Theo thông tin từ Cục Di sản Văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), di sản Hát Xoan của Việt Nam đã chính thức được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

UNESCO chính thức đưa Hát Xoan khỏi danh sách cần bảo vệ khẩn cấp

Tiểu Vũ | 08/12/2017, 11:57

Theo thông tin từ Cục Di sản Văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), di sản Hát Xoan của Việt Nam đã chính thức được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Quyết định này được đưa ra tại Phiên họp Ủy ban Liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 12 của UNESCO diễn ra sáng 8.12 tại đảo Jeju (Hàn Quốc).

Đây là di sản đầu tiên trên thế giới có sự chuyển đổi đặc biệt từ Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp sang Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Trước đó, với những giá trị lịch sử, văn hóa độc đáo, ngày 24.11.2011, UNESCO đã chính thức ghi danh Hát Xoan vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của thế giới.

Hát Xoan (còn có tên gọi khác là Hát Lãi Lèn, Hát Đúm, Hát Thờ, Hát Cửa đình) bắt nguồn từ hình thức hát thờ các Vua Hùng. Đây là một trong những nét sinh hoạt văn hóa độc đáo của nhân dân Phú Thọ.

Hát Xoan là một trong những nét sinh hoạt văn hóa độc đáo của nhân dân Phú Thọ - Ảnh: TTXVN

Hát Xoan thường được tổ chức vào mỗi dịp Tết đến, Xuân về để tưởng nhớ công ơn các vua Hùng, đón chào năm mới và cầu mong một năm mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt, nhà nhà no đủ, quốc thái dân an.

Thông thường, nghệ thuật Hát Xoan khi được trình diễn đầy đủ sẽ bao gồm ba chặng: Hát Thờ (tưởng nhớ các Vua Hùng, các vị thần, những người có công với dân, với nước và tổ tiên của các dòng họ), Hát Nghi lễ (ca ngợi thiên nhiên, con người, đời sống sản xuất, sinh hoạt của cộng đồng), Hát Hội (bày tỏ khát vọng trong cuộc sống, tình yêu nam nữ với những làn điệu đậm chất trữ tình, vui nhộn, được thể hiện qua hình thức hát đối đáp giữa trai, gái làng sở tại và các đào, kép của phường Xoan...).

Đại diện Cục Di sản Văn hóa cho biết, âm nhạc trong Hát Xoan được cấu thành chủ yếu từ những thang ba âm, bốn âm. Giai điệu Xoan mộc mạc, tiết tấu đơn giản. Nhạc cụ sử dụng khi trình diễn Hát Xoan là trống và phách tre.

Lời Hát Xoan thường được thể hiện dưới dạng thơ song thất lục bát, lục bát, thất ngôn hoặc lục bát biến thể... Bên cạnh đó, nghệ thuật Hát Xoan còn có các điệu múa (kết hợp với việc sử dụng các đạo cụ như quạt, nậm rượu...).

Trong Hát Xoan, kép nam thường làm nhiệm vụ hát dẫn (lĩnh xướng), múa, đệm trống con, trống cái; đào nữ thường đóng vai trò hát phỏng (hát nhắc lại), hát đối đáp và múa.

Việc UNESCO ghi danh Hát Xoan vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại khẳng định những nỗ lực của các cấp, các ngành và cộng đồng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc.

Như vậy, bên cạnh Hát Xoan, Việt Nam còn có 11 di sản được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể của thế giới, bao gồm: Nhã nhạc cung đình Huế (2003), Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên (2005), Dân ca quan họ (2009), Ca trù (2009), Hội Gióng (2010), Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương (2012), Đờn ca tài tử (2013), Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh (2014), Nghi lễ và trò chơi kéo co (2015), Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt (2016) và Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ (2017)./.

Theo: TTXVN
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
10 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
UNESCO chính thức đưa Hát Xoan khỏi danh sách cần bảo vệ khẩn cấp