Tướng Stephen Whiting, người đứng đầu Bộ Tư lệnh Không gian Mỹ, đã kêu gọi Trung Quốc tăng cường thông báo về mảnh vỡ không gian khi gia tăng phóng tên lửa để xây dựng mạng lưới vệ tinh cạnh tranh với Starlink của SpaceX.
Nhịp đập khoa học

Tướng Mỹ thúc giục Trung Quốc báo cáo về mảnh vỡ không gian khi mạng lưới vệ tinh G60 được phóng

Sơn Vân 01/09/2024 11:22

Tướng Stephen Whiting, người đứng đầu Bộ Tư lệnh Không gian Mỹ, đã kêu gọi Trung Quốc tăng cường thông báo về mảnh vỡ không gian khi gia tăng phóng tên lửa để xây dựng mạng lưới vệ tinh cạnh tranh với Starlink của SpaceX.

Phát biểu tại một hội thảo ở bang Colorado (Mỹ) tuần này, Tướng Stephen Whiting đã chỉ ra hai lần Trung Quốc phóng vệ tinh để lại rất nhiều mảnh vỡ trên quỹ đạo trong hai năm qua.

“Tôi hy vọng lần tới khi có một vụ phóng tên lửa như vậy để lại nhiều mảnh vỡ thì không phải các cảm biến của chúng tôi phát hiện đầu tiên, mà chúng tôi nhận được các thông báo giúp hiểu rõ hơn điều đó, giống cách Mỹ giao tiếp với các nước khác”, người đứng đầu Bộ Tư lệnh Không gian Mỹ cho biết.

Trung Quốc đã tăng tần suất phóng tên lửa khi tìm cách mở rộng mạng lưới vệ tinh quỹ đạo Trái đất tầm thấp của mình, gồm cả việc xây dựng Chòm sao Thiên Phàm khổng lồ (còn được gọi là Chòm sao G60) để cạnh tranh với mạng lưới Starlink của SpaceX, nhà cung cấp dịch vụ phóng vệ tinh hàng đầu thế giới do Elon Musk điều hành.

Theo Bộ Tư lệnh Không gian Mỹ, vụ phóng vệ tinh Thiên Phàm đầu tiên vào đầu tháng 8 đã tạo ra một đám mây "hơn 300 mảnh vỡ có thể theo dõi trên quỹ đạo Trái đất tầm thấp".

Vào ngày 6.8, tổng cộng 18 vệ tinh đã được đưa lên quỹ đạo bằng tên lửa Trường Chinh 6A, cất cánh từ Trung tâm Phóng vệ tinh Thái Nguyên ở miền trung Trung Quốc. Sự kiện này đánh dấu bước khởi đầu của mạng lưới băng thông rộng 14.000 vệ tinh đầy tham vọng để Trung Quốc cạnh tranh với Starlink, nhà khai thác dịch vụ internet hàng đầu từ quỹ đạo Trái đất tầm thấp. Thế nhưng, tầng trên của tên lửa phóng đã vỡ tan ngay sau khi hoàn thành nhiệm vụ.

Theo phương tiện truyền thông, các công ty theo dõi không gian của Mỹ ước tính sự kiện này đã tạo ra hơn 700 mảnh vỡ. Đây trở thành một trong những vụ vỡ tên lửa lớn nhất trong lịch sử.

Sự kiện tương tự đã xảy ra vào tháng 11.2022, khi một tên lửa Trường Chinh 6A khác bị vỡ trên quỹ đạo và phân tán hơn 530 mảnh vỡ có thể theo dõi được, theo báo cáo của NASA (Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ).

Tại hội thảo do Bộ Tư lệnh Không gian Mỹ tổ chức tại Căn cứ Không gian Peterson gần đây, Tướng Stephen Whiting cho biết Mỹ đã "cung cấp phần lớn dữ liệu theo dõi mà chúng tôi có" và thông báo về mảnh vỡ không gian cho Trung Quốc.

Stephen Whiting nói thêm rằng trong năm qua, "chúng tôi đã thấy vài lần họ phản hồi thông báo". Ông gọi đây là động thái "tích cực", nhưng lưu ý rằng vẫn có những trường hợp Mỹ không được thông báo.

Về chủ đề vụ nổ tầng trên của tên lửa Trung Quốc, người điều hành hội thảo Kevin Chilton, thành viên cấp cao của Đại học Quốc phòng, cho biết Mỹ "cũng từng gặp vấn đề đó", nhưng đã bắt đầu xả nhiên liệu và khí từ các tầng tên lửa trước khi chúng vào quỹ đạo.

Dù Mỹ không chắc chắn liệu Trung Quốc có làm như vậy hay không, Stephen Whiting cho biết: "Chúng tôi chắc chắn không muốn thấy loại mảnh vỡ đó bay lên không gian".

Tên lửa Trường Chinh 6A, phương tiện phóng trung bình hai tầng được cung cấp năng lượng bởi động cơ dầu hỏa oxy lỏng với 4 bộ tăng cường nhiên liệu rắn, thường được sử dụng để phóng vệ tinh.

Thế nhưng, lịch sử để lại mảnh vỡ của Trường Chinh 6A đã thu hút sự chú ý của quốc tế, vì mảnh vỡ làm tăng nguy cơ va chạm và đe dọa tính bền vững của không gian.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc xác nhận về hai sự cố mảnh vỡ không gian lớn.

Lâm Kiếm, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, nói vào ngày 14.8 rằng: "Trung Quốc đã thực hiện các biện pháp cần thiết và đang theo dõi chặt chẽ các khu vực quỹ đạo có liên quan và tiến hành phân tích dữ liệu sau lần phóng đầu tiên của Chòm sao Qianfan”.

"Chúng tôi đã đưa ra quy định là luôn thực hiện các biện pháp giảm thiểu mảnh vỡ không gian sau khi vệ tinh và tên lửa đẩy hoàn thành nhiệm vụ, nhằm giúp bảo vệ môi trường không gian bên ngoài và đảm bảo tính bền vững lâu dài của các hoạt động không gian bên ngoài", Lâm Kiếm nói.

Đáp lại sự cố xảy ra vào tháng 11.2022, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết vụ việc này sẽ "không ảnh hưởng đến Trạm Vũ trụ Trung Quốc hoặc Trạm Vũ trụ Quốc tế".

tuong-my-thuc-giuc-trung-quoc-bao-cao-ve-manh-vo-khong-gian-khi-mang-luoi-ve-tinh-g60-duoc-phong.jpg
Tên lửa mang theo vệ tinh cho Chòm sao Thiên Phàm được phóng lên từ Trung tâm phóng vệ tinh Thái Nguyên vào ngày 6.8 - Ảnh: CCTV

Cuối tháng 11.2023, Trung Quốc tuyên bố đã hoàn thành việc thiết lập ban đầu mạng lưới liên lạc vệ tinh quỹ đạo Trái đất tầm cao đầu tiên, dự kiến sẽ cung cấp dịch vụ internet vệ tinh nhanh chóng trong biên giới của mình và ở một số quốc gia thuộc Sáng kiến Vành đai và Con đường.

Theo một chuyên gia truyền thông ở Bắc Kinh (thủ đô Trung Quốc), dự án này có thể là giải pháp thay thế cho Starlink.

Tờ Tân Hoa Xã đưa tin China Aerospace Science and Technology Corporation (Tập đoàn Khoa học và Công nghệ Hàng không Vũ trụ Trung Quốc), công ty mẹ của nhà khai thác vệ tinh, cho biết mạng lưới này sẽ cung cấp dịch vụ internet cho các ngành công nghiệp từ hàng không, điều hướng đến các dịch vụ khẩn cấp và năng lượng.

Mạng này bao gồm các vệ tinh có khả năng truyền tải cao như ChinaSat 16, 19 và 26. Theo nhà điều hành mạng, các vệ tinh bao phủ Trung Quốc cùng các khu vực của Nga, Đông Nam Á, Mông Cổ, Ấn Độ, Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, gồm cả phần lớn khu vực nằm trong Sáng kiến Vành đai và Con đường.

Sáng kiến Vành đai và Con đường là chiến lược của Trung Quốc nhằm tăng cường liên kết và kết nối cơ sở hạ tầng trên khắp châu Á, châu Phi, châu Âu.

Tổng công suất các vệ tinh có khả năng truyền tải cao của Trung Quốc được cho sẽ vượt quá 500 Gbps vào năm 2025.

Trung Quốc đã trở thành quốc gia đầu tiên cung cấp smartphone có tính năng gọi vệ tinh vào mùa hè năm ngoái khi gã khổng lồ công nghệ Huawei ra mắt điện thoại 5G kết nối với các vệ tinh có quỹ đạo tầm cao 36.000 km.

Sun Yaohua, Phó giáo sư về khoa Kỹ thuật thông tin và Truyền thông tại Đại học Bưu chính Viễn thông Bắc Kinh, cho biết do khoảng cách xa so với mặt đất nên các vệ tinh có quỹ đạo tầm cao nằm ở vị trí tương đối cố định so với thiết bị kết nối với chúng, do đó mỗi vệ tinh có phạm vi bao phủ rộng hơn nhiều so với các vệ tinh có quỹ đạo tầm thấp.

Sun Yaohua đã so sánh mạng vệ tinh quỹ đạo tầm cao của Trung Quốc với Starlink, bao gồm cả các vệ tinh quỹ đạo tầm thấp được sản xuất hàng loạt. Ông cho biết mạng vệ tinh quỹ đạo tầm cao của Trung Quốc yêu cầu ít vệ tinh hơn để phủ sóng và không gặp vấn đề gì khi một thiết bị được kết nối chuyển đổi giữa các vệ tinh, mang lại độ ổn định cao hơn.

Mạng Starlink cung cấp dịch vụ vệ tinh internet tốc độ cao, chi phí thấp. Starlink hiện có hơn 5.000 vệ tinh trên quỹ đạo Trái đất tầm thấp 550 km.

“Các vệ tinh có quỹ đạo tầm thấp có lợi thế là tốc độ liên lạc cao hơn và độ trễ tải truyền thấp, nhờ có ít mất tín hiệu trên quãng đường ngắn hơn. Chúng được đặt ở vị trí thuận lợi hơn cho các hoạt động kinh doanh như video HD trực tuyến và giao dịch tài chính. Hệ thống quỹ đạo tầm thấp cũng có một mạng lưới linh hoạt hơn, không phụ thuộc vào một vệ tinh duy nhất và có thể tiếp tục hoạt động nếu một vệ tinh bị hỏng. Song nếu một vệ tinh có quỹ đạo tầm cao bị hỏng, nó sẽ ảnh hưởng lớn đến toàn bộ mạng lưới”, Sun Yaohua nói.

Ông nói thêm rằng chi phí của một vệ tinh quỹ đạo tầm thấp sẽ ít hơn nhiều, đặc biệt là khi SpaceX có thể tận dụng việc sản xuất vệ tinh hàng loạt để bổ sung vào chòm sao Starlink.

“Tuy nhiên, sự phối hợp giữa các vệ tinh quỹ đạo tầm cao và quỹ đạo tầm thấp sẽ là xu hướng chung toàn cầu trong tương lai. Trong đó vệ tinh quỹ đạo tầm cao sẽ là xu hướng chung để phủ sóng cơ bản và vệ tinh quỹ đạo thấp sẽ nâng cao hoạt động hoặc khu vực. Hệ thống vệ tinh quỹ đạo tầm cao của Trung Quốc tương đối phát triển. Những vệ tinh quỹ đạo tầm thấp vẫn đang phát triển và chắc chắn sẽ mạnh mẽ hơn trong tương lai”, Sun Yaohua cho biết thêm.

Cũng theo Sun Yaohua, Trung Quốc sẽ cần đầu tư vào mạng vệ tinh quỹ đạo tầm thấp để triển khai công nghệ 6G và cạnh tranh với các vệ tinh Starlink trong việc sử dụng không gian, vì quỹ đạo vệ tinh và tần số vô tuyến là nguồn tài nguyên “đến trước được phục vụ trước”.

“Việc vận hành và quản lý hệ thống vệ tinh rất phức tạp. Kinh nghiệm cần được tích lũy qua thực tế. Mạng lưới vệ tinh quỹ đạo tầm cao này sẽ không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân Trung Quốc liên lạc trong các quốc gia thuộc Sáng kiến Vành đai và Con đường mà còn cung cấp kinh nghiệm trong việc bảo trì và vận hành hệ thống vệ tinh. Điều này quan trọng với sự phát triển trong tương lai của internet vệ tinh Trung Quốc”, Sun Yaohua nói.

Báo cáo cho biết ngành thông tin hàng không vũ trụ chiếm 73% thị phần thương mại vũ trụ toàn cầu, đạt khoảng 384 tỉ USD vào năm 2022.

Bài liên quan
Starlink ra mắt dịch vụ internet vệ tinh ở Indonesia, Elon Musk được hỏi về khả năng đầu tư của Tesla
Hôm 19.5, Elon Musk và Budi Gunadi Sadikin (Bộ trưởng Y tế Indonesia) đã ra mắt dịch vụ internet vệ tinh Starlink của SpaceX cho ngành y tế nước này, nhằm cải thiện khả năng truy cập internet ở những vùng xa xôi.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
1 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tướng Mỹ thúc giục Trung Quốc báo cáo về mảnh vỡ không gian khi mạng lưới vệ tinh G60 được phóng