Phó thủ tướng Ukraine - Mykhailo Fedorov cho biết nước này sẽ tạo ra đội quân IT (công nghệ thông tin) để chiến đấu chống lại sự xâm nhập kỹ thuật số của Nga.
Hôm 25.2, Reuters đưa tin Ukraine đã kêu gọi hacker hoạt động ngầm giúp bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng và thực hiện các nhiệm vụ gián điệp mạng chống lại quân đội Nga.
"Chúng tôi đang tạo ra một đội quân IT, sẽ có những nhiệm vụ dành cho tất cả mọi người. Chúng tôi tiếp tục chiến đấu trên mặt trận không gian mạng. Nhiệm vụ đầu tiên là trên kênh dành cho các chuyên gia không gian mạng", ông Mykhailo Fedorov viết trong một tweet được liên kết với kênh trên Telegram công bố danh sách các trang web nổi tiếng của Nga.
Kênh Telegram này đã liệt kê các trang web của 31 doanh nghiệp và tổ chức nhà nước lớn của Nga, bao gồm cả tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom, nhà sản xuất dầu lớn thứ hai Nga - Lukoil, ba ngân hàng và một số trang web của chính phủ.
Kremlin.ru, trang web chính thức của Điện Kremlin và văn phòng Tổng thống Nga Putin, đã ngừng hoạt động hôm 26.2 sau các cuộc tấn công từ chối dịch vụ (DDoS). Nhiều trang web truyền thông nhà nước và chính phủ Nga khác cũng bị DDoS. Anonymous tự nhận là tác giả của các cuộc tấn công này.
Anonymous là nhóm hacker khét tiếng nhất thế giới ra đời năm 2003 thông qua một lời kêu gọi trên diễn đàn 4chan. Biểu tượng của nhóm là người đàn ông đeo mặt nạ Guy Fawkes như trong phim V for Vendetta. Anonymous hoạt động phi tập trung, tức không có lãnh đạo, không phân cấp trong tổ chức.
Rạng sáng 25.2, các tài khoản Twitter có lịch sử liên kết với Anonymous cảnh báo sẽ tấn công vào các hệ thống mạng của cơ quan chính phủ Nga.
Ít giờ sau, Anonymous thông báo đã đánh sập hàng loạt trang web Nga, bao gồm các nhà cung cấp internet như PTT-Teleport Moscow, Relcom, Sovam Teleport và Com2Com. Trang web đài truyền hình nhà nước RT News của Nga cũng liên tục trong tình trạng gián đoạn dịch vụ.
Một tài khoản Anonymous khác cũng lên tiếng nhận trách nhiệm về việc đánh sập các trang web của Điện Kremlin, chính phủ Nga và Bộ Quốc phòng Nga.
Không có gì lạ khi các hacker hoạt động tự do hoặc có động cơ tư tưởng nhảy vào các cuộc xung đột toàn cầu từ bên này hay bên khác. Những hành động tương tự đã diễn ra trong các cuộc nổi dậy Mùa xuân Ả Rập.
Hôm 24.2, Conti, nhóm tội phạm mạng ở Nga từng sử dụng ransomware tống tiền hàng triệu USD từ nhiều công ty Mỹ và châu Âu, đã tuyên bố sẽ tấn công những kẻ thù của Điện Kremlin nếu họ đáp trả Nga. Trong một bài đăng trên blog, Conti cho biết "ủng hộ hoàn toàn" chính phủ của Tổng thống Vladimir Putin.
"Nếu ai đó quyết định tổ chức một cuộc tấn công mạng hoặc bất kỳ hoạt động chiến tranh nào chống lại Nga, chúng tôi sẽ sử dụng tất cả các nguồn lực có thể để tấn công lại các cơ sở hạ tầng quan trọng của kẻ thù", bài đăng trên blog Conti viết.
Theo các nhà nghiên cứu của công ty an ninh mạng ESET, phần mềm xóa dữ liệu độc hại đã được phát hiện lưu hành ở Ukraine vào tuần trước, tấn công hàng trăm máy tính.
Sự nghi ngờ đổ dồn lên Nga, quốc gia đã nhiều lần bị cáo buộc tấn công Ukraine và các nước khác. Các nạn nhân ở Ukraine có các cơ quan chính phủ và một tổ chức tài chính.
Anh và Mỹ cho biết hacker quân sự Nga đứng sau hàng loạt cuộc DDoS vào tuần trước, đánh sập các trang web của ngân hàng và chính phủ Ukraine trong thời gian ngắn, trước khi Nga tấn công nước láng giềng hôm 24.2. Nga đã bác bỏ các cáo buộc đó.
YouTube chặn RT và các kênh khác của Nga kiếm tiền từ quảng cáo
Hôm 26.2, YouTube đã cấm RT News và các kênh khác của Nga kiếm tiền từ các quảng cáo bằng video, một động thái tương tự của Facebook.
Trích dẫn "các trường hợp bất thường", YouTube cho biết đang "tạm dừng khả năng kiếm tiền trên YouTube của một số kênh, bao gồm một số kênh của Nga có liên quan đến các lệnh trừng phạt gần đây". Vị trí đặt quảng cáo phần lớn do YouTube kiểm soát.
Liên minh châu Âu (EU) hôm 23.2 đã công bố các biện pháp trừng phạt với các cá nhân, gồm cả Margarita Simonyan, người mà họ mô tả là Tổng biên tập RT News và là "nhân vật trung tâm của hoạt động tuyên truyền của Nga".
Farshad Shadloo, người phát ngôn của YouTube, cho biết các video từ các kênh bị ảnh hưởng cũng ít xuất hiện hơn trong các đề xuất. Ông nói thêm rằng RT News và một số kênh khác sẽ không thể truy cập được ở Ukraine nữa do yêu cầu của chính phủ nước này.
Mykhailo Fedorov, Bộ trưởng Bộ Chuyển đổi Kỹ thuật số Ukraine, tweet vào ngày 26.2 rằng ông đã liên hệ với YouTube "để chặn các kênh tuyên truyền của Nga, chẳng hạn như Russia 24, TASS, RIA Novosti".
Trong nhiều năm, các nhà lập pháp và một số người dùng đã kêu gọi YouTube, thuộc sở hữu của Alphabet, có hành động lớn hơn với các kênh có quan hệ với chính phủ Nga vì lo ngại rằng họ phát tán thông tin sai lệch và thu lợi từ điều đó .
Nhà nghiên cứu kỹ thuật số Omelas từng nói với Reuters rằng ước tính Nga đã nhận được khoảng 7 đến 32 triệu USD trong khoảng thời gian 2 năm kết thúc vào tháng 12.2018 từ các quảng cáo trên 26 kênh YouTube mà nước này hỗ trợ.
Trước đây, YouTube nói rằng không coi các kênh truyền thông do nhà nước tài trợ tuân thủ các quy tắc của nó khác với các kênh khác khi chia sẻ doanh thu quảng cáo.
Hôm 25.2, Meta Platforms, chủ sở hữu của Facebook, đã cấm các phương tiện truyền thông nhà nước Nga chạy quảng cáo hoặc tạo doanh thu từ quảng cáo trên các dịch vụ của mình ở bất kỳ đâu trên thế giới.