Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có văn bản trả lời Công văn số 8143/BNN-BVTV của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc góp ý Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phân bón.
Theo VCCI, tại Điểm b, Khoản 2, Điều 6 Dự thảo Nghị định quy định mức xử phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi “địa điểm sản xuất, diện tích nhà xưởng không phù hợp với công suất của dây chuyền, máy móc thiết bị sản xuất phân bón” là chưa rõ ràng.
Lý do là việc xác định như thế nào được cho là địa điểm sản xuất, diện tích nhà xưởng không phù hợp với công suất của dây chuyền, máy móc thiết bị sản xuất phân bón không được quy định cụ thể. Điều này dẫn tới việc trao quá nhiều quyền quyết định điều kiện có phù hợp hay không cho cán bộ thực thi, gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Từ đó, VCCI đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định tại Điểm b, khoản 2, Điều 6, trường hợp vẫn giữ quy định xử phạt này thì cần quy định rõ thế nào là “không phù hợp”.
Tại Điểm c, Khoản 5, Điều 6 quy định mức độ xử phạt đối với hành vi “không thực hiện thu hồi phân bón hoặc không tuân thủ thời hạn thu hồi phân bón theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền”. VCCI cho rằng, xét về bản chất, đây là 2 hành vi có tính chất, mức độ vi phạm khác nhau, trong đó hành vi “không thực hiện thu hồi phân bón” có tính chất nguy hiểm hơn “không tuân thủ thời hạn thu hồi phân bón”.
Do đó, việc xếp chung 2 hành vi này vào một khung xử phạt là chưa hợp lý. Vì vậy, VCCI đề nghị Ban soạn thảo phân tách thành 2 hành vi, xác định khung phạt tiền khác nhau và xác định rõ số ngày tối đa không tuân thủ thu hồi được xem là không thu hồi sản phẩm, còn ít hơn số ngày tối đa trênthì mức phạt tiền sẽ thấp hơn.
Dự thảo cũng quy định xử phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi “sản xuất phân bón cho tổ chức khác mà không có hợp đồng được ký kết giữa 2 bên”. Theo VCCI, trên thực tếđây là mối quan hệ giữa các bên trong giao dịch thương mại, hình thức của giao dịch (có hợp đồng hay không có hợp đồng; hình thức hợp đồng bằng văn bản hay không) không gây ảnh hưởng hay rủi ro nào đáng kể đến trật tự quản lý nhà nước trong lĩnh vực phân bón.
Vì vậy, VCCI cho rằng việc xử phạt đối với hành vi này là chưa hợp lý và đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định này.
Khoản 2, Điều 11 quy định phạt tiền “từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm sử dụng phân bón không có Quyết định công nhận lưu hành tại Việt Nam”.
Tuy nhiên, theo VCCI, quy định xử phạt đối với người sử dụng trong trường hợp trên là chưa hợp lý, vì trong nhiều trường hợp họ không thể biết được sản phẩm phân bón có Quyết định công nhận lưu hành tại Việt Nam hay không. Đây là trách nhiệm của người cung cấp phân bón.
Mặt khác, hiện nay các quy định về phân bón cũng đã quản lý theo hướng xác định trách nhiệm của nhà sản xuất, nhập khẩu, buôn bán phân bón đối với quy cách, chất lượng sản phẩm đưa vào lưu thông trên thị trường.
Theo quy định tại Luật xử lý vi phạm hành chính, hành vi vi phạm hành chính được xác định khi người vi phạm có lỗi. Trường hợp trên, người sử dụng không có lỗi nên xử phạt đối tượng này là chưa phù hợp. Do đó, VCCI đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bỏ quy định tại Khoản 2, Điều 11 Dự thảo.
Hoài Phong