Việc dự kiến dồn quá nhiều dự án luật vào các kỳ họp cuối của nhiệm kỳ Quốc hội khóa 15 sẽ ảnh hưởng đến công tác xây dựng, thẩm tra và chất lượng các dự án luật.
Chiều 6.9, Ủy ban Tài chính, Ngân sách (TCNS) của Quốc hội báo cáo về tình hình, kết quả thực hiện Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 và triển khai Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh các tháng cuối năm 2023, năm 2024 thuộc lĩnh vực tài chính, ngân sách.
Phó chủ nhiệm Ủy ban TCNS Nguyễn Vân Chi cho biết, ủy ban được phân công theo dõi, đôn đốc triển khai 12 nhiệm vụ nghiên cứu, rà soát luật làm cơ sở xác định các nhiệm vụ lập pháp của Quốc hội khoá 15, gồm 9 luật thuế và 3 luật về quản lý TCNS.
Đến nay, các cơ quan liên quan của Chính phủ đã hoàn thành việc nghiên cứu, rà soát 12 văn bản luật nêu trên và đã đề xuất việc sửa đổi đối với 8 dự án luật trong nhiệm kỳ Quốc hội khoá 15; 3 dự án đề xuất chuyển sang nhiệm kỳ Quốc hội khoá 16 (trong đó có Luật Ngân sách nhà nước và 2 dự án Luật Thuế) và 1 dự án đề nghị không sửa đổi (Luật Quản lý thuế).
Về kết quả xây dựng pháp luật, bà Chi cho hay đã hoàn thành 1/12 nhiệm vụ lập pháp được giao (Luật Giá). Ngoài ra, Ủy ban TCNS đã hoàn thành một số nhiệm vụ lập pháp không thuộc Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 như: Luật Đấu thầu và 15 dự án Luật/Nghị quyết có nội dung về thuế.
Đối với 11/12 nhiệm vụ còn lại của Kế hoạch 81/KH-UBTVQH15, hiện chưa có hồ sơ dự án nào được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của các năm 2022, 2023 và năm 2024.
Bà Nguyễn Vân Chi cũng chỉ rõ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Thường trực Ủy ban TCNS nhận thấy tất cả 15 dự án luật/nghị quyết có nội dung về thuế mà Quốc hội đã thông qua từ đầu nhiệm kỳ cho đến nay đều được trình bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh trong thời gian rất ngắn trước kỳ họp và được thông qua theo trình tự, thủ tục rút gọn. Vì vậy, Thường trực Ủy ban TCNS luôn trong tình trạng bị động và không có thời gian nghiên cứu trước khi thực hiện công tác thẩm tra.
Về tiến độ, kế hoạch dự kiến đối với các dự án luật thuế, thời gian dự kiến trình hồ sơ các dự án luật đã liên tục được lùi lại qua các lần báo cáo, đặc biệt đối với các dự án luật quan trọng, có nhiều vấn đề cần được sửa đổi như Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), giá trị gia tăng (GTGT), thu nhập doanh nghiệp (TNDN).
Ủy ban cũng cho rằng trên thực tế không có dự án luật thuế nào được trình Quốc hội theo kế hoạch từ đầu nhiệm kỳ cho đến hết năm 2023. Cơ quan được giao nhiệm vụ xây dựng dự án luật của Chính phủ dự kiến sẽ tập trung trình các dự án luật thuế vào các kỳ họp cuối của nhiệm kỳ Quốc hội khóa 15. 6 dự án luật thuế sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua trong 3 năm 2024 - 2026.
Như vậy, mỗi kỳ họp Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến hoặc thông qua đối với 2 dự án luật thuế, đặc biệt tại kỳ họp tháng 10.2024, cơ quan xây dựng dự án luật dự kiến trình Quốc hội 4 dự án luật về thuế.
“Việc dự kiến dồn quá nhiều dự án luật vào các kỳ họp cuối của nhiệm kỳ Quốc hội khóa 15 sẽ ảnh hưởng đến công tác xây dựng, thẩm tra và chất lượng các dự án luật. Các cơ quan của Quốc hội luôn trong tình trạng bị động, không có cơ sở đôn đốc và triển khai nghiên cứu, chuẩn bị thẩm tra từ sớm, từ xa”, Ủy ban TCNS nêu.
Bà Nguyễn Vân Chi cũng cho biết yêu cầu phải thực hiện các quy định về Thuế tối thiểu toàn cầu đã được các cơ quan liên quan của Chính phủ đề cập, đồng thời các doanh nghiệp FDI cũng đã nhiều lần đề nghị sớm nội luật hóa các quy định để bảo đảm cơ sở áp dụng cho kỳ tính thuế TNDN năm 2024.
Hiện Chính phủ dự kiến sẽ trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 10.2023 hai dự án Nghị quyết thí điểm để thực hiện Thuế tối thiểu toàn cầu theo trình tự, thủ tục rút gọn. Tuy nhiên, các cơ quan của Chính phủ đang đề xuất lùi thời hạn trình Quốc hội dự án Luật Thuế TNDN từ kỳ họp tháng 5.2024 sang kỳ họp tháng 10.2024.
Vì vậy, Thường trực Ủy ban TCNS cho rằng, các cơ quan liên quan của Chính phủ cần khẩn trương tập trung xây dựng dự án sửa Luật Thuế TNDN, đặc biệt là nội dung về chính sách ưu đãi đầu tư thông qua thuế TNDN trong bối cảnh thực hiện Thuế tối thiểu toàn cầu và coi đây là một trong những nhiệm vụ lập pháp ưu tiên cần hoàn thành trong năm 2024.