Cục Tin học hóa đã thống kê, đến tháng 9.2020, trên cả nước tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức 4 đã đạt 19,1%, gấp gần 4,2 lần so với năm 2018.

Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức 4 trên cả nước tăng cao

18/09/2020, 11:42

Cục Tin học hóa đã thống kê, đến tháng 9.2020, trên cả nước tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức 4 đã đạt 19,1%, gấp gần 4,2 lần so với năm 2018.

Phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, chuyển đổi số là chủ trương, định hướng quan trọng của quốc gia - Ảnh: BTC

Theo ông Nguyễn Trọng Đường – Phó cục trưởng Cục Tin học hóa (Bộ TT-TT), Chính phủ số (digital government) là chính phủ được thiết kế và vận hành để tận dụng lợi thế của dữ liệu trong việc tối ưu hóa, chuyển đổi và tạo ra các dịch vụ của chính phủ (gartner). Chính phủ số đề cập đến việc sử dụng các công nghệ số như là một phần của các chiến lược hiện đại hóa của chính phủ nhằm tạo ra giá trị, đem lại lợi ích cho xã hội.

Ngoài ra, Chính phủ số cũng được hiểu là chính phủ đưa toàn bộ hoạt động của mình lên môi trường số, không chỉ là nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động mà còn đổi mới mô hình hoạt động, thay đổi cách thức cung cấp dịch vụ dựa trên công nghệ số và dữ liệu, cho phép doanh nghiệp cùng tham gia vào quá trình cung cấp dịch vụ. Hay nói một cách khác, đây là quá trình chuyển đổi số của chính phủ.

Theo đó, chiến lược phát triển giai đoạn 2021 - 2025, định hướng 2030 đã được xác định cụ thể. Giai đoạn 2021 - 2025, Chính phủ hoạt động, ra quyết định và cung cấp dịch vụ số chủ động theo nhu cầu của người dân, doanh nghiệp một cách tối ưu dựa trên dữ liệu. Từng bước mở dữ liệu, đặt mục tiêu nằm trong nhóm 70 quốc gia theo xếp hạng Chính phủ điện tử của Liên Hợp Quốc, 80% cơ quan nhà nước cung cấp dữ liệu mở, 50% hoạt động kiểm tra thực hiện trên môi trường số.

Giai đoạn 2025 – 2030, Chính phủ số với mô hình nhiều thành phần, nhiều kênh cung cấp dịch vụ số mới dựa trên hệ sinh thái; top 50 quốc gia theo xếp hạng Chính phủ điện tử của Liên Hợp Quốc, 50% dịch vụ công có sự tham gia cung cấp bởi các tổ chức ngoài nhà nước, tăng 30% dịch vụ sáng tạo dựa trên dữ liệu, 70% hoạt động kiểm tra thực hiện trên môi trường số.

Về dịch vụ công trực tuyến, ông Đường cho biết Cục Tin học hóa đã thống kê được đến tháng 9.2020, trên cả nước tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức 4 đã đạt 19,1%, gấp gần 4,2 lần so với năm 2018. Trong đó, có 9 bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và 15 tỉnh, thành phố đã đạt tỷ lệ trên 30%. Đặc biệt, Bộ Y tế và Bộ TT-TT đã cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến mức 4; tỉnh Thừa Thiên-Huế cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4, với riêng mức 4 đạt gần 55%.

Để đạt mục tiêu Chính phủ đặt ra là cung cấp tối thiểu 30% dịch vụ công trực tuyến mức 4 trong năm nay, Bộ TT-TT đang nỗ lực, đổi mới cách làm, đổi mới mô hình triển khai làm sao để thúc đẩy nhanh việc triển khai dịch vụ công trực tuyến mức 4.

Cũng tại Hội thảo quốc gia về Chính phủ điện tử năm 2020 được tổ chức tại TP.HCM (ngày 17.9), qua cầu truyền hình trực tuyến từ Hà Nội. Thứ trưởng Bộ TT-TT Phạm Anh Tuấn cho biết phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, Chuyển đổi số là chủ trương, định hướng quan trọng của quốc gia đã được Bộ Chính trị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm, chỉ đạo quyết liệt trong thời gian qua.

Thực hiện các chủ trương, thời gian qua Chính phủ, các bộ ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số đã vào cuộc quyết liệt triển khai xây dựng Chính phủ điện tử, cung cấp dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Về phía doanh nghiệp, Tổng công ty Viễn thông MobiFone cùng các doanh nghiệp CNTT hàng đầu Việt Nam đã mang đến triển lãm những giải pháp công nghệ hiện đại, phục vụ hữu ích cho xây dựng Chính phủ điện tử, xã hội số và nền kinh tế số. Điển hình như giải pháp Xác thực khách hàng điện tử eKYC, Giao thông thông minh MobiFone AI Traffic, Giải pháp văn phòng điện tử MobiFone Eoffice, Dịch vụ xác thực và cung cấp chứng thư số cho thiết bị di động (MobiCA), Giải pháp truyền thanh thông minh thế hệ mới…

Thu Anh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
8 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức 4 trên cả nước tăng cao