“Chủ nhật buồn” là một bài hát nổi tiếng do nhạc sĩ Phạm Duy đặt lời Việt, nhưng ít ai biết rằng trước khi du nhập vào Việt Nam, tác phẩm đã từng được cho là bản nhạc “tử thần” đã khiến nhiều người tự sát…

Về bài hát ‘tử thần’ của cố nhạc sĩ Phạm Duy

Tiểu Vũ | 03/07/2017, 07:03

“Chủ nhật buồn” là một bài hát nổi tiếng do nhạc sĩ Phạm Duy đặt lời Việt, nhưng ít ai biết rằng trước khi du nhập vào Việt Nam, tác phẩm đã từng được cho là bản nhạc “tử thần” đã khiến nhiều người tự sát…

Phạm Duy là một sĩ danh tiếng của Việt Nam, ngoài những bài hát nổi tiếng do chính ông sáng tác, nhạc sĩ Phạm Duy còn được mệnh danh là người viết lời Việt cho ca khúc nước ngoài rất hay. Nhiều bản nhạc nổi tiếng của thế giới được nhạc sĩ Phạm Duy đặt lời Việt đã trở nên quen thuộc như trong giới mộ điệu. .

Những bản nhạc nước ngoài được nhạc sĩ Phạm Duy chuyển qua lời Việt luôn trung thành với nguyên tác từ giai điệu tiết tấu và cả phần ca từ, nhưng bằng tài năng và sự linh hoạt uyển chuyển của mình, nhạc sĩ Phạm Duy luôn tạo cho người nghe cảm giác những bài hát “xa lạ” kia trở nên gần gũi và mang đậm chất Việt trong từng ca khúc.

Nhạc sĩ Phạm Duy mất đúng vào Chủ nhật 27.1.2013 tại nhà riêng ở Sài Gòn ở tuổi 91. Trong di sản âm nhạc của mình,ông đã để lại cho hậu thế có đến hàng ngàn bài hát. Trước và saungày ông mất có rất nhiều bài hát của ông được cơ quan quản lý văn hóa tiếp tục cấp phép phổ biến. Trong danh sách những tác phẩm nổi tiếng của cố nhạc sĩ Phạm Duy đang được phép lưu hành tại Việt Nam đã có tênhát nổi tiếng Chủ nhật buồn

"Chủ nhật buồn" của nhạc sĩ Phạm Duy nằm trong danh mục "Bài hát phổ biến" của Cục NTBD

Chủ nhật buồn đi lê thê

Cầm một vòng hoa đê mê

Bước chân về với gian nhà

Với trái tim cùng nặng nề

Xót xa gì?

Oán thương gì?

Đã biết nuối hương chia ly…

Khi ngân nga những giai điệu và ca từ rất buồn, “rất Việt Nam’ trong đoạn mở đầu của bài hát Chủ nhật buồn có rất ít người biết rằng bài hát này có nguồn gốc từ đất nước Hungary được nhạc sĩ Phạm Duy đặt lời Việt từ ca khúc gốc có tên Szomorú Vasárnap của tác giả Rezso Seress người Hungary viết năm 1932 trong tâm trạng chán nản vì thất tình. Ngoài nguyên tác bằng tiếng Hung bài hát nổi tiếng này cũng được dịch ra tiếng Anh có tựa đề là Gloomy Sunday và tiếng Pháp Sombre Dimanche.

Có giả thuyết cho rằng bài hát Szomorú Vasárnap được xuất phát từ bài thơ của tác giả Javor Laszlo, một phóng viên người Hungary sáng tác để than khóc cho một cuộc tình đã mất khi chia tay người yêu vào năm 1933. Sau đó bài thơ này được một người nhờ đến Rezso Seress phổ nhạc.

Nhiều tài liệu về âm nhạc của thế giới ghi lại rằng bài hát Chủ nhật buồn do một người Hungary có tên Rezso Seress sáng tác để diễn tả tâm trạng thất tình của mình trong một buổi chiều buồn cuối năm 1932 tại Paris, Pháp. Hôm đó khung cảnh Paris rất ảm đạm, trời mưa mưa nặng hạt và lạnh lẽo. Chàng trai Rezso Seress ngồi bên cửa sổ. Một giai điệu chợt xuất hiện trong đầu ông và nửa tiếng đồng hồ sau, bài Szomorú Vasárnap (Chủ nhật buồn) ra đời.

Tuy nhiên bài hát ban đầu bị các hãng thu băng từ chối vì "nhạc và lời quá buồn thảm". Phải mất vài tháng trời, Seress mới tìm được một hãng băng đĩa nhận lời mua bài hát đó và phát hành tại nhiều thành phố lớn trên thế giới.

Một thời gian sau khi phát hành, bài hát Szomorú Vasárnap bắt đầu nổi tiếng và được dịch ra hàng trăm ngôn ngữ trên khắp thế giới. Và cũng không lâu sau đó tác phẩm này cũng bị quy kết là nguyên nhân của hàng trăm cái chết do tự tử sau khi nghe.

Chưa rõ thực hư của câu chuyện có nhiều người tự tự khi nghe ca khúc Chủ nhật buồn của Rezso Seress nhưng sau đó có tới 15 quốc gia đâm đơn kiện tác giả Seress buộc tội ông có liên quan đến những cái chết đó, nhưng bất chấp lệnh cấm bài hát vẫn lan truyền dưới nhiều hình thức trên khắp thế giới và được rất nhiều người đón nhận. Trong đó phải kể để những ca sĩ nổi tiếng của thế giới như illie Holiday, Ray Charles, Ricky Nelson (Mỹ), Sarah Brightman (Ireland), Serge Gainsbourg (Pháp) đã chọn để thể hiện và bài hát vẫn tồn tại đến tận ngày hôm nay.

Có một điều kỳ lạ khác là người ta ghi nhận Rezso Seress cha đẻ của bài hát nổi tiếng này hoàn toàn không biết gì về…nhạc lý. Rezso Seress sinh năm 1899 trong một gia đình gốc người Do Thái. Ngoài bài hát Chủ nhật buồn do chính ông sáng tác được cả thể giới biết đến thì dường như suốt 40 năm Rezso Seress không hề có tác phẩm nào khác. Sau khi nhạc bài hát Chủ nhật buồn được cho là có liên quan đến nhiều vụ tự tử Seress sau đó đã cố gắng thu hồi bài hát của mình nhưng bất thành.

35 năm sau khi Chủ nhật buồn ra đời tác giả Rezso Seress cũng đã tự kết thúc cuộc đời của của mình vào tháng 1.1968 bằng cách nhảy từ tầng 4 của một tòa nhà xuống sân….

Trở lại câu chuyện đặt lời Việt cho bài hát Chủ nhật buồn của cố nhạc sĩ Phạm Duy. Theo hồi ký của nhạc sĩ Phạm Duy cho biết, ông dịch và đặt lời Việt cho các khúc nước ngoài với lý do rất đơn giản bởi chính bản thân ông rất thích những ca khúc đó. Các nhạc sĩ nước ngoài sáng tác âm nhạc không chỉ hay về tiết tấu, giai điệu mà trong ca từ luôn mang những ý nghĩa sâu sắc “ý tại ngôn ngoại” nữa.

Nhạc sĩ Phạm Duy nói về hoàn cảnh ra đời những ca khúc của mình trong một đêm nhạc của gia tộc họ Phạm được tổ chức ở TP.HCM năm 2011 - Ảnh: Tiểu Vũ

Chủ nhật buồn được nhạc sĩ Phạm Duy đăt lời Việt từ những năm 1950 của thế kỷ trước. Đó là thời gian ông đi du học ở Pháp ông có giao du với nhiều nhạc sĩ người Pháp và rất thích những ca khúc của họ. Nhạc sĩ Phạm Duy đã nhiều lần nghe ca khúc Chủ nhật buồn bằng tiếng Pháp, sau đó ông đã bắt tay vào việc đặt lời Việt cho ca khúc này. Ban đầu nhạc sĩ Phạm Duy không hề nghĩ đây là bản nhạc của Rezso Seress mà chỉ nghĩ đây là một bản nhạc Pháp được phóng tác từ dân ca Hungary.

Nhiều nhà ngôn ngữ âm nhạc nhận xét, bài hát Chủ nhật buồn tuy được Phạm Duy dịch từ tiếng Pháp nhưng về tinh thần bài hát vẫn rất sát với ý nghĩa nguyên gốc bài hát Szomorú Vasárnap của Rezso Seress.

Lúc sinh thời, khi tự nhận xét về bài hát Chủ nhật buồn do mình dịch lời Việt,Phạm Duy nói: “Chủ nhật buồn” có thể đã ảnh hưởng nhiều đến dòng nhạc tình nói về thân phận những cặp tình nhân yêu nhau trong cơn mê sảng và nhức nhối, với tâm thức có thể xa nhau (vĩnh viễn) bất cứ lúc nào, xuất hiện ở miền Nam cuối thập niên 50 thế kỷ trước”.

Tiểu Vũ
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Về bài hát ‘tử thần’ của cố nhạc sĩ Phạm Duy