bởi đó là thứ họ rất tự hào. Tuy nhiên phần lớn người dân tộc còn nghèo. Tôi muốn dùng chính bảo tàng và công việc chụp ảnh để có kinh phí giúp họ”.

Réhahn nói thêm, “Tôi đã xây dựng mối quan hệ khắng khít với vô số nhân vật hiện hữu trước ống kính của tôi. Với tôi, họ nay là những thành viên gia đình, và chúng tôi gặp gỡ mỗi năm".

Như Ý (tin, ảnh: SCMP)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
5 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vẻ đẹp chân dung những dân tộc thiểu số Việt Nam từ góc máy một nhiếp ảnh gia Pháp