Ngay sau khi Hà Nội công bố 3 môn thi vào lớp 10 năm học 2023-2024, nhiều chuyên gia, phụ huynh đã đồng tình và đưa ra quan điểm về cách tính điểm của 3 môn này.

Tuyển sinh lớp 10: Nhân đôi điểm môn Toán, Ngữ văn liệu có còn phù hợp?

Dạ Thảo | 24/02/2023, 10:20

Ngay sau khi Hà Nội công bố 3 môn thi vào lớp 10 năm học 2023-2024, nhiều chuyên gia, phụ huynh đã đồng tình và đưa ra quan điểm về cách tính điểm của 3 môn này.

UBND TP.Hà Nội vừa công bố 3 môn thi trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT công lập năm học 2023-2024 gồm Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ. Đây cũng là phương án tuyển sinh lớp 10 được nhiều địa phương khác lựa chọn, trong đó hầu hết đều quy định điểm số môn Ngữ văn, Toán nhân hệ số 2; còn Ngoại ngữ hệ số 1.

Tuy nhiên, cách tính điểm này nhận nhiều quan điểm trái chiều, trong đó nhiều ý kiến cho rằng đây là cách tính điểm cũ không còn phù hợp với chương trình GDPT mới.

Cô Nguyễn Mỹ Hảo, giáo viên Trường THCS Nghĩa Tân, Cầu Giấy, cho rằng hiện nay việc nhân đôi điểm của 2 môn Toán và Ngữ văn trong các kỳ thi đã không còn phù hợp. Trong xã hội hiện đại, ngoại ngữ đã trở nên rất phổ biến và quan trọng. Thậm chí một số trường ĐH đã xét tuyển thẳng nếu học sinh có bằng IELTS 6.5 trở lên.

"Học sinh muốn đạt loại giỏi thì điểm trung bình các môn phải đạt yêu cầu. Việc nhân đôi hệ số môn Toán và Ngữ văn khiến học sinh chỉ tập trung 2 môn đó trong khi các môn khác lại xem nhẹ. Với sự phát triển của xã hội thời đại 4.0, mức độ quan trọng của các môn học là ngang nhau, thậm chí Ngoại ngữ còn được ưu tiên hơn vì xu hướng phát triển toàn cầu. Chính vì thế cách tính điểm nên bình đẳng giữa các môn, việc nhân đôi hệ số rõ ràng thể hiện coi trọng môn Toán và Ngữ văn hơn môn Ngoại ngữ", cô Hảo cho ý kiến.

16.jpg
Theo chuyên gia, nhân đôi điểm môn Ngữ văn và Toán dễ khiến học sinh học lệch

Đồng quan điểm, thầy Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD-ĐT) cũng cho rằng không nên nhân đôi điểm số môn Toán và Ngữ văn.

“Lâu nay các địa phương vẫn nhân đôi điểm môn Toán và Ngữ văn trong một số kỳ thi, đồng nghĩa với việc đang ngầm tăng trọng số, mức độ quan trọng của 2 môn học này so với các môn khác trong chương trình. Tuy nhiên bậc THCS nên để học sinh học đều tất cả các môn. Thi cử không nên làm thay đổi mục tiêu của giáo dục. Năng lực cần hình thành một cách toàn diện”, thầy Vinh nói.

Cũng theo thầy Hoàng Ngọc Vinh, việc nhân đôi điểm ở 2 môn Toán và Ngữ văn sẽ dẫn đến tình trạng các học sinh đi học thêm, học lệch, thậm chí dẫn đến việc ứng xử giữa các thầy cô trong trường không được hài hòa, mất đi sự nhân văn của giáo dục.

Cách tính điểm môn Toán, Ngữ văn có thể tạo ra cảm giác học sinh chỉ cần học tốt 2 môn chính (vì nhân hệ số) còn môn kia không quan trọng. Nhưng trong thực tế đã có trường hợp học sinh học rất giỏi môn tiếng Anh nhưng lại bị điểm kém môn Toán, nên vẫn bị trượt tốt nghiệp và trượt cả vào trường công lập. 

Bên cạnh đó, dù có nhân hệ số hay không thì nguyên tắc xét tuyển của các trường là lấy điểm từ cao xuống thấp cho đến khi đủ chỉ tiêu. Do vậy việc có nhân hệ số hay không cũng không ảnh hưởng gì nhiều đến việc tuyển sinh bởi chỉ tiêu đã được ấn định trước khi thi.

Chính vì thế, theo các chuyên gia, đã đến lúc ngành giáo dục cần thay đổi cách tính điểm của kỳ tuyển sinh vào lớp 10. Theo đó, tính theo hệ số 1 tất cả các môn thi tuyển nhằm đảm bảo đảm công bằng, bình đẳng giữa các bộ môn. Việc này cũng nhằm đánh giá được năng lực của học sinh, giúp cho việc tuyển sinh vào 10 được chính xác nhất, phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế
2 giờ trước Sự kiện
Ngày 27.11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Phòng không nhân dân; Luật Công đoàn (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tuyển sinh lớp 10: Nhân đôi điểm môn Toán, Ngữ văn liệu có còn phù hợp?